Gần đây, dư luận trên truyền thông chính thống và mạng xã hội lại rộ lên câu chuyện trường chuyên “tồn tại hay không tồn tại?”. Nhiều ý kiến rất gay gắt và quyết liệt đòi bỏ xóa ngay, coi đó là một mô thức không hợp thời vì dùng ngân sách nhà nước “nuôi béo” một bộ phận nhỏ cả trò và thầy. Có người đề xuất “xã hội hóa” bằng cách “bán” trường chuyên cho tư nhân. Luông ý kiến ôn hòa hơn thì kiên định bằng mọi cách giữ trường chuyên, nhưng phải cải cách mạnh mẽ. Cũng có luồng ý kiến dung hòa theo triết lý lão thực: đã “đẻ” nó ra thì phải có trách nhiệm “nuôi”, xấu-tốt thế nào đã có thị trường điều chỉnh…
Là một nhà giáo gần nửa thế kỷ tuổi nghề, theo tôi cần có cái nhìn thấu đáo hơn về trường chuyên mới khả dĩ có cách hành xử hợp lý với một mô hình giáo dục từng được hoan nghênh trọng vọng, nhưng hiện tại cũng đang bộc lộ nhiều bất cập.
Luật Giáo dục được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7, thông qua ngày 14/6/2019, ghi rõ: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước…”; và: “Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này”. Như vậy, muốn “xóa” trường chuyên thì Luật Giáo dục phải thay đổi. Nhưng làm sao thay đổi được Luật Giáo dục khi văn bản mới được công bố ngày 14/6/ 2019, còn tươi roi rói? Đây là chuyện “vĩ mô” của một ngành, một lĩnh vực xã hội rộng lớn và có tính chiến lược quốc gia khi hiện có hơn 20 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến đại học (cả sau đại học) đang theo học, cùng với cả triệu người làm nghề dạy học và phục vụ dạy học. Giáo dục “đụng chạm”, “gõ cửa” đến từng gia đình, từng người, nó nhạy cảm nhất trong các vấn đề nhạy cảm xã hội. Vì thế, theo tôi, chuyện đòi xóa bỏ trường chuyên, thậm chí giao nó cho tư nhân theo đường hướng xã hội hóa là chuyện dời non lấp biển, vác đá vá trời. Dư luận thời 4.0 thích bàn những chuyện kinh thiên động địa, thậm chí “hoang đường”. Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay, mỗi người trong chúng ta nên “hiến kế” nhiều hơn để góp phần đưa nền giáo dục nước nhà đi lên, phát triển bền vững, vì “xây” (kiến tạo) bao giờ cũng khó hơn “phá” (chống, phủ định). Mặt khác, chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đó mới là người thức thời, có lý và có tình. “Một vạn cái lý không bằng một tý cái tình”. Nhưng nếu chỉ thuần túy duy tình dễ dãi, tùy tiện thì làm sao vận hành được cả một bộ máy xã hội hiện đại bề bộn, phức tạp và không ai có thể thành công nếu đứng về phía này hay phía khác một cách cực đoan trong nhận thức và hành động. Cho nên phải thấu tình đạt lý trong mọi chuyện. Phương châm hành xử này không riêng với giáo dục, không riêng chuyện trường chuyên.
Nhìn từ sự sinh thành của trường chuyên thì đây là một sinh thể, có quá khứ - hiện tại - tương lai. Hơn thế nó có linh hồn. Ai lại nhẫn tâm bóp chết một linh hồn nương tựa trên nguyên tắc chân - thiện - mỹ? Thế hệ chúng tôi còn nhớ như in, từ năm 1966, khi chiến tranh đang ác liệt, bom đạn ngút trời, sống chết tấc gang thì hệ thống trường chuyên (THPT Chuyên) được lập ra, bắt đầu với những lớp chuyên Toán tại các trường đại học lớn về khoa học cơ bản, tiếp sau đó các trường chuyên được thiết lập rộng rãi tại các tỉnh, thành phố miền Bắc (trước 1975); sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì được mở rộng trên phạm vi cả nước. Mục đích ban đầu của hệ thống trường chuyên là chú trọng phát triển năng khiếu của học sinh để bồi dưỡng thành nhân tài. Từ chuyên Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Ngoại ngữ... đến chuyên Khoa học xã hội. Những học sinh giỏi của các trường chuyên từ những thế hệ đầu tiên và sau đó đã từng nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu quan trọng ở tầm quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có một thực trạng tỷ lệ học sinh giỏi các trường chuyên tiếp tục theo đuổi khoa học hay các lĩnh vực liên quan có cơ giảm thiểu khiến cho dư luận xã hội quan ngại. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác - câu chuyện về con đường dài nhất giữa “học” và “hành”, rộng hơn là trong phạm vi xã hội là “nói” và “làm”. Gần đây hơn, có chuyện chọn người tài qua chương trình “Đường lên đỉnh OLIMPIA” do VTV chủ trương gây dựng nhiều năm. Mỗi thí sinh đoạt danh hiệu khôi nguyên đều nhận được một học bổng có giá trị kinh tế cao ngất, nhưng khi đi du học xong, ít người (ước tính 1/10) trong số đó trở về phục vụ đất nước. Lại cũng là một câu chuyện “đi” và “về”, “hưởng thụ” và “cống hiến”, còn tốn giấy mực tranh luận và còn làm khó các nhà quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô. Tôi không thuộc phía phê phán các thí sinh đã đăng quang OLIMPIA mà “một đi không trở lại”, từ góc độ ứng xử với ân huệ của xã hội, đất nước nơi họ sinh ra và làm bệ phóng cho họ bay cao, bay xa…
Tất nhiên, nói đến “sinh thành” là phải nói đến “phát triển”. Hiện nay chúng ta hay dùng cụm từ “phát triển bền vững” để chỉ sự tiến bộ mà trong đó hài hòa lợi ích cá nhân và cộng đồng, kinh tế và văn hóa, kinh tế và môi trường, kinh tế và đạo đức... Hiện tại trường chuyên có phát triển bền vững không? Một câu hỏi lớn sẽ không có câu trả lời thích đáng nếu phán xét thiếu toàn diện và biện chứng, thậm chí nếu thiếu thể tất, thiếu công bằng và thừa săm soi… Chúng ta đều biết, tất cả các ngành sản xuất xã hội, trong đó có giáo dục, phải tuân thủ quy luật “cung - cầu”. Nhìn sang lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay, chúng ta thấu triệt nguyên tắc nghệ sỹ sáng tác theo “đơn đặt hàng xã hội” (giao kèo giữa xã hội và nghệ sỹ). Điều ấy không sai, càng không gây bĩ cực cho người sáng tác mà ai đó kêu rên như thể mất tự do (!?). Bằng chứng là mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập trường THPT Chuyên khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trường chuyên này chiêu sinh ba ngành/môn: Văn học, Lịch sử và Địa lý. Hàng năm, trường khai giảng theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh Hà Nội và các địa phương trên cả nước háo hức “lều chõng”. Không thể thuyết phục và hấp dẫn nhiều người nếu khi nó là một thứ “quả đắng”, như ai đó đóng vai “kẻ đốt đền” bài xích trường chuyên, trong khi cả phụ huynh và học sinh nơi nơi vẫn hướng về trường chuyên theo tâm cảm hy vọng. Niềm hy vọng nào cũng đáng trân trọng vì nó thiêng liêng!
Mới đây, lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường chuyên KHXH&NV nhấn mạnh về mục tiêu của nhà trường là “phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả tốt trong học tập ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, đào tạo học sinh giỏi lĩnh vực KHXH&NV, tạo nguồn nhân tài KHXH&NV cho đất nước theo năng lực của từng học sinh trên cơ sở đảm bảo giáo dục toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, các kỹ năng cơ bản, đặc biệt giáo dục lòng nhân ái trong cuộc sống và các môn văn hóa bậc phổ thông chất lượng cao”. Là người có thâm niên trong ngành giáo dục nên tôi có trải nghiệm nghề nghiệp để tự tại, tự tin khi bàn về giáo dục nói chung, trường chuyên nói riêng ở ta hiện nay. Không lý tưởng hóa (coi trường chuyên là nơi đào tạo tuyệt đỉnh) thì đã đành, nhưng tôi cũnng không “soi” vào những khiếm khuyết mà ngành giáo dục nói chung, trường chuyên nói riêng còn chưa thể khắc phục một sớm một chiều. Giáo dục gắn với vấn đề con người, nhưng con người không thể nhấc ra khỏi hoàn cảnh xã hội. Có đất nước nào chiến tranh kéo dài và khốc liệt như ở Việt Nam trong thế kỷ XX? Có đất nước nào cái “vòng kim cô” của lối dạy và học “cử tử” kéo dài hàng nghìn năm như ở Việt Nam? Có đất nước nào thiên nhiên khắc nghiệt như Việt Nam? Vì vậy, tinh thần hiếu học của người Việt không thể nói là không đáng trân trọng, bảo tồn. Cái khó thường bó cái khôn. Nhưng với người Việt thì cái khó ló cái khôn, biết biến “nguy” thành “cơ”. Mùa thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong đại dịch ba năm vừa qua chứng tỏ tinh thần chủ động của cả xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng để thực hiện Luật Giáo dục một cách hiệu quả nhất trong điều kiện và khả năng có thể.
Cuộc sống hiện tại còn rất nhiều điều bức xúc phiền toái. Chúng ta hãy cố gắng lưu giữ ký ức lương thiện vì đó là căn tính của con người tử tế. Nhân đây tôi cũng bày tỏ quan điểm riêng hoàn toàn không đồng tình với các ý kiến nên bỏ khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Học, học nữa, học mãi” trong nhà trường. Bởi vì, những phát ngôn gây tranh luận gay gắt này, xét cho cùng, chỉ là của những cá nhân chưa đủ thẩm quyền và tư cách bàn về giáo dục. Cố nhân dạy “Lời nói đọi máu” thật không quá chút nào…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên