Lo đạo đức xã hội, đạo đức công vụ xuống cấp

Thứ năm - 11/08/2022 16:19
“Chỉ khi chúng ta hình thành được môi trường gia đình, môi trường nhà trường, môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chúng ta sẽ có con người văn hóa, hạn chế vấn đề xuống cấp đạo đức”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn, chiều 10/8.

Chọn điểm đến an toàn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) và một số đại biểu khác chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về các giải pháp căn cơ để phục hồi, phát triển ngành du lịch sau 2 năm đại dịch COVID-19. Đại biểu cũng nêu chất vấn về việc giải quyết bài toán liên kết trong hoạt động du lịch để đảm bảo hoạt động liên kết, phát triển du lịch bền vững và hiệu quả?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch là ngành chịu tác động nhiều nhất từ đại dịch COVID-19. Riêng du lịch quốc tế mức thiệt hại 2.400 tỷ USD, còn Việt Nam chưa thể thống kê chi tiết, nhưng thiệt hại cũng rất lớn. Từ thời điểm 15/3, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch, lượng khách nội địa và quốc tế đều tăng. Khi khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam sau đại dịch, Thủ tướng chỉ đạo chọn du lịch nội địa làm “bệ đỡ”. Vì thế, hoạt động ở các địa phương nhằm kích cầu du lịch nội địa đã đóng góp tích cực cho du lịch nói chung.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, tổ chức đón khách quốc tế phải tính toán điểm đi và điểm đến. Việc này cần vai trò của đơn vị lữ hành trong kết nối. Đồng thời, cần chủ động làm mới sản phẩm du lịch. “Khách quốc tế sau dịch đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa”, theo ông Hùng, các yếu tố văn hóa là lợi thế của Việt Nam so với các nước nên cần dựa vào đây để khai thác, đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế.
 

Xây dựng văn hóa học đường

Giải trình về văn hóa học đường, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề rất rộng lớn và quan trọng đối với trường học. Ðối với việc triển khai giáo dục hiện nay, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm và ưu tiên, thì vấn đề về văn hóa học đường, ứng xử trong trường học càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bộ Giáo dục và Ðào tạo rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chính sách có liên quan. Trong đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người.

Xét về vấn đề văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trường học có vai trò trong việc tạo dựng ra các giá trị văn hóa, trường học cần phải thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử giữa con người với xã hội. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trong việc chuẩn bị, ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng hy vọng, việc triển khai nhiều nội dung của chỉ thị này sẽ tạo ra được những sự chuyển biến tốt đối với các vấn đề về văn hóa học đường.

Cử tri lo lắng đạo đức xuống cấp

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề cập đến phong cách thời trang, việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sỹ đều được giới trẻ quan tâm. Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay, tại sao đều là trang phục theo phong cách hở hang, nhưng người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng như nghệ sỹ lại được cho là đẹp, còn với người bình thường bị cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục?

“Trong khi sức ảnh hưởng của nghệ sĩ lại tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn người bình thường, nhất là những tác động đến xu hướng hình thành tính cách của giới trẻ. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc hiện nay?”, đại biểu chất vấn. Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi, mức độ nào, xu hướng thời gian tới? “Nhiều cử tri lo lắng đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình đang xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra khi được hỏi thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình, như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình, nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong kỳ thi, trượt tốt nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này, Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố?”, đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu thực tế gần đây dư luận rất quan tâm đến các trò chơi trong Team building bị lợi dụng, xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
 

“Khách quốc tế sau dịch đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Lo đạo đức xã hội, đạo đức công vụ xuống cấp ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, xây dựng văn hóa là công việc lâu dài, trong xây dựng văn hóa phải xây dựng con người văn hóa, con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện vấn đề này. “Chỉ khi chúng ta hình thành được môi trường gia đình, môi trường nhà trường, môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chúng ta sẽ có con người văn hóa, hạn chế vấn đề xuống cấp đạo đức”, Bộ trưởng nêu.

Với câu hỏi liên quan phong cách thời trang, ăn mặc của nghệ sĩ, Bộ trưởng cho hay, vừa qua xảy ra nhiều vấn đề phiền toái, đưa ra những ứng xử không đẹp, phản văn hóa. Bộ đã ban hành bộ quy tắc ứng xử để thực hiện, nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, ứng xử trong khát vọng cống hiến, ứng xử trong vị trí, việc làm...

“Quy tắc này đã được giới văn nghệ sỹ thực hiện và triển khai, dù không phải là chế tài nhưng được anh em coi là phạm trù đạo đức để tự giác làm. Còn một số cái phản cảm chúng ta có nhắc nhở”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, không thể lấy hình ảnh trang phục của một nghệ sĩ sân khấu để bắt chước và làm theo.

“Về trò chơi phản cảm, chúng tôi lên án, các nhóm khi tổ chức đi chơi không lựa chọn du nhập trò chơi bên ngoài vào. Chúng tôi khuyến cáo không nên tổ chức những trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy xấu, đối với công ty du lịch nếu tổ chức chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Hùng chia sẻ quan điểm về những trò chơi phản cảm khi tổ chức Team Building.
 

Theo Luân Dũng/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây