Chúng ta cần công khai những ai ?
Thứ hai - 22/04/2019 23:13
Suốt mấy ngày hôm nay, cả nước nóng như đổ lửa... Và nóng hơn nữa, là đoạn kết của vụ chạy điểm động trời ở ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Khi hơn 200 học sinh chiếm ghế giảng đường đại học từ những người khác đã bị thôi học. Và giờ, người ta quan tâm đến việc có nên công khai hay không công khai danh tính những học sinh được nâng điểm. Tôi nghĩ không nên...
Tôi cũng bằng tuổi những cô cậu được nâng điểm, năm ngoái tôi cũng thi đại học. Khi sự việc động trời đó vỡ lở, tôi cũng phẫn nộ, căm ghét những kẻ đã gây ra điều đó. Nhưng sau 10 tháng diễn ra sự việc đó, suy cho cùng những học sinh đó cũng là nạn nhân của cha mẹ, một số giáo viên và cả những cán bộ của sở giáo dục địa phương. Họ bị sắp đặt, hóa phép bài thi của mình đến nỗi trở thành những thủ khoa, á khoa... Công khai những cô cậu tuổi 19, đôi mươi - đang độ phơi phới thanh xuân sẽ phải chịu muôn vàn những áp lực, những hệ lụy xấu đến tinh thần, lẫn thể xác. Khi đã bị thôi học, bạn bè nhìn bằng con mắt khinh bỉ, họ bị gắn cái mác “học sinh chạy điểm” - đó là điều vô cùng tồi tệ, nhất là đang độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời... Và rồi nếu công khai? Danh tính, gương mặt, địa chỉ của những học sinh đó sẽ ngập tràn trên các mặt báo? Thử hỏi cứ mỗi lần mở Facebook là thấy hàng ngàn người đang chửi mình, đi ra đường ai cũng nhận ra xì xào bàn tán miệt thị. Tôi cũng có người bạn học ở Trường Chuyên Sơn La ngày trước (dĩ nhiên nó không chạy điểm), cứ gặp đi xe ôm hoặc vào quán nước vỉa hè là người ta sẽ hỏi kiểu “cháu thi đại học được bao điểm?”, vô duyên hơn nữa “cháu có được nâng điểm không ?”... Pháp luật nghiêm minh nhưng cũng phải song hành với sự “nhân văn”. Những học sinh được chạy điểm - họ cũng là con người, cuộc đời còn nhiều thứ đang chờ đợi. Làm ơn, hãy bao dung hơn, đừng đẩy những lỗi lầm không có bước để làm lại.
Vậy chúng ta cần công khai những ai? Đó là những phụ huynh đã dùng những đồng tiền dơ bẩn hoặc dùng “chiếc ghế” của mình để chà đạp trắng trợn lên quyền được học của người khác... Đó là những quan chức có quyền ở tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Khi phỏng vấn báo chí họ lấp liếm bằng những câu trả lời “tôi không biết tại sao con tôi được nâng điểm” hay “tôi nghĩ học lực của con tôi xứng đáng với số điểm kia” – thật sự ai có thể tin câu trả lời đó? Độ 10, 15 năm trước, họ có dạy những đứa con của họ những điều dối trá, đê tiện như họ đã gây ra không ? Đó là sự suy đồi về nhân cách, đạo đức. Ai có thể chắc chắn rằng ngoài giáo dục họ không làm những thứ động trời khác mà chúng ta chưa biết? Đây là nỗi đau, vết sẹo lớn không chỉ ngành giáo dục mà còn là của cả xã hội... Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, đề thi không khó nên điểm trung bình của cả nước tương đối cao, nhưng ai có thể cam đoan rằng trên đất nước này không có chạy điểm?
Vết nhơ chạy điểm ở nước ta cũng xảy ra cùng thời điểm vụ chạy điểm đại học ở Mỹ. Khi những bậc phụ huynh dùng đồng tiền dối trá cho con em mình vào những trường đại học có tiếng. Họ là những triệu phú, những diễn viên Hollywood nổi tiếng - những người quyền lực trong xã hội... nhưng tất cả đều bị công khai danh tính và có thể đi tù tận 20 năm. Nên việc công khai danh tính những bậc quan chức chạy điểm ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang và trừng trị thích đáng - là điều rất cần thiết. Pháp luật sinh ra là để đem lại công bằng trong xã hội... Khi 2 tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn ra, những ai đang ý định làm những điều dối trá nhơ nhuốc cần phải suy nghĩ lại và để kết thúc 18 năm đèn sách của mỗi cô cậu lứa 2001 là cuộc thi văn minh, trong sạch...
Nguyễn Đức Cầm