Với 2,94 Terabyte (1 TB =1.000 GB) và 11,9 triệu hồ sơ, Hồ sơ Pandora là hồ sơ mới nhất và lớn nhất trong các vụ mà Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã điều tra như Vụ rò rỉ Offshore Leak năm 2012 với 260 GB và 2,5 triệu hồ sơ; Hồ sơ Panama năm 2016 với 2,6 TB và 11,5 triệu hồ sơ; Hồ sơ Paradise năm 2017 với 1,4 TB và 13,4 triệu hồ sơ.
Trong vụ rò rỉ lần này, Hồ sơ Pandora cung cấp cho người đọc tới 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1 triệu email và gần nửa triệu bảng tính.
Đó là những con số rất khủng khiếp trong báo chí điều tra. Tuy nhiên, điều mà người đọc quan tâm ở đây là nội dung của những tài liệu nêu trên: Các tài sản bí mật, trốn thuế và rửa tiền của giới giàu có và quyền lực trên thế giới.
Nói cách khác, các tài liệu này phơi bày những góc khuất, những vấn đề được coi là "thâm cung bí sử" chưa từng được tiết lộ của giới quan chức và doanh nhân, động chạm đến vấn đề đạo đức và thậm chí, có thể quyết định đến địa vị xã hội của những cá nhân bị điểm tên.
Nếu như trước đây, Hồ sơ Panama đã khiến nhiều nhân vật đình đám trên thế giới "tái mặt" vì lộ cứ điểm cất giấu tài sản của họ thì nay Hồ sơ Pandora tiết lộ số lượng chủ tài khoản và nhân vật chính trị còn nhiều hơn gấp đôi so với Hồ sơ Panama.
Với Hồ sơ Pandora, ICIJ đã cho thấy mối liên hệ của gần 1.000 công ty ở các thiên đường thuế nước ngoài với hơn 330 chính trị gia của 90 quốc gia trên thế giới. Trong đó, tiết lộ cách thức một số chính trị gia quyền lực đã sử dụng các công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu tài sản. Hồ sơ này còn tiết lộ mạng lưới phức tạp của các công ty xuyên biên giới, tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty vỏ bọc.
Có thể, những cuộc tranh cãi quanh vụ rò rỉ này sẽ tiếp tục nổ ra, nhiều "VIP" cũng đã lên tiếng phủ nhận về các "cáo buộc" trong bản hồ sơ nói trên. Quả thực, mức độ giàu có của một số nhân vật sẽ "lộ thiên", song không mấy ai vui mừng nếu chẳng may bị "điểm danh" vì vốn dĩ số tài sản này được cất giấu một cách kỳ công.
Cá nhân tôi không đủ khả năng để khẳng định mức độ chính xác của dữ liệu trong các hồ sơ của ICIJ, tuy nhiên, một khi nhắm đến số tài sản "nhạy cảm" của những nhân vật lớn trong giới doanh nhân, chính trị gia trên thế giới thì hẳn rằng đó không phải là những con số vu vơ.
Việc tò mò về tài sản của người khác, xâm phạm sự riêng tư của cá nhân khác - đó là việc không nên, tuy nhiên, nếu số tài sản này liên quan đến nghĩa vụ thuế hay có vấn đề về nguồn gốc hình thành (tham nhũng, rửa tiền…) thì lại là vấn đề chung của nhiều quốc gia.
Theo ước tính của ICIJ, có khoảng từ 5.600 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD được ẩn giấu ở các thiên đường thuế. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, việc sử dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới phải trả tới 600 tỷ USD tiền thuế bị mất mỗi năm.
Rất khó để kết luận ngay về mặt luật pháp đối với những cá nhân, tổ chức sử dụng công ty "vỏ bọc" hay có liên hệ với các thiên đường thuế, nhưng đây là những dữ liệu tham khảo quý để các quốc gia "truy vết" tài sản tham nhũng, lần dấu dòng tiền "bẩn" của quan chức có dấu hiệu tham nhũng hoặc xác định dấu hiệu trốn thuế của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, sau những vụ bê bối về tài chính bị phơi bày từ các hồ sơ của ICIJ cũng để thấy rằng, không bí mật nào là giấu được mãi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Muốn che đậy, muốn không ai biết thì cách duy nhất là ngay từ đầu không làm bậy.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh "lò chống tham nhũng" của Đảng và quyết tâm chống trốn thuế của Chính phủ đang mạnh mẽ, hi vọng sẽ không có ai đang thấy "tái mặt" hay "tim đập chân run" vì Hồ sơ Pandora này!?
Bàn tới đây tôi mới sực nghĩ, hẳn là các cơ quan chức năng, có thẩm quyền cũng đã vào cuộc rồi không chừng?!
Theo Bích Diệp/Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên