Học ba ca – Một lực cản của Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Thứ sáu - 08/03/2019 10:53
Học ba ca – Một lực cản của Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Gần đây Bộ Y tế đã trình Chính phủ Chương trình Sức khỏe Việt Nam và đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia ngày phát động nhằm tăng sức khoẻ và tăng chiều cao của người Việt. Đây là việc làm tuy muộn nhưng cũng có thể coi là điểm sáng của công tác y tế năm 2019. Nhiều năm nay người Việt ta thấp còi. Nhưng vài năm gần đây, dường như cái yếu thế của sự thấp còi đã làm “nóng” sự tự trọng của chúng ta khi dân ta đứng thường đến vai đến cổ dân xứ người. Nhất là trong thi đấu thể thao, thể hình người Việt thường thua thiệt nên cứ tranh chấp thành tích thứ hạng 3-4 của khu vực Đông Nam Á vốn là vùng trũng của thể thao thế giới.
Về chiều cao cụ thể, ta không khỏi tủi và cũng phải giật mình khi Việt Nam là một trong 5 nước có chiều cao thấp nhất thế giới và cũng là một trong 3 nước thấp nhất Đông Nam Á. Những nước có chiều cao nam giới thấp nhất thế giới gồm: 1- Indonesia là 1,58 mét; 2-Bolivia là 1,6 m; 3- Philippines là 1,619 m; 4- Việt Nam là 1,621 m; 5- Campuchia là 1,625 m. Trong khi đó một số nước trong khu vực có chiều cao nam khá tốt như Malaysia là 1,66m; Thái Lan là 1,703m; Singapore là 1,706m.Những quốc gia có chiều cao nam giới cao nhất thế giới là: 1- Hà Lan với 1,838 m;2- Montenego là 1,832m; 3- Đan Mạch 1,826m; 4-Na Uy 1,824m; 5- Sebia 1,82m. Một số quốc gia vốn có chiều cao thấp như Nhật và Hàn đã rất thành công trong cải thiện chiều cao cho người dân nước mình. Người Hàn từng là quốc gia có chiều cao thấp nhất châu Á những năm 1950 nhưng nay họ đã vươn lên dẫn đầu châu Á với chiều cao 1,73 mét đối với nam và 1,61 đối với nữ. Thậm chí năm 1990, người Hàn vẫn bị liệt vào loại thấp nhất khi phụ nữ của họ chỉ có chiều cao trung bình là 1,42 m, nhưng đến nay, sau gần 30 năm, chiều cao phụ nữ Hàn đã là 1,61- tức là cao gần bằng nam nước ta. Phụ nữ nước ta cũng ở vào nhóm thấp của thế giới khi chỉ đạt chiều cao trung bình là 1,51 mét.
Chương trình sức khoẻ Việt Nam do bộ Y tế đệ trình đã được Chính phủ phê duyệt đã đề ra được các mục tiêu cũng như các giải pháp nâng cao sức khoẻ người Việt, trong đó phấn đấu đến năm 2025 nâng chiều cao của nam là 1.67 m và nữ là 1,56m. Đây thể hiện tầm nhìn dù có hơi muộn của Bộ Y tế. Và các ngành các địa phương cần chú trọng khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và thấp lùn của người Việt ta. Trong Chương trình Sức khoẻ Việt Nam của Chính phủ có nêu 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp đầu tiên cần thực hiện để nâng chiều cao nguời Việt là ĐẢM BẢO DINH DƯỠNG HỢP LÍ và TĂNG CƯỜNG VẬN ĐỘNG THỂ LỰC. Đây là hai yếu tố quyết định tới phát triển chiều cao của con người. Theo tính toán của giới Y học, trong các yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao, thì gien chiếm 22%, vận động chiếm 22% còn dinh dưỡng là 32%...
Vấn đề ở đây là muốn nâng chiều cao người Việt đang thấp hiện nay phải trông chờ vào dinh dưỡng và trông chờ vào vận động - Nói gọn là ăn đủ chất, vận động nhiều.
Thực tế nước ta hiện nay,vấn đề ăn đủ chất còn là một thách thức đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và vận động nhiều đang là thách thức đối với vùng đồng bằng và đô thị, mà vùng đồng bằng và đô thị chiếm tới 70% dân số nước ta.
Nói cách khác vận động ít đang kìm hãm chiều cao người Việt ta. Mà chính là chương trình học lí thuyết quá nhiều của học sinh phổ thông hiện nay đã không cho các em có nhiều thời gian vận động.
Thử nhìn vào lịch học của các em học sinh vùng thành thị và đồng bằng: Tiểu học ngày lên lớp hai ca, thứ bảy, chủ nhật đi học thêm, nhiều em phải đi học thêm buổi tối; học sinh THCS và THPT lịch học dày đặc hơn, thậm chí vào mùa thi nhiều cơ sở cho các em học tới 4 ca mỗi ngày. 4 ca một ngày, nhiều người thốt lên: Thật khủng khiếp. Lịch học dày đặc như thế, làm gì có thời gian vận động. Mà không được vận động thì làm sao tiêu hoá để ăn? Cho con ăn đối với cha mẹ cũng là sự khổ lẫn chạnh lòng xa xót: Con đi học sớm cho kịp giờ, chúng còn ngái ngủ mà bố mẹ đã bắt phải ăn, mắng cũng tội mà đánh càng thêm tội, rồi mẹ con cùng gạt nước mắt để tới trường… Đến trường bọn trẻ ăn uống ra sao? Cơm có dẻo và thức ăn có đủ không? Nghe nói tại một số lớp bán trú, bọn trẻ ăn xong là các cô bắt đi nằm ngay để các cô còn nghỉ, thế là khối cháu đau dạ dày… Chuyện ăn của các em còn nhiều điều đáng lo. Và chuyện các em phải học nhiều cũng đáng lo không kém. Học nhiều không có thời gian vận động nên các cháu kém ăn, tỷ lệ thấp còi cao, cận thị nhiều, cong vẹo cột sống cũng không phải là ít…
Vậy nên đề nghị Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo các ngành hữu quan đề ra được các quy định về miếng ăn và giờ học cho các cháu, để các cháu được ăn ngon hơn, được vận động nhiều hơn như Chương trình Sức khoẻ Việt Nam đã được Thủ tướng phát động ngày 27/2 vừa qua.