Có lẽ không có gia đình Việt Nam nào lại không có liên quan đến hai ngành: giáo dục và y tế. Có lẽ không có ngành nghề nào lại được cả xã hội trọng vọng như ngành y tế và ngành giáo dục: những người làm trong hai nghề này đều được gọi là Thày: Thày giáo và Thày thuốc. Có lẽ không có ngành nghề nào người làm nghề lại có lòng tự trọng cao như ngành y tế và giáo dục: Nếu muốn làm giàu thì đừng chọn ngành nghề này. Nhưng có lẽ hiện nay, không ít người trong hai ngành này đang gây phiền toái cho xã hội. Câu khẩu ngữ: bao giờ cho đến ngày xưa, rất chính xác khi nói về hai ngành này!
Còn nhớ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, học trò chúng tôi rất kính trọng thày, cô giáo và thày, cô giáo cũng cư xử hết sức đúng mực với chúng tôi. Khái niệm dạy thêm, học thêm, không có trong ngôn ngữ giao tiếp của chúng tôi. Ngày đó chỉ có phụ đạo cho học sinh kém, bồi dưỡng cho học sinh giỏi_tất cả đều không mất tiền và thày, cô giáo còn lo ngay ngáy vì sợ học sinh không đến học. Tôi còn nhớ năm 1963 lớp tôi tổ chức liên hoan chia tay. Năm ấy chúng tôi tốt nghiệp cấp 2, nhiều anh chị lớn tuổi không học tiếp nữa, cho nên buổi liên hoan này rất đặc biệt. Lãnh đạo lớp quyết định mỗi người đóng 5 hào và 1 bò gạo, nhưng phải bí mật không để thày giáo chủ nhiệm Nguyễn Tự Nhiên biết, vì nếu biết thày nhất định sẽ đóng góp. Thày đã vất vả với lớp cả năm trời, chả lẽ chúng ta không mời thày được một bữa liên hoan. Nhưng không biết tại sao thầy Nhiên vẫn biết. Thày nói: các em còn khó khăn hơn thầy. Thày đã có lương, lại có sổ gạo. Nếu các em không cho thày đóng góp, thày sẽ không tham gia liên hoan. Cả lớp đành phải chịu cho thày đóng góp.
Đối với riêng tôi thày cũng có nhiều ơn nghĩa. Còn nhớ kỳ nghỉ mùa năm ấy, thày đã liên hệ với phòng thống kê của huyện cho tôi làm hợp đồng 1 tuần với tiền lương 1 đ 3 hào rưỡi một ngày. Đối với tôi đó là một món tiền quá lớn. Thấy chiếc quần tôi đang mặc bị rách ở đầu gối, thày đã bỏ tiền và tem phiếu mua cho tôi chiếc quần mới. Đó là chiếc quần âu đầu tiên của tôi (khi đó chúng tôi gọi là quần phăng), bởi trước đó tôi chỉ mặc quần áo bà ba. Sau ngày tôi được biết thày đã xung phong vào Nam công tác khi còn chiến tranh.
Đối với ngành y cũng vây. Khi đó không có chuyện: thày thuốc ăn tiền của bệnh nhân, chỉ có hình ảnh thầy thuốc áo trắng hết lòng lo cho bệnh nhân, coi những đau đớn của người bệnh như của mình. Tôi còn nhớ thuở sinh viên sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên), một lần tôi bị sái chân phải vào bệnh xá của nhà trường. Khỏi phải nói sự chăm sóc của các cô các chú đối với tôi, chỉ nói riêng về khoản ăn uống đã hơn đứt bữa cơm sinh viên (vì nhà nước cho mỗi bệnh nhân một ngày một đồng với 6 hào của bệnh nhân đóng góp). Đến nỗi ngày ra viện tôi cứ tần ngần mãi, một phần vì tình cảm của các cô chú thầy thuốc, một phần vì các bữa ăn ngon của bệnh xá. Sau này, đầu những năm 70 của thế kỷ trước đi chăm mẹ tại bệnh viện, tôi lại được chứng kiến sự tận tâm, tận tình của các thày thuốc với bệnh nhân.
Thế rồi không biết từ bao giờ câu nói: “Thày giáo ăn tiền học sinh, thày thuốc ăn tiền bệnh nhân” đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người. Vẫn biết không phải là tất cả, nhưng câu nói này hết sức mỉa mai và chua xót. Nguyên nhân sâu xa là đạo đức xã hội xuống cấp, nên những người làm trong ngành y và ngành giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Cho nên muốn giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì phải nâng cao đạo đức xã hội, làm cho người ta coi trọng đạo lý, chứ không còn coi “đồng tiền là tiên là Phật” nữa.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến những chính sách đã khiến cho ngành y, ngành giáo dục lao dốc thê thảm. Không nói đến những chính sách nhiều và luôn luôn thay đổi khiến cho những người làm trong hai ngành này phải xây xẩm mặt mày mà chỉ nói đến yếu kém trong lãnh đạo của hai ngành khiến cho ai cũng phải nản lòng. Trước hết là chính sách không nghiêm (chưa nói là còn có tiêu cực!). Bố tôi khi xưa tốt nghiệp ngành sư phạm, dứt khoát là phải đi dạy ở miền núi 5 năm. Sau 5 năm, tất nhiên là được về xuôi, không cần xin xỏ gì. Lương giáo viên không giàu có gì, nhưng cũng đủ nuôi sống cả gia đình, không phải ăn chặn học sinh. Bệnh viện ngày xưa gọi là nhà thương (tên rất hay, không biết ta đổi từ bao giờ!). Mỗi tỉnh lại có một nhà thương làm phúc (trong Nam gọi là nhà thương thí) chuyên chữa bệnh cho người nghèo. Bệnh nhân vào đây không những không phải trả tiền, còn được bệnh viện nuôi ăn. Mà chẳng phải có giấy tờ gì chứng minh là hộ nghèo như bây giờ, nhưng hầu như không có người giàu nào tranh chỗ của bệnh nhân nghèo cả. Có một thời lòng tự trọng của con người cao như vậy đấy. Bây giờ (cũng không biết tự bao giờ!) lương thấp nhất lại là lương của thày giáo và thày thuốc (bên ngành giáo dục, không biết từ bao giờ chỉ người học kém mới vào sư phạm: “chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm”). Một ngành dạy làm người một ngành bảo vệ sức khỏe cho con người mà lại bị đối xử bất công đến như vậy, lương không đủ sống thày giáo phải tìm cách ăn tiền học sinh, thày thuốc tìm cách xoay tiền bệnh nhân. Mấy chục năm nay đã thành thói quen rồi, đến bây giờ có nhiều thày giáo, thày thuốc đã trở nên giàu có, nhưng vẫn tìm cách xoay xở học trò và người bệnh.
Cho nên theo chúng tôi công việc cần làm ngay là phải chọn những người giỏi nhất, đạo đức nhất để đào tạo thành thày giáo và thày thuốc. Thứ hai là phải có chế độ lương, thưởng, phụ cấp để thày giáo và thày thuốc sống được bằng nghề. Có lẽ chẳng có ai lại đi tỵ nạnh nếu lương khởi điểm của thày giáo và thày thuốc lại cao hơn các ngành nghề khác. Và xin mượn câu nói của những người làm chính sách (tất nhiên là có sửa đổi chút ít cho phù hợp) là phải làm thế nào để đời sống của thày giáo và thày thuốc cao hơn hoặc chí ít là cũng bằng với những người làm ngành nghề khác. Nhiều cán bộ ngành y (đặc biệt là ở phía Nam) đã bỏ nghề hoặc chuyển sang làm cho các bệnh viện tư nhân đã nói lên điều đó. Và cũng cần phải xóa bỏ quan niệm không biết có từ bao giờ: ngành y và ngành giáo dục là nhàn nhã, nên lương thấp là đúng. Và cũng đừng bao giờ lạm phát những lời hoa mỹ chỉ bằng đầu môi chót lưỡi: đây là nghề cao quý!
Vẫn biết thay đổi một quan niệm, một chế độ chính sách là công việc hết sức khó khăn và phức tạp nhưng không thể không làm. Cùng với việc đề cao đạo đức nghề nghiệp, chúng ta cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với các thày thuốc và thày giáo, như từ xưa ông cha ta đã dạy: “có thực mới vực được đạo”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên