Thời luận: Trường đua ngựa Hà Nội rộng gấp hai lần các trường đua danh tiếng của Pháp và Mỹ?
Thứ tư - 06/03/2019 09:08
Những ngày gần đây, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự án làm trường đua ngựa tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn...
Những ngày gần đây, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự án làm trường đua ngựa tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn do Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và một Công ty Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng diện tích là 125 ha gồm trường đua và khu khán đài là 99 ha cho 3 vạn người xem; hồ điều hoà là 22,5 ha; khách sạn 3 sao 1,5 ha; trung tâm hội nghị hội thảo 0,5 ha; khu nghỉ dưỡng 1 ha. Diện tích này nhiều gấp hơn 2 lần những trường đua ngựa danh tiếng nhất của nước Pháp và nước Mỹ. Đáng lưu tâm là 125 ha mà dự án định lấy lại là đất trồng lúa, đất trồng cây và đất thuỷ sản của xã Tân Minh và xã Phú Linh của huyện Sóc Sơn. Được biết trường đua Longchamp của Pháp rộng 57 ha, trường đua ChuchillDowtis của Mỹ với sức chứa 170 ngàn khán giả (gấp gần 6 lần của ta) là 59 ha. Nên nhớ rằng Việt Nam ta là một trong những nước có bình quân diện tích đất nông nghiệp thấp nhất trên thế giới. (Bình quân mỗi người dân Việt có 0,07 ha, trong lúc bình quân của thế giới là 0,2 ha.Tức là bình quân đất nông nghiệp tính theo đầu người của ta bằng một phần ba của thế giới. Mỹ có hơn 9 triệu cây số vuông với 322 triệu dân (Bình quân một người dân có 0,3 cây số vuông; Pháp có hơn 600 ngàn cây số vuông với 67 triệu dân (Bình quân một người dân có 0,1 cây số vuông, còn nước ta có 300 ngàn cây số vuông với 90 triệu dân (Bình quân mỗi người có 0,03 cây số vuông). Tức là tính theo bình quân diện tích của đầu người thì nước Pháp gấp 3 lần Việt Nam và Mỹ gấp 10 lần Việt Nam. Nhưng họ chỉ làm trường đua chưa bằng một nửa của ta. Nêu những số liệu trên để thấy rằng bình quân ruộng đất của ta quá ít nhưng lại dự kiến diện tích trường đua ngốn gấp đôi diện tích những nước vốn có diện tích rộng gấp nhiều lần nước ta là điều khó hiểu và khó chấp nhận.
Đấy là chưa kể nước ta đang còn lo sẽ mất thêm đất đai do biến đổi khí hậu, diện tích đất cho dân đã thấp lại càng thấp hơn.
Đáng lưu tâm thứ hai là dự án cần khoảng 9.557 tỷ đồng thì hai công ty liên doanh mới góp được 2.736 tỷ, hơn hai phần ba vốn còn thiếu sẽ được đi vay tín dụng. Liệu để trả nợ thì có lặp lại kiểu “mỡ nó rán nó” như thường thấy ở các công trình xây dựng và nhà đầu tư còn lãi to vì giá đất đền bù rẻ còn đất nền bán ra lại được giá gấp hàng chục thậm chí gấp vài chục lần. Có nhiều câu hỏi đang cần được trả lời. Thứ nhất: Tại sao trong lúc Nhà Nước chỉ có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất quốc phòng hoặc đất xây dựng công trình công cộng phục vụ dân sinh thì UBND thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch Đầu tư lại trình Thủ tướng chuyển đổi hàng trăm ha đất nông nghiệp để xây trường đua ngựa? Câu ca “tấc đất tấc vàng” phải chăng chỉ để rao giảng? Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến lấy 4 ha đất Thủ Thiêm xây nhà hát mà chưa thuận lòng dân, huống hồ Hà Nội lấy hàng trăm ha? Có phải “ Quốc gia công thổ” rồi thì muốn cấp cho ai thì cho? Và phải chăng hàng trăm ha đất ruộng của xã Tân Minh, xã Phú Linh là đất của UBND thành phố Hà Nội và đất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nên họ đã nhanh chóng đồng ý cho chủ dự án làm trường đua và làm nhà để rồi vẽ ra nơi này nghỉ dưỡng, chỗ nọ hội nghị hội thảo. (Liệu có những ai có đủ lòng tự trọng để mà đến chỗ đua ngựa - nơi cá cược để mà hội thảo với hội nghị?)
Thứ hai: Tại sao không đưa trường đua ngựa về các địa phương miền núi vốn có truyền thống đua ngựa như Nghĩa Lộ - Yên Bái - Hà Giang? Đưa về miền núi còn góp phần giảm ùn tắc cho Hà Nội vốn đang chật trội ùn ứ khắp các tuyến đường. Thứ ba: Đất đai ta ít tại sao phải làm trường đua to gấp đôi của Mỹ của Pháp? Thứ tư: Việt Nam ta vốn không có truyền thống đua ngựa thì tại sao lại có một số tỉnh chủ trương xây trường đua để thu lời từ cá cược? Trong khi việc quản lý cá cược và sòng bài vốn rất phức tạp .
Điều cuối cùng cần nói nữa là trong báo cáo với Chính phủ thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng có một chút lo lắng băn khoăn là việc hàng ngàn nông dân mất đất có tìm được việc làm phù hợp không(!). Mất đất thì người dân Tân Minh sẽ đi làm thuê như bao kiếp người khác mà thôi. Cái đáng lo là người dân Tân Minh sẽ bị tước bỏ cái quyền “người cày có ruộng”, rất có thể họ sẽ nghèo, sẽ trắng tay trong lúc những người lấy đất của họ nhiều khả năng sẽ giàu thêm.
Nhưng người dân Tân Minh cũng như nông dân ở nhiều nơi khác sẽ không nghèo và không bị bần cùng hoá do mất đất bởi Chính phủ và Quốc hội sẽ không ưu ái doanh nghiệp mà chuyển đổi đất dễ như UBND thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã làm.