Toàn dân làm báo – cái khó của nhà báo thời @

Thứ ba - 11/06/2019 15:11
Tôi có may mắn được làm báo từ thời đạp xe những năm 1980 và cho đến tận bây giờ năm 2019 thời @ mạng xã hội tràn lan – Thời toàn dân có thể làm báo với chiếc điện thoại di động trên tay. Làm báo thời đạp xe tuy vất vả nhưng nhà báo “sướng” vì độc quyền đưa tin mà chả lo ai cạnh tranh.  Những năm đầu tôi làm tại báo Bắc Thái. Thường thì hai, ba ngày sau khi đi cơ sở về  thì tin bài được đăng trên báo. Thế cũng là nhanh chán. Quy trình của chúng tôi là sáng về huyện rồi xuống làng bản thu thập tài liệu. Đường miền núi đạp xe là chính nên tôi thỉnh thoảng ngủ lại bản làng, thường ăn ngủ tại nhà sàn của chủ tịch hoặc bí thư xã, hoặc là ngủ tại trụ sở huyện hay một nông lâm trường nào đấy, khoảng 2-3 ngày ở cơ sở lấy đủ tài liệu viết một vài tin bài thì về toà soạn, tin nhanh thì một vài ngày sau được đăng, còn bài thì ba bốn ngày hoặc một tuần sau. Những anh bạn của tôi như anh Hoàng Hiển, anh Lưu Sỹ Mùi… có tài đi cơ sở lâu hơn tôi, các anh đi cả tuần hoặc có khi cả tháng mới về toà soạn để họp bàn nội dung tuyên truyền và  lĩnh lương. Họp xong và lĩnh lương là lại lên đường về cơ sở. Tin bài gửi bưu điện về toà soạn hoặc nhờ các anh ở huyện về tỉnh họp mang vào toà soạn giúp. Ngày ấy tôi theo dõi huyện Phú Bình rồi theo dõi huyện Phú Lương. Tôi đạp xe đi khắp hai huyện. Đi Phú Lương xa hơn, tới xã Yên Đổ hay tới thị trấn Chợ Mới đường dài khoảng 40 km. 40 km đường rừng đi nhanh cũng mất hơn hai giờ đồng hồ. Cũng có khi anh Hữu Minh rủ tôi đi huyện Bạch Thông (thủ phủ của tỉnh Bắc Kạn) bây giờ - huyện thường trú của Hữu Minh. Đường 3 từ Thái Nguyên đi Bạch Thông dài 90 km. Sáng sớm khởi hành thì trưa trật chúng tôi đến nơi, tìm cái ăn rất khó vì ngày ấy không có hàng quán như bây giờ. Tôi cũng đã từng đạp xe từ Thái Nguyên đi Chợ Đồn dài 120 km, sáng sớm đạp xe thì 4 giờ chiều tới Chợ Đồn- Tức là đạp xe 9-10 tiếng liên tục đường miền núi (cũng có thể gọi là đường rừng), nhưng chúng tôi dường như quên mệt, chỉ phiền là bộ phận tiếp xúc với yên xe thì đau và rát… Tôi kể dông dài chuyện làm báo thời đạp xe tin bài thường muộn chậm nhưng chúng tôi vẫn bình chân như vại và thậm chí là “sướng” vì thời đó báo chí bao cấp được độc quyền, tin bài sau cả tuần vẫn được cán bộ nhân dân đón đọc. Khoảng 10 năm sau về làm tại báo Hải Hưng, tôi cũng đạp xe là chính, sau mua xe máy. Cách làm tin bài vẫn thế. Có nghĩa là một vài ngày sau khi viết, tin bài vẫn sẽ được đăng. Và do độc quyền thông tin nên vẫn nhiều người đọc báo. Làm báo thời đạp xe vất vả nhưng mà vui, vì tin bài mình viết ra vẫn có hàng nghìn, hàng vạn người đọc.
Tư lệnh ngành TT&TT nhận định người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách, vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều.
Nhãn
Còn làm báo thời @ - Thời đại mạng xã hội - Thời đại toàn dân làm báo thì nhàn nhưng lại lo. Lo là mạng xã hội đưa nhanh quá - Họ chia sẻ thông tin tức thì, lúc sáng sớm hoặc đêm khuya, trong lúc đài báo địa phương vẫn hôm nay viết, ngày mai đưa, cũng có đài đưa sớm hơn: Sáng viết trưa đưa. Cũng có đài báo mở báo điện tử, tin tức nhanh hơn, nhưng vẫn chậm hơn mạng vì mạng bỏ qua khâu biên tập và khâu duyệt. “Công dân làm báo” thời @ kiêm luôn các công việc của phóng viên - biên tập - kiểm duyệt nên họ thường đưa sớm hơn báo chí của ta. Mà một khi công chúng đã biết thông tin từ mạng rồi thì họ sẽ ít xem báo, đài của ta. Thế là báo đài của ta “ế”. Còn gì buồn bằng những đứa con tinh thần của ta bị ế. Trong một gia đình, có một con ế vợ hay ế chồng thì cũng quá đủ làm cho cả nhà buồn bã - buồn như nhà có tang. Vậy mà có những nhà báo ế hàng chục hàng trăm tin bài, rồi toà soạn năm này qua năm khác ế hàng nghìn hàng vạn tin bài thì nỗi buồn sẽ “khủng” như thế nào(!). Không buồn  sao được khi tin của mình viết thì mình và biên tập đọc, còn công chúng không xem. Làm báo thời @ khó vậy đấy. Muốn khắc phục tình trạng này, theo tôi, các nhà báo cũng như các ban biên tập cần thay đổi cách làm. Thứ nhất cần khai thác và học tập cách đưa tin ngắn gọn, thiết thực của cộng đồng mạng để khắc phục tình trạng đưa tin hiếu hỉ lễ tân hội nghị dài dòng hoặc những tin phong trào đầu năm đưa, giữa năm đưa, rồi cuối năm lại đưa. (Công chúng biết rồi thì ai còn xem nữa). Thứ hai, cần đưa chính xác vì cộng đồng mạng có không ít thông tin không chính xác. Thứ ba, các nhà báo cũng như các BBT cần chú trọng khâu bình luận. Không bình luận thì không phải là nhà báo đúng nghĩa. Đa số cộng đồng mạng không biết bình luận vì họ không phải là nhà báo. Nhưng cũng có số ít “Công dân làm báo” có khả năng đưa tin nhanh và bình luận tốt. (Trang của họ có hàng vạn thậm chí cả trăm vạn lượt người theo dõi). Mà muốn thẩm định tin và bình luận tốt thì đòi hỏi các nhà báo phải nỗ lực học tập, tìm hiểu sâu rộng các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, lịch sử, địa lý,văn học nghệ thuật, ngoại ngữ… cũng như những công nghệ và tác phong làm báo thời @.
                                                Nguyễn Công

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây