Thời luận: Những nỗi lo giáo dục - Kỳ II: Nạn chạy trường chạy lớp
Thứ sáu - 02/08/2019 10:21
Nạn chạy trường chạy lớp đã diễn ra trong thời gian dài, thậm chí người dân Hà thành và Sài thành cũng như ở các thành phố gọi đó là cuộc đua âm thầm dai dẳng mà không kém phần khốc liệt. Các bậc phụ huynh từng thức trắng đêm xếp hàng cho con vào lớp, còn một số hiệu trưởng không dám nghe điện thoại vì quá nhức đầu vì phải tiếp chuyện phụ huynh xin cho con vào lớp. Nhiều người muốn xin cho con vào những trường điểm, ở đó cơ sở vật chất khá hơn và đội ngũ giáo viên cũng có vẻ giỏi hơn. Thế là có chuyện xin chuyển hộ khẩu cho bọn trẻ. Chuyển được khẩu rồi thì phải manh mối gặp Ban Giám hiệu, mà cũng chủ yếu là gặphiệu trưởng, gặp giáo viên để xin cho con vào lớp Toán hay lớp Anh... Trừ con em lãnh đạo hoặc cũng có trường hợp thân quen hay gặp được hiệu trưởng đúng mực thì không phải tốn kém, chứ chuyển trường hay xin vào lớp “ngon” thì phải tốn kém...Cũng có khi phải nhờ lãnh đạo A, lãnh đạo B hoặc giám đốc C để xin cho con vào lớp “ngon”...
Cứ tưởng cuộc đua chạy trường chạy lớp chỉ là nỗi vất vả của phụ huynh học sinh, nhưng không, nhiều thầy cô giáo cũng phải “chạy” để nhận lớp ngon. Có cô giáo dạy lớp một đã sớm xuống trường mầm non để chọn các cháu về lớp mình, hoặc trực tiếp gặp cha mẹ các cháu để quảng bá về thành tích dạy tốt của mình... Sau đó các cô quan hệ với Ban Giám hiệu, mà cũng chủ yếu là gặp gỡ xin hiệu trưởng để giành lớp “ngon”- Lớp có nhiều con em cán bộ hoặc con nhà khá giả. Trừ thân quen cùng phe cánh, còn muốn được lớp “ngon”, thậm chí là lớp bình thường thì phầnnhiều các cô giáo phải đến gặp hiệu trưởng. Chuyện gặp gỡ tình cảm hay phải chi phí thì các cô giáo cũng sẵn sàng, thôi thì cho xong chuyện, đồng tiền nó chi phối cả xã hội đầy ra đấy...Nếu không gặp hiệu trưởng, hoặc không thân với hiệu trưởng, thì phần nhiều các cô giáo sẽ phải nhận những lớp chẳng ra gì- những lớp có nhiều con nhà nghèo học dốt, thậm chí có vài em tự kỷ, hay con nhà có bố bị nghiện ngập... Dạy những lớp này, nhiều cô như đánh vật, mà lòng buồn, nghĩ mà cay đắng xót xa vì cái sự không công bằng: Lớp họ toàn con nhà khá giả, lại đông học sinh, còn lớp mình, đã ít, lại con nhà nghèo, học dốt, nói đến bỏng họng rã rời mà chúng chẳng chịu nghe… Cái nghề trồng người đối với một số cô giáo thế mà cũng nhiều khi chua chát giận đời lắm thay.Trong một nhà trường, sự bất công nó cứ chờ chờ ra đấy. Chuyện này phải hỏi các nhà quản lý cùng các nhà chuyên môn. Các vị ăn lương, các vị là tiến sỹ này thạc sỹ nọ, các vị là lãnh đạo mà cứ để môi trường giáo dục nhiều nỗi lo như thế(!). Thế mới biết UBND thành phố Ninh Bình chỉ đạo cho các giáo viên chủ nhiệm bốc thăm ngẫu nhiên chon lớp là hợp lòng nhân dân và các thầy cô giáo, tránh được bao nỗi hậm hực bức xúc trong nhà trường và giảm được tôn kém chạy trường chạy lớp cho xã hội.