“Bộ trưởng nhận diện thế nào, giải quyết ra sao? Biện pháp gì để đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước?”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình), đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cũng đặt vấn đề về vướng mắc trong sắp xếp, xử lý đất đai của doanh nghiệp Nhà nước có diện tích đất lớn, tại nhiều địa phương. Ông Công đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình việc gắn xử lý, xác định giá trị đất đai trong cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. “Liệu đây có phải nguyên nhân chính gây vướng mắc trong thoái vốn, cổ phần hoá hay không?”, đại biểu Nguyễn Thành Công đặt vấn đề.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong cổ phần hoá. Vừa qua cổ phần hoá chậm cũng do khâu này. Theo Bộ trưởng, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, nhà cửa đất đai của doanh nghiệp Nhà nước thì UBND tỉnh phê duyệt phương án, nhưng thực hiện chậm. Năm 2021, chỉ 18 doanh nghiệp được thoái vốn, cổ phần hoá được 4 đơn vị, tổng thu ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng.
Cụ thể, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.
“Giải pháp trong thời gian tới là việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm”, ông Phớc cho biết.
Ngoài ra, theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp tiền đất một năm thì lại được gắn vào giá trị doanh nghiệp. “Vừa rồi chúng ta thất thoát rất nhiều thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà chủ yếu từ đất. Đây là lỗ hổng cần xử lý để không thất thoát đất đai khi chuyển sang cổ phần hoá doanh nghiệp”, ông Phớc thẳng thắn.
Theo Tư lệnh ngành Tài chính, đối với việc Nghị định xác định vấn đề là lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý.
Bởi đó cũng là đánh giá lợi thế thương mại và theo ước chừng chứ không có tiêu chí chính xác để đánh giá giá trị lợi thế thương mại. Khi đưa vào giá trị của doanh nghiệp, thì hôm nay giá đất cao và ngày mai sẽ rẻ. Do đó, Bộ trưởng nêu rõ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi.
Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 60 năm 2018 không cho doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sau khi cổ phần hóa được chuyển mục đích sử dụng đất nếu không sử dụng cho sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu nữa thì trả cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển khu đất đấy cho doanh nghiệp khác, cơ quan khác sử dụng.
Về vấn đề gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hoá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhà đất là tài sản của Nhà nước.
“Trước đây theo Nghị định 167, bây giờ là Nghị định 67, trước khi chuyển sang phải có sự sắp xếp, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước và phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hoá hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hoá”, Bộ trưởng thông tin, đồng thời cho rằng “trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp để xác định tính hợp lý sử dụng”./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên