Thời luận: Các mẹ có gian dối hay là…? Và câu hỏi gửi về Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang
Thứ tư - 02/10/2019 16:50
Ngày 1/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có Thông báo số 307 về xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Theo thông báo, trong số 151 trường hợp gian lận thi cử tại Hà Giang thì có 3 cán bộ bị khai trừ đảng, 1 bị cảnh cáo, 42 người bị khiển trách, và 29 vị phải “kiểm điểm sâu sắc rút kinh nghiệm nghiêm túc”. Qua vụ việc, dư luận đặt ra 2 câu hỏi: Thứ nhất là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang xử hơn 70 trường hợp gian lận chạy chọt nâng điểm cho con chỉ bị kỷ luật “khiển trách” hoặc “rút kinh nghiệm”. Đây là thứ kỷ luật rất khó chấp nhận. Bởi gian lận thi cử tại một kỳ thi cấp Quốc gia - Một sai phạm có tổ chức làm hỏng một công việc đại sự Quốc gia là thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, gây bức xức cho hàng triệu giáo viên, phụ huynh học sinh, làm tổn hại danh dự Quốc thể. Vậy mà chỉ bị khiển trách hoặc khiểm điểm “Rút kinh nghiệm”. Rõ ràng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có một văn bản kỷ luật coi thường những người có lương tri. Nhân đây, xin nêu lại một số vụ gian lận thi cử đã bị xử dưới triều vua Lê, vua Nguyễn, để thấy ông cha ta giữ nghiêm phép nước xử rất nặng tệ gian lận thi cử. Âu thế mới chọn được người tài.
Đó là khoa thi hương năm 1673 đời Lê Gia Tông, tham chính Thanh Hóa (chức quan thứ hai của một tỉnh, sau Thừa tuyên sứ) Vũ Cầu Hối và Phủ doãn Phụng Thiên (chức quan đứng đầu kinh đô) Ngô Sách Dụ là những viên quan cho mang tài liệu vào phòng thi, việc bị phát giác, cả hai đều bị xử tội đồ (làm nô lệ).
Kỳ thi năm 1696, quan coi trường thi là Sách Tuân - Sách Tuân từng được phong là Hữu thị lang bộ Lại - Một bộ phụ trách về quan tước, chuyên cung cấp quan lại cho triều đình, chức Hữu thị lang tương đương với Thứ trưởng, sửa bài cho con của Tham tụng Lê Hy, Phó đô ngự sử là Ngô Hải biết chuyện nhưng ém đi không tâu báo. Sau này, việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết), Ngô Hải bị bãi chức, các quan coi và chấm thi đều bị phạt.
Đến năm 1841, thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát – Một người nổi tiếng văn hay chữ tốt, làm viên lại tại bộ Lễ và được chọn làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên cùng Phan Nhạ. Hai ông nâng điểm cho một số người. Cũng tại kỳ thi này, quan chấm thi Nguyễn Văn Siêu - Người xây Tháp Bút và Đài Nghiên tại cổng đền Ngọc Sơn đang giữ chức Thừa chỉ kiêm chức Thị giảng (đọc sách giảng bài cho các Hoàng tử) đã nâng điểm từ trượt thành đỗ cho cháu của Đại thần Trương Đăng Quế. Vụ việc vỡ lở, ông Quát, ông Nhạ bị khép vào tội chết, nhưng sau đó được giảm tội phải tù 3 năm, còn quan Siêu bị tội đồ.
Thứ hai, trong bản thông báo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có những kết luận buồn cười kiểu “tội gà vạ vịt” khi cho rằng bà nội và bà ngoại đã chạy chọt nâng điểm cho các cháu. Cụ thể: Kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc Mai Văn Thực, Trưởng phòng PC11đã để cho mẹ vợ tác động nâng điểm thi cho “con đồng chí”; Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh để mẹ đẻ tác động nâng điểm thi cho “con đồng chí”. Đ/c Trưởng phòng Thực và đ/c Hà phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng chỉ “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc” như yêu cầu của UBKT Tỉnh ủy Hà Giang. Chỉ khổ cho hai bà nội, bà ngoại đã già rồi mà còn phải làm cái tội chạy chọt nâng điểm cho cháu nội, cháu ngoại. Giá mà nước nhà xử nghiêm như thời phong kiến thì các cụ không phải thắt cổ thì cũng chịu tội đồ rồi. Các cụ có làm cái việc sai trái đó không? Hay là con cháu bất hiếu đổ tội cho các cụ. Lại còn mười mấy trường hợp cán bộ của Hà Giang rút kinh nghiệm sâu sắc khi để chồng hoặc vợ chạy điểm cho con. Còn nguyên Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh thì không liên quan. Vợ Bí thư Vinh là Phó GĐ Sở NN&PTNN cũng chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” khi để em chồng nâng điểm cho con gái mình. Dư luận đặt câu hỏi, ông Vinh có 1 em trai làm Chủ tịch huyện, 1 em trai làm Bí thư huyện, 1 em trai làm Phó GĐ Bưu điện thì em trai nào nâng điểm cho cháu gái? Và tại sao ông chú này không thấy bị kỷ luật? Đó là những câu hỏi đề nghị UBKT Tỉnh ủy Hà Giang trả lời.
Nguyễn Công