Tôi có một khu vườn nhỏ. Tôi trồng một số cây ăn trái và để ra một khoảnh trồng rau ăn. Tôi đã làm mọi cách để vườn của tôi chỉ được dùng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học. Thậm chí tôi còn ngăn mọi nguồn nước từ các vườn khác chảy vô vườn nhà mình. Vậy mà gần đây tôi đã bất ngờ khi phát hiện người làm vườn lén sử dụng thuốc diệt cỏ để làm cỏ trong vườn.
Tôi thật không hài lòng khi biết chuyện đó, nhưng cũng hiểu rằng vì nhiều nguyên nhân, người trồng trọt bây giờ đã quá quen với việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất, và thậm chí họ cũng không biết và không quan tâm tác hại của hóa chất như thế nào. Ý thức về sự độc hại của các hóa chất thật sự chưa cao.
Khi chúng ta ăn các loại rau, trái cây có chứa nồng độ dư lượng hóa chất độc, thuốc bảo vệ thực vật cao, chúng ta sẽ bị nhiễm độc. Việc nhiễm độc này có thể gây ảnh hưởng ngay, như ngộ độc cấp. Về lâu dài, có thể gây suy thận, xơ gan, hoặc tình trạng ngộ độc kim loại nặng.
Việc Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công bố gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối có dư lượng hóa chất, cho thấy dân ta đã bị đầu độc ở mức độ rất cao.
Chúng ta lên án việc người nông dân sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, nhưng chúng ta cũng cần phải xem lại công tác kiểm soát thực phẩm, cũng như kiểm soát nguồn cung cấp các hóa chất độc sử dụng trong nông nghiệp của cơ quan quản lý.
Việc giáo dục ý thức của người dân trong việc sử dụng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật là việc cần thiết. Việc truyền thông tăng cường đưa các tác hại của thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép sẽ gây ra hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần gia tăng ý thức của người dân.
Nhưng việc tuyên truyền, giáo dục không thôi thì chắc chắn là không đủ. Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm phải có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp trước khi đến tay người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý thị trường phải kiểm soát được việc mua bán, lưu thông các phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, khuyến nông cũng phải bảo đảm cho việc người dân chỉ sử dụng các loại phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật được phân phối hợp pháp, sử dụng đúng liều lượng và thời gian.
Đồng thời pháp luật cũng phải đưa ra các chế tài đầy đủ, mạnh mẽ hơn về việc cố tình sử dụng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, làm ra các sản phẩm nông nghiệp có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép.
Ngoài chế tài với người trồng, cần chế tài cả người phân phối và cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, phân phối nói trên. Việc công bố các cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm có dư lượng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế được việc tiêu thụ phải các thực phẩm này.
Cần phát huy khả năng giám sát của cộng đồng. Phải có chỗ để người dân có thể phản ánh trực tiếp các vấn đề liên quan đến thực phẩm và bộ máy quản lý. Đồng thời cũng phải có quy định cụ thể thời gian cơ quan nhận phản ánh phải có phản hồi.
Có thể chúng ta đã có khung pháp lý cũng như đầy đủ cơ chế cho việc này. Tuy nhiên, vẫn có tới gần 50% các thực phẩm lưu thông trên thị trường có dư lượng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cho thấy rõ ràng việc quản lý có vấn đề, nếu không nói là đã bỏ qua nhiều công đoạn trong quy trình kiểm soát đó.
Thực phẩm chứa dư lượng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nó mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ sau. Đó là một vấn đề xã hội lớn, cần được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước.
Một khi bỏ qua một trong những bước giám sát hay các quy định không được thực thi, chắc chắn sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng về thực phẩm và sức khỏe. Vấn đề hệ trọng này cần phải được chú trọng đúng mức chứ không phải chỉ công bố mẫu rồi sau đó mọi chuyện đâu vào đó như vừa qua.
Theo Bs Võ Xuân Sơn/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên