Việt Nam phủ nhận 'Trung Quốc hoạt động ở biển Đông hơn 2.000 năm'
Thứ năm - 16/07/2020 22:03
Trung Quốc vừa lặp lại cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông, với lý do nước này đã có hoạt động ở khu vực cách đây 2.000 năm. Đáp lại, Việt Nam tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng trên mạng xã hội Twitter về “quyền lịch sử”, sau khi Mỹ ra tuyên bố khẳng định quan điểm coi những yêu sách của Trung Quốc đối với các cấu trúc và tài nguyên trên biển Đông là bất hợp pháp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đoạn tweet này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. “Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.
Toà trọng tài quốc tế, được thành lập dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, năm 2016 phán quyết rằng, “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông không có cơ sở pháp lý. Dù Trung Quốc là thành viên của UNCLOS và luôn nói tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhưng nước này lại diễn giải theo cách của họ, phớt lờ và phỉ báng phán quyết của Tòa trọng tài.
Trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc gần đây đăng bài viết của ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó đề cập quan hệ Việt-Mỹ. Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về bài viết này, bà Hằng nói: “Trong một thế giới hội nhập phát triển như ngày nay, Việt Nam cho rằng, việc các quốc gia thể hiện thiện chí và phát triển quan hệ hữu nghị với nhau là xu thế tất yếu và đóng góp cho hòa bình, ổn định chung ở khu vực và thế giới”.
Bà cho biết, quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. “Chúng tôi mong các nước chia sẻ quan điểm này của chúng tôi”, bà Hằng nói.
Bài viết của ông Hồ Tích Tiến nhanh chóng bị gỡ bỏ khỏi trang của Đại sứ quán Trung Quốc, sau khi nhận được hàng loạt bình luận phản đối gay gắt.
Ấn Ðộ hoan nghênh vai trò của ASEAN trong vấn đề biển Ðông
Tại hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Ấn Độ (AISOM) thường niên lần thứ 22 được tổ chức ngày 16/7 theo hình thức trực tuyến, hai bên chia sẻ thông tin cập nhật về các vấn đề đang nổi lên ở khu vực. Ấn Độ chủ động thông báo cụ thể với các nước ASEAN về Sáng kiến các đại dương - Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu tại Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 năm 2019 và tình hình quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc.
Ấn Độ nhấn mạnh, nước này hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, ủng hộ các nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tín hiệu mới về COC Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, GS Carlyle Thayer (ÐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), nhận định, ASEAN mới đây ngầm có ý kiến về kế hoạch hoàn tất COC mà Trung Quốc đưa ra. “Ở đoạn 64 trong Tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, cụm từ “với khung thời gian hai bên cùng nhất trí” trong dự thảo đã bị xóa đi. Trong các tuyên bố gần đây của ASEAN về biển Ðông, liên quan văn bản dự thảo đàm phán duy nhất về COC (nhất trí hồi tháng 8/2018) luôn có cụm từ này”, GS Thayer cho biết. Ba năm trước, các quan chức Trung Quốc, đặc biệt là ngoại trưởng nước này, đơn phương tuyên bố là COC sẽ hoàn tất trong khung thời gian 3 năm, tức muộn nhất là 2021. “Giờ đây, ASEAN đánh tín hiệu không nhất trí với hạn cuối 2021, mà một hạn cuối mới phải được hai bên bàn thảo, ấn định với sự nhất trí của cả hai bên”, ông nhận định.
Tuyên bố của chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN năm ngoái viết: “Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh tiến bộ đàm phán thực chất về việc sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất với khung thời gian hai bên cùng nhất trí”. Tuyên bố năm nay viết: “Chúng tôi được khuyến khích bởi tiến bộ đàm phán thực chất về việc sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”. Ngoài ra, tuyên bố chủ tịch năm ngoái viết: “Chúng tôi cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC”, còn tuyên bố năm nay thay “cũng tái khẳng định” bằng “nhấn mạnh”, chuyên gia Thayer cho biết.