Các ý kiến tại hội nghị đã kiến nghị cần phải đổi mới việc xác định khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất; áp dụng nguyên tắc đồng thuận theo đa số.
Sáng 8.10, tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, qua thực hiện các quy định của Luật Đất đai gần 10 năm, bên cạnh những ưu điểm thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện, có nguyên nhân là do các quy định của Luật Đất đai hiện hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ.
Tiếp đó, những vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai. Mức bồi thường bằng tiền khi Nhà nước thu hồi đất chưa thực sự phù hợp.
Về đề nghị giải quyết, ông Ngô Sách Thực cho biết, cần hoàn thiện các bước trong quá trình thu hồi đất trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, khoa học, chặt chẽ và công bằng.
Quy định chi tiết cụ thể về lấy ý kiến và phản hồi ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đổi mới việc xác định khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất. Áp dụng nguyên tắc đồng thuận theo đa số.
Theo ông Ngô Sách Thực, để bảo đảm các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thực hiện đúng mục đích, cần tổ chức thẩm định dự án, kiểm tra, giám sát các dự án bảo đảm thực hiện đúng mục đích và tiến độ dự án sau khi thu hồi đất.
Hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp về đất đai công khai, minh bạch, có sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai.
Cũng theo ông Ngô Sách Thực, cần phải đổi mới việc xác định khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân sau thu hồi đất; áp dụng nguyên tắc đồng thuận theo đa số. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các đạo luật về dân sự, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản cho phù hợp...
Nêu ý kiến tại hội nghị, PGS TS Nguyễn Quang Tuyến - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế bền vững thời gian qua.
Theo ông, khi sửa đổi Luật Đất đai sẽ liên quan tới nhiều luật hiện hành khác. Tuy nhiên, trong việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu. Đặc biệt, hiện nay có nhiều tiêu cực liên quan đến đất công, đất vàng giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức của Nhà nước sử dụng lãng phí.
Do đó, ông Tuyến cho rằng, cần thể chế hoá bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất. Thứ hai, ông Tuyến đề cập đến việc cơ quan có thẩm quyền ban hành ra khung ra đất bồi thường, giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Cần làm rõ việc kiểm soát quyền sở hữu toàn dân là thế nào, bởi ở nước ta có hơn 2 vạn quyền sở hữu. Do đó việc quản lý bây giờ như nào là cả một vấn đề đặt ra” – ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến, các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân. Nếu dân chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì các cơ quan lập quy hoạch sẽ thay đổi toàn bộ, thay đổi một phần hay không thay đổi thì phải giải trình cho nhân dân.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên