Kỳ 1: Những nhùng nhằng nhà Dây thép Bờ Hồ
Giới kiến trúc vẫn coi chùa Báo Ân xây từ đầu thế kỷ 19 ở Hồ Hoàn Kiếm và công trình Tòa nhà Dây Thép- Bưu điện Hà Nội dựng trên nền chùa cũng cuối thế kỷ ấy tạm gọi là nền kiến trúc Việt không có bản vẽ và có bản vẽ!
Trở thành thuộc địa của Pháp, kiến trúc Việt Nam tiếp thu phương pháp sáng tạo của nền kiến trúc hiện đại phương Tây tức kiến trúc có bản vẽ đã mở ra giai đoạn mới của kiến trúc Việt Nam. Gắn với sự hình thành nền kiến trúc mới Việt Nam là những kiến trúc sư (KTS) được đào tạo theo phương pháp của phương Tây tại trường Mỹ thuật Đông Dương.
May còn sót lại cái Tháp Hòa Phong cổ kính đối diện với Tòa nhà Dây thép- Bưu điện Bờ Hồ gợi cho những người hiếu cổ một quá vãng hoành tráng. Nền Tòa Bưu điện chính là ngôi chùa Báo Ân (Chùa Báo Ân cổ kính có những 36 nóc nhà gồm 180 gian. Diện tích chiếm đất trên 100 mẫu, hoàn thành năm Thiệu Trị thứ 7, 1847) Chùa trưng nhiều tượng La Hán được các nghệ nhân thuở ấy chế tác công phu chuẩn mực nom cực ấn tượng nên còn có tên là chùa Khổ hình. Pháp chiếm thành Hà Nội phá chùa Báo Ân. Khoảng mặt bằng khoáng đạt bên hồ Trả Gươm ấy được một tay tổ ngành kiến trúc Pháp có tên Auguste-Henri Vildieu Chánh Sở Tòa nhà hành chính Hà thành thuở ấy thỏa sức ngắm ngó. Ông ta không ngắm suông mà đang dự định cho một Tòa nhà Dây thép- Bưu điện đầu tiên của Liên bang Đông Dương đứng chân.
Auguste-Henri Vildieux một trong những kiến trúc sư lớn tác giả những công trình kiến trúc hoành tráng ở Hà Nội. Ngoài nhà Bưu điện, còn có Tòa thị chính (1887-1888), Phủ Toàn quyền Đông Dương (1906), Bệnh viện bản xứ (1905), Tòa án (1906-1908), Nhà lao trung ương Hỏa Lò (1896-1899), Câu lạc bộ sỹ quan (Tòa nhà bên Nhà Văn hóa thiếu nhi) Trại lính Khố xanh (1895-1903).
Tòa nhà Dây thép- Bưu điện hướng ra mặt tiền đại lộ Gạc Nhe (tên một quan năm nhà binh kiêm cha cố Pháp Francis Garnier sau đổi là Đinh Tiên Hoàng) từ cuối thế kỷ XIX tọa lạc bên hồ Hoàn Kiếm. Khối kiến trúc tân cổ điển toát lên hơi hướng nghiêm cẩn và trang nhã. Với 4 dãy nhà 2 tầng, sử dụng cầu thang gỗ, gắn đồng hồ trên mái và lợp ngói ardoise màu đen đã trở thành ký ức của bao thế hệ. Cho mãi đến những ngày Toàn quốc kháng chiến, tự vệ Thành Hà Nội đã trụ lại nơi này nhiều ngày đêm chiến đấu anh dũng chống trả quân Pháp. Một phần tòa nhà bị hư hại nhưng sau sửa chữa, chức năng bưu chính viễn thông vẫn được duy trì. Tiếp quản Thủ đô, nhà Dây thép Bưu điện vẫn tồn tại. Những năm bom Mỹ, tự vệ Hà Nội đặt 4 khẩu pháo 14 ly 5 trên nóc nhà Bưu điện anh dũng đánh trả máy bay giặc.
Sau 1975, có lẽ là thời điểm cuối năm 1976, tòa nhà Dây thép Bưu điện 75 Đinh Tiên Hoàng biến mất. Biến để nhường chỗ cho sự xây cất giúp đỡ viện trợ của người anh em Trung Quốc. Người viết bài này đã mất công tra tầm nhưng vẫn chưa tiếp cận được những tài liệu cần thiết của thời điểm lịch sử đó như việc thiết kế, tổ chức thi công. Trong ký ức của dân Hà Nội, chỉ biết thời điểm đầu năm 1977, một công trường xây dựng khổng lồ trên cái nền móng của chùa Báo Ân khi xưa và Nhà Dây thép- Bưu điện cũ.
Rồi công trình Tòa nhà bưu điện Trung tâm Bờ Hồ được sự giúp đỡ hữu nghị ấy cũng đến ngày khánh thành. Người Hà Nội chợt ngổn ngang những tâm trạng. Những mừng vui, và cũng không khỏi nuối tiếc. Vui và mừng theo cái cách đài báo khi ấy ca ngợi công trình, đại loại là thành quả lao động sáng tạo của tình hữu nghị. Công trình là sự kết tinh là khối kiến trúc của dòng chảy lịch sử (ý muốn chỉ các kiểu kiến trúc khi ấy đang đan xen bên Hồ Gươm) Nhưng nếu điều tra tham khảo cẩn thận kỹ càng ý kiến của dân Hà thành thì đám ký giả phải ghi nhận thêm những phàn nàn xen lẫn luyến tiếc nữa! Rằng liệu có nên vội vã làm cái việc để một khối bê tông thườn thượt 5 tầng sừng sững đặt ngay bên bờ hồ đẹp nhất Hà Nội như thế không? Gọi là khối kiến trúc thực chất là những khối gạch được xếp chồng lên nhau!
Auguste-Henri Vildieux một trong những kiến trúc sư lớn tác giả những công trình kiến trúc hoành tráng ở Hà Nội. Ngoài nhà Bưu điện, còn có Tòa thị chính (1887-1888), Phủ Toàn quyền Đông Dương (1906), Bệnh viện bản xứ (1905), Tòa án (1906-1908), Nhà lao trung ương Hỏa Lò (1896-1899), Câu lạc bộ sỹ quan (Tòa nhà bên Nhà Văn hóa thiếu nhi) Trại lính Khố xanh (1895-1903).
Nhưng nào có hề chi cái sự chuế nghịch ấy! Ngày khánh thành Tòa nhà Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ đúng ngày Quốc khánh 2/9/1978. Con tim bao lương dân Hà thành như rung động như thổn thức theo nhịp nhạc ngân dài trang trọng của chiếc đồng hồ trên nóc ngôi nhà sừng sững kia. Giai điệu ngân nga trầm ấm ấy gần 40 năm (vài năm nay có lẽ do trục trặc nên thứ nhạc chuông ấy tạm dừng?) cứ tầm 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều hằng ngày lại ngân lên vang xa trở thành tâm thức, thành phản xạ có điều kiện trong sinh hoạt trong đời sống của vài thế hệ người Thủ đô.
Đến đây cũng phải mở thêm một cái ngoặc. Để có tiếng chuông đồng hồ cùng giai điệu quen thuộc lãnh tụ ca thường trực ấy cũng phải kể đến tài trí sáng tạo của người Hà Nội. Kể lại cho người viết bài này, PGSTS Hà Đình Đức (mọi người gọi thân mật là ông Đức Rùa. Từng được bầu là Công dân Danh dự của Thủ đô vì có nhiều công sức nghiên cứu Rùa Hồ Gươm và sáng kiến bảo vệ môi trường cảnh quan hồ Hoàn Kiếm). Chuyện biên ra thì dài. Nhưng đại loại giữa năm 1978, Trung Quốc rút chuyên gia về nước. Công nghệ của việc vận hành chiếc đồng hồ theo chế độ chạy cơ đặt trên nóc nhà Bưu điện là một bí mật. Điểm nhấn của tòa nhà này là cụm đồng hồ 4 mặt, mỗi mặt vuông có cạnh 4,5 mét kèm theo hệ thống 4 dàn loa phóng thanh.
Nhóm chuyên gia về nước mang theo cả bí quyết vận hành đồng hồ lẫn nhạc! Hà Nội đã không bó tay! Anh em thợ kỹ thuật đã khổ công mày mò nghiên cứu thử nghiệm quyết tâm đưa công trình vào sử dụng đúng dịp 2/9/1978!
Lần ấy nhà thơ Nguyễn Duy gọi nói là đến dự một cuộc tụ vui. Đến nơi thấy ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang ngồi giữa với anh em văn nghệ. Câu chuyện mà ông Sáu chia sẻ với đám viết là chuyện ông với một số trí thức chế độ cũ trong đó có KTS Ngô Viết Thụ. Chuyện KTS Ngô Viết Thụ thiết kế Dinh Độc Lập tức Dinh Thống Nhất thì nhiều người tường. Nhưng chuyện KTS Ngô Viết Thụ được ông Sáu mời ra Bắc tham gia chỉnh trang Đền Hùng có lẽ ít người biết? Tham gia việc chỉnh trang bày biện nơi Đền thờ Quốc Tổ này phải là dạng tầm cỡ và nữa, phải có duyên? Nhớ cái cười bữa đó của ông Sáu, mình cũng có duyên với đất Phú Thọ với Đất Tổ đó …
Chuyện ấy xin được nói sau.
(Còn nữa)
Theo Xuân Ba/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên