Những ngày gần đây, cả báo chí chính thống lẫn mạng xã hội lại bùng lên dữ dội vấn nạn sách giáo khoa (SGK) và trớ trêu thay người “châm ngòi” dư luận lại là Tư lệnh ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Trong buổi thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5/2022 khi giải thích về tình trạng sách giáo khoa tăng giá 2 đến 3 lần, ông Bộ trưởng đã giải thích là do “sách in khổ lớn, giấy tốt, từ biên soạn, đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do doanh nghiệp đảm nhiệm…”.
Trời ạ, vẫn biết “đắt xắt ra miếng”, nhưng cái “miếng” ở đây là SGK, một thứ hàng hóa “siêu đặc biệt” liên quan tới chiến lược phát triển giáo dục của quốc gia và hầu bao của hàng triệu phụ huynh. Nói đến SGK, trước hết phải nói đến nội dung của nó đã. Theo Wikipedia thì SGK là loại sách cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích dạy và học tại nhà trường… Tôi nghĩ, sự chuẩn mực cả về nội dung và hình thức là yêu cầu số 1 của SGK. Chắc chắn phải như vậy, không thể khác được! Từ khâu biên soạn, thẩm định, in ấn, xuất bản, phát hành, sử dụng… phải hướng đến chiến lược phát triển giáo dục của đất nước như đường lối của Đảng đã đề ra và tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật hiện hành của Nhà nước. Một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không thể xem nhẹ hay bỏ qua sự chuẩn mực, thống nhất cao của hệ thống SGK. Khi việc biên soạn, thẩm định, xuất bản… SGK bị thả nổi hay buông lỏng, thì những sai sót và hệ lụy từ nó đối với nền giáo dục của nước nhà rất dễ xảy ra. Và thực tế minh chứng nó đã và đang xảy ra. Những “hạt sạn”, những “rác rưởi” trong một số cuốn SGK theo chương trình mới đã bị dư luận chỉ rõ, kể cả trên nghị trường Quốc hội, nhưng xem ra sự tiếp thu, chỉnh sửa của bộ chủ quản có vẻ còn chậm chạp và không rõ ràng lắm. Chúng ta rất mong đất nước có những bộ SGK tốt, đáp ứng được yêu cầu giáo dục phù hợp với các đối tượng là chủ nhân tương lai của đất nước. Những bộ SGK vừa trang bị được kiến thức cơ bản cho các “công dân toàn cầu” nhưng cũng mang đậm nét bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam. Những bộ SGK vừa có “lễ” vừa có “văn” để giúp cho con cháu chúng ta tự tin hơn trước cuộc sống hiện tại và tương lai. Hiện nay, SGK có trở thành gánh nặng cho người dân không? Nói đến chuyện này tức là đụng chạm đến đồng tiền mồ hôi, nước mắt, thấm đẫm muôn nỗi nhọc nhằn của nhân dân mọi vùng miền Tổ quốc. Hơn hai năm nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại không kể xiết cho nhân loại, trong đó có Việt Nam.
Ngoài sự mất mát đau thương về con người, kinh tế của nhiều nước cũng bị khốn đốn. Những chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt gãy. Có ngành kinh doanh đứng trên bờ vực phá sản. Dân buộc phải co lại, “đứng yên” trong những giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài… Không việc làm cũng đồng nghĩa với không có thu nhập. Một bộ phận rất lớn nhân dân khó khăn chồng chất khó khăn là sự thật chua xót. Khổ, nhưng không thể không cho con em đến trường. Và, lẽ nào sau đại dịch kinh hoàng, nỗi lo sợ của các phụ huynh có con đến trường lại là SGK đắt đỏ với cái giá tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước? Chữ “đắt” gắn với SGK mới trở thành từ hot trên mạng xã hội. SGK đắt vì được in trên giấy tốt và theo quy cách khổ to (!?). Tăng giá là mặc nhiên, không tăng giá các Nhà xuất bản sẽ chịu lỗ lớn (?!). Có lẽ, điều này nên nhờ tới sự kiểm tra, thanh tra, xác minh của các cơ quan chức năng. Xin đưa ra một thông tin cần tham khảo: Tháng 6-2021, một đường dây sản xuất SGK lậu lớn nhất từ trước tới bấy giờ bị ngành Công an phát hiện và triệt phá. Các đối tượng đã tiêu thụ tới 3,2 triệu cuốn SGK giả…
Lợi nhuận thu được từ số SGK giả này lên tới 50 tỉ đồng. Tính ra, trung bình mỗi đầu sách giả lãi khoảng 16.000 đồng. Trong khi đó, NXB Giáo dục mỗi năm in hơn trăm triệu bản sách, doanh thu hàng nghìn tỉ, thì cái sự lỗ lãi ra sao cũng nên cần có cơ quan chức năng “soi xét”. Biết đâu sau khi thanh tra, giá SGK sẽ mềm hơn đáng kể và gánh nặng trên vai người dân cũng được bớt đi. Cũng cần nói thêm, ông cha ta có câu thành ngữ “Liệu cơm gắp mắm”. SGK có cần thiết phải in “khổ to” và “giấy tốt” như ông Bộ trưởng nói không? Sao không in “khổ vừa” và giấy cũng “vừa vừa” để hạ giá thành xuống cho bà con ta đỡ nặng gánh. Ấy là chưa kể hiện nay SGK chỉ dùng một lần rồi bỏ thì “in giấy tốt” là rất lãng phí. Mặt khác, “giấy tốt” (bao gồm độ trắng và bóng hơn) còn có hại cho mắt thường trẻ thơ. Và nữa, điều quan trọng nhất là sách in “khổ to, giấy tốt” mà nội dung có nhiều “sạn”, nhiều “rác” như nhiều bộ SGK hiện hành thì… thật phí!
Tuy nhiên, SGK cũng cần phải đẹp, nhưng hình thức chưa phải là cái số 1 trong hoàn cảnh kinh tế của đất nước hiện nay. Bởi vậy, khi làm SGK cần nghĩ đến túi tiền của đa số người Việt, đến thu nhập công dân đang ở mức trung bình trên bảng xếp hạng về kinh tế của thế giới. Con nhà nghèo không thể vung tay quá trán được. Hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ đổ vào việc cải cách giáo dục trong đó có phần SGK, nhưng xem ra sự chuyển biến tích cực của nó không mấy rõ rệt và mạnh mẽ. Có cảm giác như giáo dục Việt Nam đang ở trong cái túi bùng nhùng bởi những ràng buộc về lợi ích nào đó rất khó nói, bởi các căn bệnh thâm niên chưa có thuốc đặc trị như bệnh thành tích, bệnh hình thức… Viết đến đây tôi rưng rưng nhớ tới những quyển SGK thời học trò cách nay trên dưới nửa thế kỷ. Đi theo tôi suốt từ cấp 1 lên cấp 3 là những cuốn SGK giấy không mịn, màu không sáng. Không ít lần tôi dùng lại SGK của các anh chị lớp trước cho. Rồi đến lượt các em tôi lại tiếp tục dùng nó để học. Thế mà, chẳng hiểu sao cái mùi thơm của giấy, của chữ vẫn còn thoang thoảng trong ký ức tôi đến bây giờ. Nhiều đoạn văn, bài thơ, con số, phép tính, hình ảnh… trong đó vẫn thỉnh thoảng hiện lên trong tôi như những kỷ niệm đẹp của thời cắp sách đến trường. Những cuốn SGK giản dị, chân chất như thế đã bồi đắp cho tôi cùng bạn bè mình lòng yêu nước, thương dân; biết nhận ra lẽ đúng, sai, hay, dở trong cuộc sống; biết được các kiến thức cơ bản về tự nhiên, xã hội…
Những cuốn SGK của một thời chiến tranh, một thời hòa bình như thế đã góp phần làm nên nhiều anh hùng, dũng sĩ, các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ… Những cuốn SGK như vậy góp phần tạo nên các thế hệ dám xả thân vì Tổ quốc và biết sống theo cái minh triết ông cha từng căn dặn “Đói cho sạch, rách cho thơm”… Khoảng cách giữa các thế hệ là điều không cần bàn cãi, nhưng cũng đúng vậy nếu chúng ta khẳng định rằng các thế hệ vẫn có những cái chung cơ bản. Những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi là cái chung không bao giờ mất đi, được chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Tôi nghĩ, tinh thần đó phải được thấm nhuần trong chiến lược, sách lược giáo dục Việt Nam nói chung và cả trong quá trình, quy trình làm SGK nói riêng. Cách tân, đổi mới cũng cần phải thấm nhuần tinh thần đó. Và rất nên cảnh giác với tư tưởng sùng ngoại, bắt chước vô lối kiểu cách làm SGK của nước ngoài như ta đang thấy trong một số bộ SGK hiện nay. Cái tinh hoa của nhân loại khác với cái nhân loại đã có và đang có. Nhân loại có tinh túy nhưng không phải không có cặn bã.
Rõ ràng là SGK đang trở thành vấn đề “nóng” của xã hội ta hiện nay và tác động không tốt tới cộng đồng, trong đó có các giáo viên và học sinh. Vì lẽ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nên hết sức quan tâm lắng nghe nhiều chiều để có những cách giải quyết, những đề xuất, kiến nghị hợp lý. Chớ nên chỉ giải thích lý do giá sách giáo khoa đắt vì in “khổ to, giấy tốt”. Chúng ta từng nói rất nhiều lần hai từ “Vì dân” thì không lý do gì để cho SGK trở thành gánh nặng của dân. Đến trường là niềm vui của học sinh. Mặc nhiên, con cháu đến trường cũng là niềm vui của phụ huynh. Đừng vì SGK mà niềm vui lớn ấy bị sứt mẻ, thất thoát, biến màu. Đừng để SGK trở thành nỗi buồn trĩu nặng trước năm học mới của rất nhiều người. Đừng để nỗi buồn hậu covid - 19 lại bị cộng thêm nỗi buồn không đáng có mang tên “sách giáo khoa”…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên