Hai cuốn sách hay và ý nghĩa trước ngày Đại hội Đảng bộ huyện Văn Giang
Thứ năm - 16/07/2020 15:59
Đó là cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang tập 2 - (1975- 2020) và cuốn Văn Giang vùng phù sa văn hóa do NXB Thanh Niên và NXB Văn hóa Dân tộc đều được phát hành trước ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Văn Giang lần thứ XXV nhiệm kì 2020-2025. Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang tập 2 do Ban Thường vụ huyện ủy Văn Giang khóa XXII nhiệm kỳ 2005- 2010 chỉ đạo biên soạn và được Ban Thường vụ huyện ủy khóa XXIV nhiệm kỳ 2015-2020 bổ xung, hiệu chỉnh. Cuốn sách khái quát quá trình 45 năm (từ 1975 đến năm 2020) phấn đấu xây dựng và phát triển nhanh chóng, toàn diện của Đảng bộ và Nhân dân Văn Giang trong công cuộc phát triển kinh tế văn hóa xã hội tại địa phương.
Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang từ năm 1975 đến nay đã cho thấy: Những thành tựu to lớn và xuất sắc của Văn Giang là do sự lãnh đạo có “Tâm”, có “Tầm” và có “Tài” của cấp Ủy Văn Giang qua các thời kỳ, đồng thời cũng là do phong trào lao động sáng tạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông công nghiệp của nhân dân Văn Giang. Văn Giang từng có điển hình của toàn quốc về phát triển kinh tế xã hội là xã Mễ Sở. Những năm gần đây còn có thêm Phụng Công, Long Hưng, Nghĩa Trụ, Xuân Quan và một số xã khác.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang tập 1 và tập 2 vừa là bài học về tinh thần vượt qua khó khăn, đồng thời là niềm cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Văn Giang phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, xả thân cho công cuộc kiến thiết quê hương Văn Giang.
Cuốn sách “Văn Giang - Vùng phù sa văn hóa” cũng do Ban Thường vụ huyện ủy Văn Giang chỉ đạo nội dung và do đồng tác giả Phạm Minh Hoàng (Ban Tuyên giáo tỉnh ủy) và Hoàng Thị Thanh Mai (Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên) chủ trì biên soạn. Đây là cuốn sách thành công cả về hình thức cũng như nội dung. Sách in đẹp, khổ lớn hơn những cuốn sách thường thấy đã góp phần tạo nên sự bề thế và phong phú của vùng đất vốn rất giàu văn hóa và nhiều danh nhân. Những tên làng tên đất nổi tiếng như Đồng Tỉnh, Xuân Cầu, Đa Ngưu, Phú Thị, Lại Ốc, Đan Nhiễm, Cửu Cao... Đây là những làng vừa có nghề giỏi lại có lắm người tài. Ví dụ, làng Phú Thị, xã Mễ Sở có các danh nhân: Dương Duy Thanh, Chu Duy Tĩnh, Chu Mạnh Trinh, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm đều đỗ cử nhân triều Nguyễn và trở thành những quan lại liêm khiết, yêu nước và có tài văn chương. Cũng tại làng Phú Thị còn có Dương Tự Quán là nhà giáo sau chuyển sang làm báo và viết sách, Dương Bích Liên là một họa sỹ nổi tiếng, Dương Trọng Bái - nhà khoa học Vật lý, Dương Thị Thoa - Nhà khoa học xã hội, Dương Thị Xuân Quý - Nhà báo liệt sỹ hy sinh năm 1969; Nguyễn Thị Hồng Ngát - nhà thơ, nhà biên kịch. Hay như làng Xuân Cầu xã Nghĩa Trụ có các danh nhân như: Tô Chấn, Tô Hiệu, Lê Văn Lương,Tô Trân,Tô Ngọc Nữu, Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân, Tô Gĩ, Tô Duy, Tô Lâm... Cuốn sách đã tổng hợp, khảo cứu về đình đền, miếu mạo, về các nhà khoa bảng, danh nhân cũng như về các nghề truyền thống và đặc sản của quê hương Văn Giang. Đặc sản của Văn Giang được sách thống kê gồm: Bánh giày làng Gầu, bánh cuốn, bánh khúc, bánh rợm Mễ Sở, bánh mỡ Xuân Cầu, bánh răng bừa Phụng Công, cam Văn Giang... đều là những món ngon bổ và ăn một lần nhớ mãi...
Thật vậy, cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang và cuốn Văn Giang vùng đất phù sa được công phu biên soạn, đã nêu bật được tính Đảng tiền phong gương mẫu đi đầu trong dựng xây kiến thiết quê hương, đồng thời khẳng định được phẩm chất yêu nước cũng như tài năng của người Văn Giang. Đây là món quà có ý nghĩa gửi lên Đại hội huyện Đảng bộ Văn Giang lần thứ XXV (được tổ chức trong 3 ngày: 21, 22, và 23/7/2020) nhắc nhở đội ngũ cán bộ và nhân dân Văn Giang phát huy truyền thống yêu nước của người Văn Giang, phát huy tài năng của người Văn Giang, đưa Văn Giang trở thành miền “phù sa” đáng sống.
Kông Đán