Sau thời điểm TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nới lỏng giãn cách, thì dòng người di tản hối hả về quê bỗng trở thành câu chuyện nóng bỏng.
Sau thời điểm TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nới lỏng giãn cách, thì dòng người di tản hối hả về quê bỗng trở thành câu chuyện nóng bỏng.
Hàng vạn người rồng rắn dùng phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy, để xuôi từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, có những gia đình lam lũ dắt díu nhau đi bộ hơn trăm cây số, với mong mỏi quay lại chốn chôn nhau cắt rốn mà có chỗ chở che và an ủi qua giai đoạn gian khó.
Chủ trương của Chính phủ là vận động người dân ở lại địa bàn đang sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, nếu người dân quyết tâm hồi hương thì phải tạo điều kiện thuận lợi để sự dịch chuyển bất đắc dĩ kia được diễn ra an toàn và trật tự.
Cầu Vàm Cống đông nghịt người, cầu Rạch Miễu đông nghịt người, cầu Cổ Chiên đông nghịt người. Những khuôn mặt bơ phờ và những ánh mắt mệt mỏi, cho thấy những thân phận xa xứ đã kiệt quệ sau chuỗi ngày dài chống chọi Covid-19 ở các khu công nghiệp. Mái lá xiêu vẹo bên bờ kênh hay người thân nghèo túng bên cầu ao, cũng giống như điểm tựa cuối cùng cho họ. Vì vậy, bất cứ lãnh đạo tỉnh nào cũng không có quyền đặt ra những rào cản nghiệt ngã, để cản lối đồng bào quay lại mảnh đất ấp ôm cuộc đời họ.
Đại dịch đã xuất hiện gần 2 năm, và cao điểm bùng phát Covid-19 ở phía Nam cũng đã diễn ra hơn 4 tháng. Nỗi mất mát càng ngày càng thấm thía, càng ngày càng chua chát. Ngân sách mỗi địa phương đều giới hạn, nhưng không thể quên ý chí chung của cộng đồng, vừa “huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống Covid-19” vừa “không để ai bị bỏ rơi trong cuộc chiến Covid-19”. Ngân sách không đủ thì kêu gọi nguồn lực xã hội. Người Việt bao thế hệ vẫn biết cách tương trợ nhau vượt qua giông bão.
Có hai yếu tố đáng bận tâm cho đợt di tản mới này. Thứ nhất, dòng người hồi hương có khả năng lây nhiễm Covid-19. Thứ hai, gánh nặng kinh tế phát sinh để chu cấp lương thực cho những người không còn sinh kế.
Với trở ngại thứ nhất, tiến hành xét nghiệm nhanh cho những người di tản. Cách ly để điều trị các đối tượng dương tính và sắp xếp theo dõi tại nhà các đối tượng âm tính, theo đúng quy định của ngành y tế.
Với trở ngại thứ hai, vài tỉnh như Đồng Tháp hoặc Đắk Lắk yêu cầu những người cách ly tập trung phải tự trả chi phí 120 nghìn đồng/ngày. Đó là chi phí hợp lý, nhưng hầu hết người di tản đều không còn một xu dính túi.
Các tỉnh có thể học tập mô hình của Phú Yên. Suốt 4 tháng qua, Phú Yên đã đưa hơn 20 nghìn bà con về quê, và không bắt ai phải nộp một đồng nào khi cách ly tập trung. Tiền ở đâu ư? Tiền từ những nhà hảo tâm đóng góp. Chỉ cần chính quyền đứng ra phát động, thì tình đồng hương sẽ trỗi dậy mạnh mẽ để chăm lo cho nhau.
Không người nào muốn tha hương trong cảnh đói rách, và cũng không người nào muốn hồi hương trong cảnh cơ cực. Tai ương Covid-19 khiến một bộ phận người Việt phải ngậm ngùi tìm lại bóng mát quê nhà. Vì vậy, mỗi tỉnh phải mở lòng rộng hơn, dang tay yêu thương mà cưu mang dòng người di tản nhọc nhằn.
Theo Lê Thiếu Nhơn/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên