Những thói xấu của người Việt – Thói xấu 6: Ninh trên nạt dưới
Thứ hai - 20/05/2019 09:02
Dân ta thời nay nhiều người biết đến câu “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, nịnh nọt lươn lẹo lại lên lương”. Không chỉ lên lương, người nịnh nọt lại được lên chức. Họ biết khen, biết tâng bốc lãnh đạo. Vậy nên có câu chuyện họp kiểm điểm tự phê bình lãnh đạo cuối năm, mấy ông trưởng phòng hết ca ngợi tài lãnh đạo của thủ trưởng rồi lại khen thủ trưởng đoàn kết với cấp phó và sâusát với cấp dưới cùng nhân viên, nào là thủ trưởng toàn tâm toàn ý toàn tài toàn năng... Rồi có một trưởng phòng E giơ tay xin phê bình thủ trưởng làm cả phòng họp nín nặng chờ nghe. Nghe xong, mấy ông trưởng phòng vừa nịnh cấp trên một thôi một hồi cũng thầm chửi thằng cha trưởng phòng E nịnh quá thối. Đại thể trưởng phòng E: Em phê bình thủ trưởng làm việc tận tâm và hết lòng làm ngày làm đêm vì công việc. Nhưng thủ trưởng làm quá sức sẽ ốm, sẽ ảnh hưởng tới cơ quan. Nên em mạnh dạn phê bình thủ trưởng, đề nghị thủ trưởng cẩn trọng giữ gìn sức khỏe để lãnh đạo cơ quan tiến nhanh lên phía trước. Nghe đến đây, thủ trưởng vỗ tay và cả phòng họp vỗ tay rào rào.
Vì ngại va chạm và để lấy lòng cấp trên nên người Việt ta thường tìm cách nịnh cấp trên của mình. Có nhân viên, câu cửa miệng là con lớn sếp thông minh, con bé sếp như thần đồng, còn “chị nhà” như thần tượng. Rồi có anh thuộc lòng ngày sinh của sếp cùng vợ con để mừng quà sinh nhật cho sớm chợ. Rồi có anh thuộc lòng các ngày giỗ kị của nhà sếp, ngày nào giỗ ông, ngày nào giỗ bà, rồi ngày giỗ của thân mẫu, thân phụ sếp.Rồi khi nào sếp đi công tác, lúc nào sếp đi nước ngoài, bao giờ sếp đi gặp cấp trên, sếp thích quần áo nào, sếp ưa xe gì, sếp hợp hướng với biệt thự nào...Các anh chị thuộc họ “Trần Văn Nịnh” đều tỏ tường và phục vụ chu đáo. Có anh chơi thể thao biết rằng sếp chơi kém nhất quả đất nhưng vẫn giả vờ thua sếp mà rằng “Hôm nay em mệt quá và sếp chơi như lên đồng”.
Rất mừng là một số ít cán bộ nhân viên ở một số cơ quan không hạ mình để rơi vào vòng xoáy nịnh nọt đút lót. Họ có chính kiến và dám đấu tranh phê bình. Đó chính là phẩm giá của những người chính trực. Đời xưa có cụ Chu Văn An từng lẫm liệt dâng sớ lên Vua đòi chém 7 gian thần đều là những người quyền thế được Vua yêu. Hay Nguyễn Trãi tiên sinh xin nghỉ hưu chứ không thể “cúi ngẩng theo người” mà sống cùng đám nịnh thần. Thẳng thắn được người đời coi trọng còn nịnh nọt muôn đời vẫn bị coi khinh.