Ông khoẻ mạnh, người hơi đậm, chân tay rắn chắc, da hơi ngăm. Ông có cái nhìn thẳng thắn, ánh mắt chiếu thẳng vào người đối thoại. Mới đầu ông nói chậm chạp, tôi có cảm giác hơi khô khan. Nhưng chỉ dăm phút sau, ông trở nên lôi cuốn lạ lùng.
Không bài vở, không tài liệu nào trước mắt ông, nhưng mọi nguyên tắc lý luận thực tiễn, số liệu ở đâu, năm nào tự nhiên tuôn ra dào dạt. Giọng ông càng hùng hồn, càng cuốn hút, những nhấn nhá, những khoảng lặng của ông làm cho cả hội trường nín thở. Tất cả đại biểu thanh niên lặng ngắt, dường như nuốt từng lời. Ông chỉ nói vo, không cần chuẩn bị, nói bằng lòng nhiệt huyết cách mạng của mình, nói bằng những năm tháng cam go hoạt động địa phương và xây dựng phong trào cách mạng của mảnh đất ông sinh ra. Người ấy là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi, tên tuổi gắn liền với chủ trương “pháo đài cấp huyện” một thời.
Quả thật, ông là nhà hùng biện, nhà chính trị, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà thuyết khách, tất cả trong ông đều ở mức sục sôi, ào ạt, cuồn cuộn. Hai tay ông như đôi đũa thần thu phục lòng người, khi giơ cao, khi chém xuống, khi gạt ngang, khi phải, khi trái như dẫn dắt người nghe lên rừng xuống biển, lên chỗ tươi vui cũng như xông vào những chỗ hiểm nguy. Ông diễn thuyết liền một mạch, không nghỉ. Khi nào cũng đầy cảm hứng, cũng như đang ở cao trào cách mạng, ở chính tâm bão. Mồ hôi ông vã ra, nóng. Lúc đầu ông cởi cái áo bốn túi, bỏ ra sau ghế. Một lúc sau, ông xắn tay áo sơ mi. Ngẫu nhiên ông nói đến những khó khăn thiếu thốn của bà con xã viên hợp tác xã, ông liền cởi hẳn áo sơ mi để giữa bục nói chuyện, trên người chỉ mỗi cái áo dệt kim cộc tay. Và ông tiếp tục cuộc hành trình chinh phục lớp thanh niên đang ngồi kín cả hội trường.
Không ai nghĩ đến thời gian, chỉ có những đợt sóng ngôn từ và tư tưởng, từng đợt từng đợt dội lên rồi lại ào ra, tràn khắp bờ bãi tình cảm, tư tưởng của mọi người. Diễn giả Nguyễn Hữu Đợi suốt cả một buổi không nghỉ giải lao mà cả hội trường im phăng phắc. Ông để lại ấn tượng không những mạnh mẽ, sâu sắc mà kích hoạt lòng nhiệt tình của hàng vạn người trong huyện. Nó gây cho người nghe cảm hứng hoạt động, đưa lại niềm tin vững chắc có một chủ nghĩa xã hội rất gần, một nền sản xuất lớn được cơ khí hoá, điện khí hoá, ngày mai trên cánh đồng trước mặt sẽ thẳng cánh cò bay, hang trăm chiếc máy gặt đập liên hợp làm việc.
*
Ông sinh năm 1927 (Đinh Mão), ở một xã nghèo, thuần nông (xã Quỳnh Hồng). Dấu ấn của một gia đình bần nông đã ảnh hưởng nhiều đến lối sinh hoạt, tính cách của ông sau này. Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp ở địa phương, sau mới thoát ly lên huyện. Chứng tỏ ông là người năng động, có lập trường giai cấp kiên định, có những thành tích nổi trội, trưởng thành qua thực tiễn từ cơ sở mà lên.
Từ khi bỏ cày làm cán bộ, ông đã tỏ ra có năng khiếu về hô hào, ăn nói, biện thuyết. Trước đám đông, ông như người nghệ sĩ xiếc, càng nói càng hăng, càng nói càng hấp dẫn. Trong nghệ thuật tuyên truyền miệng, ông biết đúc rút vấn đề dưới góc nhìn hài hước, để “cù” vào sự thích thú của người nghe. Cứ nhìn tướng mạo ông: người thấp đậm, vạm vỡ, khuôn mặt phương phi, bước đi nhanh và tự tin, đủ biết ông là người của công việc, có năng lực chỉ huy và là thuộc tạng người hành động quyết liệt.
Ngay từ trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tên tuổi Nguyễn Hữu Đợi gắn với huyện Quỳnh Lưu anh hùng đã nổi lên như cồn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thành tích nổi bật nhất là thâm canh nông nghiệp đạt năng suất cao. Trong huyện đã có nhiều xã: từ Quỳnh Hồng đến Quỳnh Hậu, Quỳnh Giang, Quỳnh Bá chạm tới mốc 6 tấn/ha, ngang ngửa với Thái Bình đất lúa. Nhờ năng suất lúa lên, Quỳnh Lưu làm nghĩa vụ lương thực, cung cấp cho tiền tuyến “thóc không thiếu một cân”. Đời sống nhân dân theo đó cũng bảo đảm mức tối thiểu. Những công trình nổi tiếng như cải tạo đồng muối Quỳnh Thuận thành quy mô; đào kênh tiêu úng Bình Sơn, tiêu úng cho hàng ngàn hécta ruộng ngập sâu, xây dựng nhà thương, trường học, nghĩa trang liệt sĩ huyện, trại an dưỡng thương bệnh binh... đã thành những hình ảnh mà cả nước chưa nơi nào có.
Đến năm 1975, mới 3 năm ngớt tiếng bom Mỹ, Quỳnh Lưu đã trở thành hiện tượng trong cả nước và truyền thông thời đó, đã có nhiều bài viết ngợi ca rất hình ảnh “Quỳnh Lưu đã chạm một tay vào Chủ nghĩa xã hội”. Chủ nghĩa xã hội ở Quỳnh Lưu là đây: năng suất lúa cao, thuỷ lợi được hoạch định, đời sống nhân dân được cải thiện, người già và thương bệnh binh được chăm sóc, đồng ruộng và thôn xóm được sắp xếp lại, trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang... Nhiều trường học lý luận về xây dựng Đảng, về xây dựng nền kinh tế sản xuất lớn, về đường lối dân vận, v.v... đã ùn ùn về Quỳnh Lưu đúc rút kinh nghiệm, coi đó là trường học thực tiễn mà người cầm cương nảy mực là Bí thư Huyện uỷ. Thời ấy các ngôi sao khác tự mờ đi, suy tôn cho một ngôi sao xứng tầm, đứng đầu toả sáng. Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội) cũng đã về đây khảo sát hàng chục đoàn, thời gian nghiên cứu hàng tuần. Đoàn nào khi kết thúc cũng muốn được Bí thư Huyện uỷ đến nói chuyện. Người ta xem ông Đợi là tác giả, xem Quỳnh Lưu là sản phẩm của phong trào cách mạng quần chúng, cần phải nhân rộng ra, tiếp lửa cho miền Bắc và cả miền Nam buổi đầu còn loay hoay ngơ ngác tìm con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội sau giải phóng. Trên cái nền như vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh, khoá đầu tiên (giai đoạn 1976-1979) đã trân trọng ghi tên Nguyễn Hữu Đợi vào Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Cũng trên đà đó, Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến có đồng chí Nguyễn Hữu Đợi vào Ban Chấp hành Trung ương. Nếu không có một trục trặc nhỏ trong công tác tổ chức thì ông đã là uỷ viên Trung ương Đảng đầu tiên của cấp huyện.
*
Ông Nguyễn Hữu Đợi có biệt tài biến nghị quyết của Đảng thành những khẩu hiệu chiến lược và khẩu hiệu hành động, thậm chí như ca dao, tục ngữ, vè, phương ngôn, đầy hình ảnh, đầy nhạc điệu, dễ thuộc dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, người nông dân có ít chữ nhất cũng nhớ được, thuộc được và khi nhớ rồi, khi đã thuộc rồi thì họ làm bao giờ cũng đúng ý Đảng. Câu “Mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội” nếu ta là nhà lý luận ta phải dùng đến 500 trang sách để diễn giải nội hàm của mệnh đề đó. Như “mo cơm, quả cà” ta phải nói đến hết cả hai giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại, về việc giành chính quyền, về hai cuộc chiến tranh chống xâm lược. Lại nói về thế nào là cộng sản và tấm lòng cộng sản. Và nữa, chủ nghĩa xã hội là gì, cũng phải hàng trăm cuốn sách. Nhưng với ông, nhà lí luận cách mạng bần nông, nhà canh nông, chỉ gói gọn trong một câu như câu ca 15 chữ: “Mo cơm quả cà và tấm lòng cộng sản, tiến lên chủ nghĩa xã hội” mà đi vào lòng người, ai cũng nhớ, ai cũng thuộc. Khi dân còn đói, thiếu gạo, ông đưa ra khẩu hiệu: “Có nước là có lúa, có đất là có màu, có người là có việc”. Có thế thôi, giản dị, mạch lạc, nhưng người dân hiểu ra, có tí đất liền trồng thêm bụi mía, bụi rau, ruộng cao không trồng được lúa thì tát nước lên... Nếu để ý sẽ thấy, vài tháng sau khi câu khẩu hiệu ấy xuất hiện, cả huyện có thêm bao nhiêu rau, bao nhiêu sắn, bao nhiêu khoai lang, ngon thì chưa nói nhưng đói thì không ai còn bị đói.
Vụ mùa mất phải trông vào vụ đông xuân, chưa biết thiên nhiên còn giở trò gì nữa, ông Đợi liền đề ra khẩu hiệu: “Đông xuân này quyết tuyên chiến với thiên nhiên” hoặc “Trời làm mất, bắt đất phải bù”… Phàm muốn làm một việc gì, nhất là hoạt động chính trị, thì phải có chủ thuyết. Mục đích là để làm tập hợp nhiều người cùng làm. Muốn vậy người ta phải biết anh là ai, quan điểm thế nào, và cách làm của anh để đến đích ấy. Chính cái tài biện thuyết, nắm bắt tốt vấn đề và khái quát được bằng những khẩu hiệu hành động có sức mạnh của Nguyễn Hữu Đợi, là một trong những nhân tố đầu tiên, để ông thành công trong chỉ đạo điều hành. Đó là khi làm một việc gì lớn, ông đều vắt óc suy nghĩ để ra được một câu khẩu hiệu, nếu ông chưa nghĩ ra, ông bắt cả ban Thường vụ đều nghĩ. Thời đó đọc lên, người dân nghe như tiếng kèn xung trận.
Những ai đã từng sống ở đất Quỳnh Lưu thời đó thì biết cái đói, cái rét sát sườn từng nhà, từng ngõ ngách như thế nào. Bo bo cũng bán theo tem phiếu. Người dân phải ăn đến sắn, khoai lang non, củ mới bằng ngón tay. Có xã đã phải ăn rau khoai, lá sắn và rau má. Đói làm cho hợp tác xã lung lay, dân đòi chia ruộng để trồng cây gì cứu đói. Dù vậy, huyện vẫn không xa rời mục tiêu đưa Quỳnh Lưu tiến bước mạnh mẽ lên Chủ nghĩa xã hội, ra nghị quyết về xây dựng thuỷ lợi, thuỷ nông đưa nước về từng cánh đồng, xây dựng làng mới trên núi, lấy đất cho sản xuất lớn, bên cạnh đó làm tốt công tác kế hoạch hoá gia đình... Nhà tuyên truyền chính sách bẩm sinh Nguyễn Hữu Đợi đã cụ thể hoá, hình ảnh hoá, ngạn ngữ hoá nghị quyết trừu tượng ấy thành 9 chữ đơn giản, dân dã, đầy cảm xúc, để cho mọi người dân dễ nhớ và dễ thực hiện: “Mạ vô sân, dân vô rú, đụ vô vòng”, mạ vô sân thì dễ hiểu, dân vô rú tức là sắp xếp lại giang san, đưa dân vô núi, lập làng mới. Còn vế thứ ba là vận động sinh đẻ có kế hoạch, ba chữ thay cho hàng chục pho sách, khúc triết, lôi cuốn, đầy cảm hứng mà cũng rất hài hước. Chủ trương nào, kế hoạch hay chính sách nào của Trung ương, của tỉnh hay của huyện, ông Đợi cũng có thể biến thành những khẩu hiệu đầy hình ảnh, đầy màu sắc và dễ nhớ. Có người bảo ông nói tục. Nhưng tục hay không còn là do văn cảnh, bối cảnh và đối tượng trao đổi. Bởi vì ngay cả thơ người cao tay vẫn có thể đưa cả “hố xí” và “đi ỉa” vào một cách đắc địa. Ví như hai câu trong bài Mất tự do của Hồ Chí Minh: “Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa vẫn không cho”; và câu khác: “Ngồi trên hố xí đợi ngày mai” đó thôi!
Đó là tài của ông Đợi, là phong cách lãnh đạo của ông Đợi, là đặc sắc của ông Đợi, không ai có và không ai làm được. Hô hào dân làm thuỷ lợi thì ông có “Mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản, toàn huyện chung tay xây dựng các công trình thuỷ lợi”, đưa lại cho người dân một tinh thần lạc quan cách mạng, tin tưởng ở sức mình.
Ngày ấy dân đi làm thuỷ lợi làm gì có mo cơm, quả cà? Nói mo cơm cho oai thôi, chứ chỉ có vài củ khoai hay củ sắn. Dân đi làm công trình thuỷ lợi Vực Mấu, đào kênh Bình Sơn, cải tạo đồng muối Quỳnh Thuận thì chỉ có bo bo và bí đỏ ăn thay cơm, ăn trừ bữa, đói nhưng không ai kêu. Chỉ có khoai và tấm lòng cộng sản. Ông muốn nói, không có tấm lòng ấy thì không có chủ nghĩa xã hội. Đừng vội trách ông Bí thư duy ý chí. Những khẩu hiệu vang dội ấy có hoàn cảnh ra đời của nó, nó đã dựng nên rất nhiều phong trào, đóng góp những tiến bộ đáng kể, nó cũng đã hoàn thành nhiệm vụ hay vai trò lịch sử của nó, nó đúng và phát huy sức mạnh của nó, chỉ trong điều kiện lịch sử và điều kiện xã hội mà nó ra đời, hay đẻ ra nó.
Nếu không dùng ý chí thì dân Quỳnh Lưu làm sao đào nổi con kênh dài hàng chục cây số nghiêng đồng đổ nước ra sông như đã làm. Và treo nước trên ngọn cây của 86 hồ đập trong đó có hồ Vực Mấu để tưới ruộng? Hình tượng “mo cơm, quả cà tiến lên chủ nghĩa xã hội” hàm nghĩa sâu sắc cả về thời đại và tính cách dân Nghệ, nó cũng là một biểu tượng Quỳnh Lưu đang “đặt một tay vào chủ nghĩa xã hội”.
*
Bí thư Nguyễn Hữu Đợi vốn là người hành động. Khi Thái Bình là tỉnh 5 tấn, ông Đợi đã cử một đoàn 24 cán bộ ra, xin làm xã viên gần năm, cùng ăn cùng ở trong gia đình nông dân, học làm giống lúa mới, học cấy ngửa tay, học làm bờ vùng bờ thửa, vân vân... Ăn ở, làm việc như nông dân ở đó đúng 2 vụ thì về, khi về hợp tác xã Thái Bình trả công điểm cho họ bằng thóc giống. Số thóc giống ấy chia về ba xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Bá làm thí điểm. Xong một vụ, huyện mời lãnh đạo các xã khác trong huyện đến tận bờ ruộng tham quan, học hỏi cách gieo giống mới, cách chăm bón. Vụ sau cả huyện Quỳnh Lưu đạt 6 tấn/ha, vượt cả Thái Bình. Cũng trong một lần đi Thái Bình, thấy đồng muối người ta ngon lành quá, ông Ðợi muốn cải tạo đồng muối Quỳnh Lưu một cách “hoành tráng” bằng cách san phẳng hết cồn mô, chia cắt, đắp đê, xây cống để chủ động nước ra, vào. Đặt vấn đề, ai cũng thấy khó có thể vượt qua vì đang lúc chiến tranh, đồng vốn lại không có. Công việc phải huy động nhiều người, nhỡ máy bay đánh làm chết dân thì ai chịu? Ông Đợi muốn cho “có trên có dưới” đã trình lên các cấp có liên quan. Ủy ban tỉnh không đồng ý. Ông Ðợi đang đêm đạp xe ngót trăm cây số lên gặp Bí thư Tỉnh ủy nơi sơ tán, nằn nì: “Thủ trưởng ơi, em muốn cải tạo đồng muối, xin ủy ban không cho. Anh đồng ý đi, em làm thành công rồi em báo cáo tỉnh sau”. Sau khi cân nhắc, Bí thư Tỉnh uỷ lúc đó là đồng chí Trương Kiện, tính cách giống Đợi, liền bảo: “Thôi, làm đi. Có gì cậu và tớ cùng chịu!”. Khi bắt tay vào làm, thiếu nhân lực, ông Đợi “toé ra” cách huy động học sinh cấp ba đi làm đất đá. Ông bắt cán bộ, nhất là lớp cán bộ khoa học kỹ thuật, phải cụ thể và đi vào thực tế kẻo bị đánh lừa, tức là phải “Tai nghe, mắt thấy, tay rờ, chân đạp”. Thế rồi cũng thành.
*
Nguyễn Hữu Đợi rất ghét nói nhiều, họp dài mà không hành động. Câu chuyện ông về họp với Đảng ủy xã Quỳnh Long là một lối làm việc điển hình. Cuộc họp cứ diễn ra đều đều, lê thê mà không có thông tin, không bàn cách thực hiện cho ra hồn. Ông ngủ gật. Khi ông tỉnh dậy, ông nói một câu chế giễu: “Tôi đã ngủ được một giấc rồi mà Đảng ủy vẫn chưa bàn được việc gì mới”. Câu chuyện và lời nói này sau đã được một tạp chí đăng công khai. Tác phong của ông là xắn quần, lội nước, gặp dân và gặp khó thì cùng tháo gỡ. Người ta nói ý tưởng làm hồ Vực Mấu có từ thời ông Hồ Đình Tư (1968) nhưng cứ trình lên trình xuống với tỉnh, với bộ mà vẫn vướng kinh phí. Ông Đợi thì khác, một mặt ông vận động dân vùng hưởng lợi tích cực tham gia, mặt khác nhận làm huyện điểm cho Trung ương để cấp phương tiện. Ông đến gặp bà con hai xã Quỳnh Trang và Quỳnh Vinh, chỉ tay hỏi: “Đố ai biết xưa kia làng này gọi là làng gì?” Một cụ già nói: “Làng Ưa, Bí thư ạ!”. Ông chỉ tay bên trái hỏi tiếp, còn đây là làng gì? Nhiều người đáp: “Thưa làng Mít ạ!”. Ông thủng thẳng nói: “Các cụ xưa thâm sâu lắm, đây là lối nói lái đấy. Mít Ưa là mưa ít. Đúng không? Là hạn, là nghèo khổ do mưa ít làm sao mà sản xuất được. Thì ta phải đắp đập giữ nước lại để sản xuất”. Thế là bà con đều vui vẻ đóng góp.
Khi xây dựng hồ Vực Mấu, ông trực tiếp làm tổng chỉ huy công trường, ông đã thành lập “sư đoàn bê tông” và “sư đoàn bộ binh”, một “trung đoàn xe ba gác” và một “trung đoàn xe cút kít”, tổng số người làm trên công trường lên tới hàng vạn người. Dân mỗi xã phiên thành một tiểu đoàn, y như quân đội. Ông nói, chỉ bằng cách đó mới có kỷ luật, mới có sự chỉ huy thống nhất và có thi đua mang lại hiệu quả. Đây là công trường thuỷ nông lớn thứ hai miền Bắc (sau công trình Bắc Hưng Hải), nếu không “nhảy vô” làm thì Quỳnh Lưu đâu có cơ hội vàng ấy. Ai cũng biết một công trình chứa 75 triệu mét khối nước, cung cấp nước tưới cho gần 4 nghìn hécta lúa hai vụ, rồi còn cắt lũ cho vùng hạ lưu và là khu du lịch sinh thái sau này, một công trình thuỷ lợi to lớn như vậy nhưng được làm bằng 80 phần trăm là đôi vai và đôi tay người dân Quỳnh Lưu, về ngân sách đầu tư thì sức dân cũng đã chiếm đến 80 phần trăm.
Ông đã nói, đã làm là làm cho bằng được, kêu gọi mọi sự đồng lòng vì mục tiêu chung. Vì thế, với ông “không có việc gì khó” cả. Phải nghĩ ra việc mà làm “Một giỏ đất, một lít nước cũng làm lương thực được” và “Có nước là có lúa, có đất là có màu, có người là có việc” chẳng để ai ngồi không. Con người hành động của ông thể hiện ra ngoài đến là gay gắt: Chỉ bàn tiến, không được bàn lùi.
*
Trung ương giao cho Quỳnh Lưu xây dựng huyện điểm. Nếu thành công cả nước hưởng. Nhưng nếu thất bại thì do Quỳnh Lưu, mình ông Đợi chịu! Người đời thường nhìn phiến diện, nhìn thiếu khách quan, thiếu toàn cục mà đổ lỗi cho người cầm quân. Người ta khẳng định thời thế tạo anh hùng thì cũng khẳng định luôn thời thế có thể làm chết anh hùng…
Sau năm 1976, nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong Hội đồng tương trợ kinh tế (SEP) bị chia rẽ. Tất cả đi đến nguyên tắc có đi có lại, không còn viện trợ không hoàn lại “cho không” như trước. Thêm vào đó tình hình đất nước khủng hoảng kinh tế trầm trọng, xu thế đang hướng về chia tách tỉnh làm ăn quy mô nhỏ có hiệu quả hơn... Trong bối cảnh đó, Trung ương chỉ định thôi chỉ đạo làm điểm ở Quỳnh Lưu. Thời điểm ấy bản thân Quỳnh Lưu cũng có những khó khăn riêng do thiên tai. Năm 1977, Quỳnh Lưu bị hạn rất nặng, bình quân đầu người chỉ đạt 184 kg thóc. Năm 1978, lại bị lụt liên tiếp, dẫu cố gắng làm màu cứu đói nhưng kết quả vẫn rất thấp. Cùng với tình hình chung cả nước, công thương nghiệp bị thua lỗ, đình đốn. Tất cả đổ lên đầu người chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng cấp trên. Ông Đợi bị thôi chức Bí thư đột ngột. Xét về lý, ông cũng đã 10 năm cương vị Bí thư, nhưng thực chất là dư luận đánh giá ông chưa thống nhất, không ít người dèm pha. Biết vậy, ông không thanh minh, không bất mãn, mà chấp nhận sự phân công của tổ chức.
Lúc thì ông được cơ cấu vào Thường vụ Tỉnh uỷ, dự kiến vào cả Trung ương, lúc thì rút ông ra khỏi địa bàn không kèn không trống, ông coi là bình thường. Trung ương đề nghị ông vào công tác tại Tỉnh uỷ Đắc Lắc, một nơi đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn, Phun Rô đang quậy phá và cách nhà ông hàng trăm cây số. Vào đó ai cũng biết là bất đắc dĩ, nhiều bạn bè đồng chí khuyên ông đừng nhận quyết định. Nhưng ông tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, vẫn cầm quyết định, khăn gói vào nơi xa lạ ấy. Thế nhưng, vào nằm chờ ăn chực một thời gian khá dài không thấy Tỉnh uỷ Đắc Lắc phân công công tác, chịu không nổi, ông lại cầm Quyết định trở về. Về chuyện này, một lần nữa ông lại phải chịu những dư luận không hay.
Khi tỉnh phân công làm Trưởng ban khai hoang, kinh tế mới, ai cũng biết ban ấy là hữu danh vô thực: Tiền đâu mà tổ chức khai hoang, mà làm kinh tế mới khi tỉnh không lo nổi nhu cầu lương thực tối thiểu, lương tháng tối thiểu cũng chạy không xong? Song tại vị trí mới, ông vẫn thực hiện được vài đợt dân di cư, định cư, lo nơi ăn chốn ở cho bà con chu đáo.
Chưa hết, còn dăm năm về hưu, tổ chức lại phân công ông về giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tập thể, mới thành lập. Tiếng là Hôi có quân số đông, nhưng chưa ổn định tổ chức và hình thức hoạt động chưa cụ thể. Đa số cán bộ hồi đó đều muốn an bài nên không ai muốn về làm tướng của tổ chức mới mẻ này. Từ lãnh đạo một huyện giàu mạnh, nhất hô vạn ứng đến chỗ làm cái gì cũng xin và nhất nhất cái gì cũng phải vận động. Chắc chắn ai cũng buồn. Nhưng ông quyết không buông xuôi. Ông vẫn cố gắng đóng góp sức lực của mình cho quê hương.
Một buổi chiều cuối hè năm 1996, bỗng có cơn mưa lạ. Trời đen kịt như có chuyện gì chẳng lành. Đó là buổi chiều ông Đợi vừa đi dự hội nghị hưu trí ở xã bạn về thì gặp cơn mưa và bị cảm lạnh. Tưởng cũng chỉ sụt sịt rồi khỏi, ông dặn vợ: “Mai tôi có cuộc họp dưới xã, trưa không về ăn cơm ở nhà đâu bà”. Thế rồi ông đi ngủ. Không ngờ đó là giấc ngủ dài mãi mãi. Ông đi thật thanh thản với “mo cơm quả cà và tấm lòng trung trinh”…
Cái ngày đưa tiễn ông về thế giới bên kia, không ngờ đám tang của một người cương vị cấp huyện mà đông thế, cảm động đến thế. Ô tô ít, xe máy cũng ít, nhưng người đi xe đạp nhiều vô biên, xe đạp dựng la liệt từ đầu làng đến tận ngõ nhà ông. Người khắp cả huyện tề tựu về. Có người đạp xe 20 km từ vùng Hoàng Mai đến. Rồi nghe tiếng cả đồng bào định cư thời ông lên chọn đất tận Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong cũng về. Hồi đó, không có phong bì, nhưng đồ phúng viếng thật đa dạng. Nào là nải chuối buồng cau trong vườn, nào cân nếp bì gạo mà họ cho là thành quả do ông đưa lại. Đoàn người đưa tiễn kéo dài hàng cây số. Nghe trong đám tang, tiếng người nói mếu máo và nhìn thấy dòng nước mắt lăn trên má. Còn nghe những lời bàn tán rằng, nên lập đền thờ ông. Có người lại hiến kế, nên làm một tượng đài, để mọi người nhớ đã có một thời, một người đã lăn lộn cùng dân để lo cho dân…
Những ý nguyện rất chân thành và thoả đáng, nhưng thời gian thực hiện có thể sẽ còn phải lâu dài. Bài viết này chỉ là đôi nét chấm phá về chân dung một người con ưu tú của đất Quỳnh Lưu.