“Đảng cần lựa chọn được đội ngũ tinh hoa xứng đáng để tiếp tục đưa ra đường lối đúng đắn cho phát triển. Coi trọng, sử dụng nhân tài là một trong những yếu tố quyết định”.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã dành cho Tuần Việt Nam một cuộc đối thoại những vấn đề quan trọng trước thềm Đại hội Đảng XIII.
- Đại hội Đảng XIII đang đến gần và vấn đề lựa chọn nhân sự luôn luôn là quan trọng. Ông có ý tưởng nào góp ý cho vấn đề này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Cha ông ta nói, “dụng nhân như dụng mộc”. Đó cũng là nguyên lý trong việc dùng người. Ví như, khi xây một ngôi nhà, thì gỗ lim được chọn làm cột cái, tre nứa thì dùng làm phên, dậu; còn ngược lại, nếu lấy tre nứa làm cột trụ, thì ngôi nhà sẽ nghiêng, đổ.
Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào, chưa hẳn trở thành một chính trị gia hay một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị; một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách.
Từ lâu, tôi đã thấy nhiều vấn đề bất cập trong chính sách cán bộ và chế độ nhân sự hiện nay. Đó là, cứ người giỏi về chuyên môn thì đưa lên làm quản lí, lãnh đạo, cứ vào cấp uỷ là có thể làm tất cả. Cách làm này phải thay đổi trên cơ sở xác định thành 6 nhóm tương ứng với 6 lĩnh vực trụ cột trong lãnh đạo, quản lý xã hội, đó là: (i) chính trị, (ii) quản lý, (iii) điều hành, (iv) chuyên môn, (v) khoa học - công nghệ và (vi) văn hóa - nghệ thuật.
Nhóm cán bộ thứ nhất là những người làm chính trị, hay còn gọi là cán bộ cấp chiến lược. Hiện nay có thể nhìn hai đối tượng là Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội. Chính khách là những nhân vật tham gia vào chuỗi quyết định các chính sách pháp luật, nền tảng trị quốc. Họ là những người: (i) Có năng lực tư duy vượt trội, có tầm nhìn xa, hiểu được quy luật vận động tự nhiên để đặt ra con đường đi cho dân tộc; (ii) có khả năng tổng kết thực tiễn, am hiểu thời thế; (iii) biết quy tụ, trọng dụng nhân tài và năng lực tổ chức các lực lượng vật chất, tinh thần; (iv) có tâm huyết, dốc lòng vì lợi ích chung với tinh thần dĩ công vi thượng, mà không màng đến lợi ích cá nhân và (v) có khả năng thuyết phục muôn người trong đối nội và đối ngoại, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thế nhưng việc chọn lựa nhân sự của ta vẫn đang theo kiểu truyền thống là người giỏi chuyên môn được lên Trưởng phòng, rồi lên Vụ phó, rồi lên Chủ tịch huyện,… cứ thế lên dần. Nhờ bộ máy giúp việc, họ cứ thế lên dần cho đến lúc lên cấp cao, thiếu hụt trình độ và năng lực.
Những người kém mà lại nằm trong bộ máy hoạch định chính sách, vạch đường chỉ lối thì làm sao chất lượng chính sách, pháp luật bảo đảm được?! Vì sao nhiều nghị quyết của Đảng không thể đi vào cuộc sống? Bởi vì nó chung chung, thiếu giải pháp; còn các luật được thiết kế kém, chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi.
Vì vậy, theo tôi, phải tiêu chuẩn hoá cho các cấp Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương và Đại biểu Quốc hội.
Nhóm thứ hai là nhóm quản lí. Đặc điểm nổi trội của nhóm quản lí là những người vận hành những ý tưởng của nhóm chính trị gia, thể hiện được tầm nhìn, khuôn khổ mà các chính trị gia đã khoanh vùng, định hướng bằng các quy tắc xử sự. Nhóm quản lí hiểu sâu về chuyển hoá giữa quy định ý tưởng chính trị sang pháp luật, biết cách vận hành hệ thống thể chế đó như thế nào để phù hợp với mục tiêu mà các chính trị gia đặt ra. Trong nhóm này có thể xếp cấp bộ trưởng, họ là lớp cán bộ biến các ý tưởng về mặt chính trị thành khuôn khổ pháp lý, có sự lồng ghép giữa chính trị gia và người quản lí. Những người này có cả trong Quốc hội và Chính phủ vì Quốc hội lập pháp, Chính phủ lập quy.
Nhóm cán bộ thứ ba là những người điều hành, tạm xếp cấp Thứ trưởng ở Trung ương và Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở ở địa phương. Thực chất nhóm này là những người chỉ huy hệ thống, điều hành bộ máy. Cấp Thứ trưởng là công chức hành chính cao cấp, có trách nhiệm tuân thủ, thực thi chính sách, pháp luật bằng các biện pháp cụ thể. Họ đóng vai trò tổ chức, thực hiện chính sách do các chính trị gia đề ra. Họ có vai trò là vệ tinh cho việc thực thi chính sách và giúp cho quy trình vận hành bộ máy hiệu quả. Nếu gặp phải trở ngại trong quá trình điều hành, họ có quyền đề xuất với cấp chiến lược để sửa đổi, bổ sung, hay ban hành chính sách mới, chứ không phải là tự mình có quyền quyết định chính sách.
Nhóm cán bộ này muốn trở thành chính trị gia phải có những hoạt động xã hội bộc lộ được năng lực khác thì mới thay đổi được vị trí chứ không phải cứ theo tuần tự tiến lên như hiện nay, nghĩa là từ chuyên viên lên chính trị gia phải có quá trình thay đổi, có bứt phá mới được.
Nhóm thứ tư, nhóm chuyên gia, những người tham mưu giúp việc. Những người này tinh thông, am hiểu sâu vấn đề chuyên môn, biết quy trình thủ tục, xử lí những vấn đề vi mô.
Nhóm thứ năm, nhóm cán bộ tay nghề, tạm gọi là nhóm kĩ thuật công nghệ lành nghề. Họ cũng tương ứng nhân viên tham mưu chính sách.
Nhóm thứ sáu hoạt động ở lĩnh vực văn hoá nghệ nghệ thuật. Đặc biệt chú ý đến lớp cán bộ nhân tài ở lĩnh vực khoa học kĩ thuật và nhân văn. Họ có thể sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, hội hoạ, điện ảnh…Những lớp người nổi trội trong lĩnh vực này thì đừng nghĩ rằng họ trở thành nhà quản lí, nhà khoa học hay các nhà làm chuyên môn cũng vậy.
- Ông đã phân định rất rõ 6 nhóm cán bộ trong lãnh đạo, quản lí xã hội. Vậy theo ông, con đường nào, cách thức nào để tuyển chọn được những người phù hợp vào các vị trí đó?
Ở nhiều quốc gia phát triển, con đường để trở thành Tổng thống cực kì nghiêm ngặt, đó là sự xuất hiện của họ trước quần chúng để thuyết trình được những ý tưởng trị quốc.
Có 3 lí do để các chính trị gia xuất hiện ở nghị trường. Thứ nhất, nghị trường là nơi bàn việc nước, chính trị gia chỉ là những người bàn việc nước. Thứ hai, các chính trị gia xuất sắc có nghị trường để bộc lộ được tài năng khởi xướng chính sách, thuyết phục chính sách dưới sự sát hạch của hàng trăm người đại diện cho tầng lớp tinh hoa. Thứ ba, đề xuất của chính trị gia được giám sát bởi các phương tiện truyền thông cả nước. Ba cách này nhận diện nhân tài rất dễ.
Như những tiêu chí ông nói thì ở cấp quản lí, xét về Đảng là như thế nào? Đặc biệt là các cấp bên hành pháp, họ có nhất thiết phải là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng hay không nếu như họ thực sự có tài năng, kinh nghiệm, năng lực kỹ trị…?
Nhóm những nhà quản lí, với nền tảng và kiến thức của họ phần lớn thiên về vận hành theo công cụ, phương thức có sẵn, đi theo nguyên lí của bộ máy. Còn việc phá vỡ nó hay tạo đột phá là công việc của nhóm chính trị gia. Người quản lí chỉ hoạt động trong khuôn khổ và giới hạn nhất định.
Chẳng hạn, đường lối chính trị trong khuôn khổ vòng kim cô thì nhiệm vụ của nhà quản lí là biến hoá nó thành các quy tắc xử sự cụ thể, đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong việc đặt ra qua tắc xử sự cao. Vì thế, tính chính trị gia của họ khiêm tốn, tính quản lí lại cao hơn, có nghĩa là phần chính trị gia không nên xem trọng mà nên đề cao tính chuyên nghiệp của họ.
Do đó, không nhất thiết phải cơ cấu họ trong Uỷ ban Ban chấp hành Trung ương. Trong Chính phủ nhà nước đầu tiên của Việt Nam năm 1946, lúc đó Bác Hồ dùng người rất tài, không phải chỉ vì vận nước lúc đó buộc phải dùng như vậy mà Bác nhìn thấu vào năng lực từng người. Kể cả sau này khi Đảng hoạt động công khai thì cách dùng người cơ bản của Bác Hồ vẫn vậy. Có những Bộ trưởng không phải là Uỷ viên Trung ương. Ví dụ, ông Nguyễn Đình Lộc, Lê Ngọc Hoàng, Đặng Vũ Chư có phải Uỷ viên Trung ương đâu!
Nói vậy để phân định rõ, người quản lí là người hiểu phương thức vận hành đường lối chính trị để cụ thể hoá thành quy tắc xử sự trong giới hạn được phép.
- Đảng “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, tức là đang lãnh tránh nhiệm dẫn dắt đất nước, dân tộc trên con đường phát triển. Vậy, chọn được người tài hẳn phải là ưu tiên mới đảm nhận được sứ mệnh đó chứ, thưa ông?
Sứ mệnh, trách nhiệm của Đảng không chỉ để cập trong cương lĩnh mà được cụ thể hoá trong điều 4 của Hiến pháp quy định sứ mệnh, tính chịu trách nhiệm của Đảng trước quốc gia dân tộc.
Với sứ mệnh như vậy, Đảng lãnh đạo đất nước bằng ba con đường: Một là, hoạch định đường lối chính sách để dẫn dắt dân tộc đi con đường tốt đẹp và phồn thịnh hơn. Hai là, bằng nhân sự; Đảng giới thiệu ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bầu ra những người tài năng, đây là việc quan trọng nhất. Ba là, bằng kiểm tra giám sát của Đảng với cán bộ của mình.
Nếu Đảng không lựa chọn được đội ngũ tinh hoa xứng đáng sẽ không có đường lối đúng đắn. Nếu Đảng không có đội ngũ thực sự công tâm, dĩ công vi thượng sẽ không kiểm tra giám sát được bộ máy của mình. Vì vậy, nhân sự quyết định nhất.
Cha ông ta đã từng nói: “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”. Việc taọ lập ra nhà nước, trước tiên phải xem dân trí hàng đầu, quốc sách là giáo dục để nâng cao dân trí. Nhưng đến lúc xây dựng phát triển đất nước phải dùng nhân tài. Đó là nguyên lí bất di bất dịch của mọi quốc gia, lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại đều thế.
Đảng muốn tồn tại, phát triển, đi vào lòng dân tộc phải coi trọng nhân tài. Đó là uy tín, vai trò, sự tồn vong của Đảng. Bàn về câu chuyện nhân sự Đại hội XIII không phải là câu chuyện mới.
Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được nhìn nhận chuẩn bị từ trước. Trước hết, sửa đổi các quy định về nhân sự, về các bước tổ chức thực hiện nhân sự đến bây giờ vẫn đang trong quá trình này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, nếu không nhìn nhận nó ở góc độ thực tiễn hơn, vẫn có thể không thoát được những ràng buộc do chính mình đặt ra, không tránh được sai lầm và hậu quả đến bây giờ khó lường định.
Những quy định nhân sự hiện nay chúng ta đã hoàn thiện bước mới, chặt chẽ đầy đủ hơn trên cơ sở tổng kết những gì mà ta đã vấp phải. Nhưng bây giờ nói rằng lựa chọn nhân tài thực sự thì quy định hiện nay vẫn bị ngáng trở, chưa vượt qua được độ tuổi, quy hoạch.