Sáng nay, mua củ khoai lang nướng tại cửa hàng bán bánh mì ở chợ Gạo, thành phố Hưng Yên với giá 30 nghìn đồng và tôi cũng từng ăn phở bò tại thành phố Hưng Yên với giá 40 nghìn đồng một bát, rồi nhìn sang tiền Mĩ - tiền Mĩ 30-40 nghìn là mua được 2 chiếc ô tô, thấy mà chạnh lòng cho tiền Việt bây giờ. Xăng đắt, mọi thứ cứ theo nhau tăng giá: một cốc chè hoa quả cũng 30 nghìn. Giá mà tiêu tiền Mĩ, 1 nghìn thì cũng mua được khối thứ. Còn bây giờ, 1 nghìn tiền Việt đánh rơi cũng có khi không mấy người nhặt. Đấy là chưa kể đã có cuộc đổi tiền 10 “ăn 1” vào năm 1985, nếu không, tiền của ta còn mất giá hơn nữa.
Nhưng tiền Việt từng có một thời hoàng kim vào những năm 60-70 của thế kỉ trước. Khi đó tiêu tiền xu, tem thư giá 1 xu rồi 2 xu, 1 chiếc kẹo lạc giá 2 xu, đi tàu điện tại Hà Nội hoặc ăn một que kem hết có 5 xu, một bữa cơm khoảng 3-5 hào. Tiền Việt thời ấy không thua đồng đô la của Mĩ. Mà tôi còn nhớ, tỷ giá hối đoái 1 đồng Việt “ăn” 1,26 đô. Tức là tiền ta còn giá trị hơn tiền Mĩ. Thuở ấy (năm 1974), tôi đi học đại học tại Hà Nội, Nhà nước nuôi toàn bộ, không phải đóng góp thứ gì: Nhà nước cho mỗi sinh viên Ngoại ngữ như tôi là 22 đồng, chúng tôi nộp tiền ăn cả tháng hết có 18 đồng gồm ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, (tính ra 3 bữa hết có 6 hào, trong đó tiền bánh mì mỗi sáng hết 5 xu), 4 đồng tiền còn lại chúng tôi tiêu cả tháng cũng rất ổn. Thật là một thời ưu việt, một thời tiền Việt có giá trị. Thuở ấy, gia đình tôi chả mấy khi có nổi trăm đồng trong nhà. Lương tháng giáo viên của bố tôi ngoài gạo cung cấp ra, thì bố tôi được lĩnh 30 đồng thì phải. Ngày ấy, 300 đồng là mua được một chiếc xe Phượng Hoàng Trung Quốc. Nhà tôi vượt ao làm nhà, thợ đấu thôn An Tào, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ hơn 10 người vác đất ròng rã gần một tháng mà chỉ hết có 300 đồng tiền công cùng bữa cơm nuôi vào buổi trưa. Số tiền công vượt đất ấy là do ông nội tôi cho khi ông bán đi chiếc xe Phượng Hoàng mà tôi đã kể ở trên.
Thật là tiền Việt từng huy hoàng một thuở.
Bây giờ Nhà nước đang lo giữ giá đồng tiền. Ai cũng biết, để đồng tiền có giá thì kinh tế phải phát triển, đồng tiền được bảo hiểm bằng vàng, và nhất là chỉ được in tiền mới khi cần thay thế. Nhìn những đồng tiền luôn mới, là thấy lo. Nhìn không ít người tiêu tiền “quyển 500 ngàn đồng” mới tinh lại càng không yên tâm, lại càng lo đồng tiền mất giá... Có lẽ chỉ Ngân hàng Nhà nước mới biết được chúng ta đã in bao nhiêu triệu đồng tiền Việt mệnh giá 200 đồng và mệnh giá 500 đồng rồi phải vất đi vì mất giá. Sắp tới số phận của 1000 đồng, rồi số phận của 2000 đồng, liệu có khá hơn phận tờ 500 đồng(!). In tiền rồi vất đi, thật lãng phí và cũng thật chua xót lắm thay. Bởi giá trị của đồng tiền là thể hiện sức khỏe của nền kinh tế.
Hy vọng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đồng tiền Việt Nam sẽ phục hồi giá trị... để tiền Việt ta có giá như ngày xưa