Để Luật Đất đai không “va chạm” với các luật khác

Thứ năm - 04/08/2022 10:17

Trong diễn văn khai mạc hội nghi Trung ương 5 (khóa XIII) đầu tháng 5-2022, đề cập những nội dung của hội nghị sẽ bàn tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta đều đã biết, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia… nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian vừa qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai…”.

Kết quả hội nghị Trung ương 5 trên đây đã được thể hiện qua 4 nghị quyết số 18, 19, 20 và 21 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 16-6-2022. Trong đó Nghị quyết đầu tiên (số 18-NQ/TW) là về lĩnh vực sử dụng, quản lý đất đai. Điều đó cho thấy lĩnh vực này đang là một trong những lĩnh vực gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội những năm qua và đang được Ban chấp hành Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo khắc phục. Chúng ta còn nhớ vào năm 2013, Hải Phòng xảy ra vụ công dân Đoàn Văn Vươn chống lại người thi hành công vụ bị xử tù giam 5 năm. Nhưng sau khi ra tù, căn cứ vào Luật Đất đai bổ sung, chỉnh sửa năm 2013, Đoàn Văn Vươn lại được pháp luật công nhận trả lại diện tích đất ao vườn mà ông đã mất rất nhiều công sức khai phá nhưng đã bị quan chức chính quyền từ cấp thành phố đến huyện, xã cưỡng chế thu hồi. Giả sử nếu Đoàn Văn Vươn không chống lại người thi hành công vụ để đến nỗi phải đi tù, thì ông đã mất trắng mảnh đất ấy một cách “đúng qui trình” rồi.

Luật Đất đai năm 2013 trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 đã có nhiều tiến bộ, nhưng từ đó đến nay tình hình sử dụng đất, thu hồi đất vẫn tiếp tục xảy ra nhiều vụ án khiến rất nhiều quan chức có quyền hành trong lĩnh vực quản lý đất đai bị khởi tố, ra tòa, vướng vào vòng lao lý. Trong đó có nhiều quan chức chủ chốt cấp tỉnh và thành phố. Những quan chức này đa phẩn chỉ bị kết tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm quy định về quản lý đất đai gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước” chứ ít người bị kết thêm tội “nhận hối lộ” bởi hành vi ấy rất khó chứng minh, làm rõ. Có một điều mà ai cũng hiểu những quan chức này là những người rất am tường luật pháp, tại sao họ biết là vi phạm mà họ vẫn làm? Dư luận cho rằng nếu họ không được hưởng lợi từ việc vi phạm làm thất thoát hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng thì không nhẽ họ biết mình vi phạm nhưng vẫn “hồn nhiên” làm hay sao? Nhưng nếu suy đoán và qui kết như thế lại trái ngược với nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà trong điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định. Để xử lý vấn đề này mà vẫn không trái với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nên chăng, việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới cũng cần song hành vố sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, nâng khung hình phạt thật nặng đối với những đối tượng là quan chức phạm tội vì những lý do nêu trên. Ngoài ra, việc xử nặng quan chức có tội cũng còn là để răn đe, làm gương cho những vị quan đương chức khác.

Hiện nay, những dự án phục vụ lợi ích công cộng và các công trình thuộc về an ninh, Quốc phòng dẫu có bị vướng mắc cũng dễ khắc phục. Riêng các dự án phát triển kinh tế thì hầu như dự án nào cũng có vướng mắc, thậm chí đối đầu giữa nhà đầu tư với các đối tượng bị thu hồi đất. Vì sao thế? Qua theo dõi nhiều vụ việc trên nhiều địa bàn, chúng tôi thấy tất cả những khúc mắc ấy đều do giá đền bù đất mà ra. Việc xác định giá đất để đền bù thu hồi đất do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi. Giá trong quyết định này căn cứ vào Bảng giá đất do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 5 năm thay đổi một lần. Nói chung, các Ban đền bù giải phóng mặt bằng đều làm việc đúng luật, nhưng người dân có đất bị thu hồi vẫn không chịu chấp thuận, nhiều nơi vẫn khiếu kiện đông người, thậm chí còn xảy ra xô sát giữa người dân với công nhân của chủ đầu tư. Việc này không phải là cá biệt mà gần như đã trở thành phổ biến trên phạm vi cả nước. Thường là để tránh, đối đầu với dân, các Ban đền bù giải phóng mặt bằng ủy nhiệm cho chủ đầu tư đi thương thảo với dân trên tinh thần mức giá đã được UBND tỉnh quyết định. Trong quá trình thương thảo ấy, người của chủ đầu tư bằng mọi cách khôn khéo, mánh khóe, thủ đoạn, dụ dỗ, hứa hẹn, mua chuộc và kể cả đe nẹt… nhằm lôi kéo được nhiều người dân chấp thuận nhận tiền đền bù. Giai đoạn đầu, nếu có khiếu kiện thì người dân kêu mỏi miệng cũng khó có cấp chính quyền nào xuất hiện. Nhưng khi đã đạt được năm mươi, bẩy mươi phần trăm số người chấp thuận nhận tiền đền bù thì khi ấy trên cơ sở đã được đa số người đồng thuận, chính quyền sẵn sàng ra ngay một công văn răn đe là có thể sẽ phải cưỡng chế. Nhưng trong thực tế thì việc cưỡng chế thật rất ít khi xảy ra. Vì sao vậy?

Đó cũng là một câu hỏi để chúng ta suy ngẫm! Xin nêu một vài ví dụ minh họa cho “công thức” của qui trình thương thảo-cưỡng chế” trên đây: Khu Kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ 10/4/2012 nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 – 2015 của tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một Khu kinh tế có đầy đủ thủ tục, quyết định của cấp có thẩm quyền mà suốt 10 năm nay còn nhiều hộ dân vẫn không chịu nhận tiền đền bù giải phóng đất bàn giao cho Ban quản lý, vẫn tiếp tục kêu cứu, khiếu kiện đến nhiều cấp với lý do là UBND huyện làm trái luật. Trong khi đó UBND huyện Vân Đồn thì vẫn lúng túng không tháo gỡ nổi. Dư luận nghi vấn là trong cung cách làm việc và quan hệ giữa UBND huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế và nhà đầu tư có gì vướng mắc, khuất tất mà không thể công khai, rõ ràng, minh bạch với người dân? Hoặc như ở tỉnh Hưng Yên, trước khi có dự án Khu đô thị Đại An rộng vài trăm héc ta thì giá đất trong làng Nghĩa Trai cho một mét vuông chỉ năm, bảy triệu đồng. Khi dự án khởi động thì đã có giao dịch thành công với giá tăng vọt lên đến ba mươi triệu. Người ta sẽ suy luận nếu giá đất ở tăng thì giá đất ruộng cũng phải tăng. Như vậy, giá đất tăng là do sẽ có một khu đô thị ở bên cạnh. Chính vì có sự tăng giá đột biến như thế nên đã gây ra phản ứng của người dân về giá cả đền bù.

Tại sao một dự án tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ không nằm trong bất cứ một mục nào của khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, có vị trí tuy thuộc “tỉnh lẻ” nhưng chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội 20km, lại được ưu ái không phải đấu giá quyền sử dụng đất? Theo Quyết định số 515/ QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 31- 3-2021, thì đúng là quyết định phê duyệt kể trên đã không căn cứ vào Luật Đất đai 2013 mà chỉ căn cứ vào Luật Đầu tư năm 2014 và năm 2020. Như vậy là đã có những điều khoản trong Luật Đầu tư phủ nhận Điều 118 Luật Đất đai 2013. Rõ ràng là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần có sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác, tránh tạo ra rắc rối dẫn đến sự khó hiểu gây hoang mang, nghi hoặc trong quần chúng nhân dân; làm khó khăn trong công vụ hành pháp của các cấp chính quyền. Về giá đền bù đất ở các dự án cũng chưa sát thực tế, bởi bảng giá 5 năm mới điều chỉnh một lần.

Người dân vẫn tiếp tục phản ứng là vì sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất ở thì hiện tại với giá trong thì tương lai, khi đất được nhà đầu tư thu hồi, san ủi, xây dựng vài hạng mục hạ tầng hình thành khu đô thị rồi bán với giá cao gấp nhiều lần, đến mức toàn bộ số tiền đền bù cho chủ vườn trước đây, nay không đủ mua vài mét vuông trong mảnh vườn nhà mình. Việc giá đất tăng lên do sự phát triển của xã hội là tất yếu thuận theo tự nhiên, nhưng việc giá đất gia tăng ấy trước hết phải là lợi ích của Nhà nước, của toàn dân chứ không thể là của riêng nhà đầu tư. Tất nhiên dư luận cũng có quyền nghi ngờ phía sau nhà đầu tư còn lấp ló những ai nữa? Như đã nói ở trên, nếu Luật Đất đai 2013 được ban hành sớm hơn thì sẽ không có chuyện các cấp chính quyền địa phương quyết định cưỡng chế thu hồi đất của nông dân Đoàn Văn Vươn như “ăn cướp” và tất nhiên cũng không xảy ra vụ án Đoàn Văn Vươn chấn động cả nước, khiến một nông dân chăm chỉ, vì bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp thái quá, manh động mà vi phạm pháp luật, phải ngồi tù 5 năm. Đến giờ, sau tám năm có hiệu lực thi hành, Luật Đất đai 2013 lại để lộ ra các khe hở, các khoảng trống và những “chồng lấn” bất cập. Rất mong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ tránh được những “va chạm” với các luật khác; đồng thời lấp đầy các khe hở, các khoảng trống đang tạo điều kiện cho những hành vi sai trái lợi dụng, trú ẩn.

 
Tác giả: Nhà văn Cầm Sơn
Nguồn Văn nghệ số 31/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây