Gần 20 năm rồi mà giờ nghĩ lại câu chuyện tôi vẫn thấy như là mới. Rồi lại nhớ ca từ bài hát Một rừng cây, một đời người, có câu "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai...".
Ấy là ngày ấy có ông Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (TBTG.TU); ổng nhậm chức mấy bữa, trong buổi vui bạn bè, anh em hỏi "Sao anh đang làm Phó chủ tịch tỉnh (PCT) sang Ban TG làm gì, chán chết...", ổng cười; "Giá bảo như người ta Chuột chạy cùng sào mới vào Tuyên giáo, đằng này anh đang như thế, tội gì", ổng lại cười.
Nghĩ lại họ nói cũng có cái lý. Này nhé, muốn nói đúng các chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng; chính sách, phát luật của Nhà nước... thì phải nghiên cứu nhiều sách vở, thực tế... mà muốn nói để người ta tin, người ta nghe, nhất là những vấn đề nhạy cảm... như là Học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... thì lại còn cần phải gương mẫu, có gương mẫu đứng bục nó mới không phải "đeo mặt lạ"..., người nghe một phần vì nể mà cố ngồi nghe cho hết, không bỏ về, không mất trật tự... Thêm nữa, công việc lại không liên quan trực tiếp đến tiền bạc, đất đai, dự án..., tổ chức, cán bộ nên cũng chẳng giúp trực tiếp được ai cái gì là cơm áo, gạo tiền... Vì vậy mà nhiều người "né". Năm này qua năm khác người ta mới có "ca dao" như vậy.
Lại có chuyện thật như bịa. Ấy là trước đó cũng có ông TBTG.TU nguyên PCT tỉnh chuyển sang. Ông nói vui nhưng mà là thực tế. Ông bảo ông là Giám đốc Tổng công ty Nói phét; các anh Trưởng ban Tuyên giáo cấp dưới là các Giám đốc xí nghiệp thành viên... Câu chuyện đến tai ông lãnh đạo ở Trung ương. Hôm đi họp ở Hà Nội, trong lúc giải lao ông tìm đến gặp ông TBTG.TU có ý chê trách "Sao anh lại nói thế..."; ông TBTG.TU phân trần "Thế giờ anh mới biết à, tôi nói sau thôi chứ dân người ta nói lâu rồi... anh không tin hôm nào anh lên... tôi dẫn anh đi xem, nghe người ta nói….", ông lãnh đạo Trung ương cười, không nói thêm gì nữa.
Vậy thôi nhưng các ông cũng vì trách nhiệm mà vượt khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có ông sau lên làm đến chức Bí thư Tỉnh ủy. Âu cũng là quy luật sinh, lão, bệnh, tử ở đời, nay cả ba ông không còn nữa.
Tôi cũng chẳng dám nói quá quan trọng cái nghề tuyên giáo này; nhưng, xem ra thời đại nào, thể chế chính trị gì... ở bất cứ quốc gia nào cũng đều cần và có bộ máy có người làm cái chức năng, nhiệm vụ này. Thôi thì "Nhân vô thập toàn", vạn vật trong trời đất chẳng có gì là tròn trịa hết thảy; thể chế chính trị rồi tuyên giáo cũng trong trời đất này cả thôi. Nhưng tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc với những năm tháng mà tôi gắn bó với công việc này nhất là bây giờ tôi đã hưu trí và chuyển sang nghề dạy học.
Cũng lại không dám đề cao quá; ví như trong cơ thể sống của con người bộ phận nào cũng cần, gọi là ruột thừa nhưng thực ra nó có thừa đâu, các bộ phận chỉ khác nhau ở chức năng mà nó trở thành có quan trọng hay không thôi; công tác tuyên truyền - giáo dục trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị thực sự là bộ phận quan trọng hay không thôi; công tác tuyên truyền - giáo dục trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị thực sự là bộ phận quan trọng trong cơ thể sống của xã hội, "tư tưởng không thông đeo bi đông không nổi". Ngày nay trong thời đại 4.0, cơ chế thị trường định hướng XHCN, cái tốt đẹp thì đang định hướng; cái tốt, cái xấu của cơ chế thị trường đã và đang len lỏi, ngấm dần tới từng tế bào xã hội, nó đang là thách thức với công tác tuyên truyền - giáo dục. Tôi xin được chia sẻ với các đồng nghiệp.
Thật là vinh dự, tự hào đội ngũ những người làm việc trong binh chủng tuyên truyền - giáo dục của Đảng và Nhà nước, chúc các đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần dựng xây tỉnh ta, tổ quốc ta ngày một ấm no, tự do, hạnh phúc.
Lê Quang Dực
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên