Hôm nay mồng 5-9, học sinh cả nước rộn ràng tiếp tục những ngày mở đầu cho năm học mới. Tôi không dùng từ “khai trường”- Một từ vốn thiêng liêng và gợi bao điều tốt đẹp. Vì đã nhiều năm nay, nhiều người, đặc biệt là số đông các nhà giáo, đã hiểu không đúng nghĩa của từ “khai trường”. Xin thưa: “khai trường” có nghĩa là ngày đầu tiên mang sách bút đến lớp đến trường để bắt đầu cho sự học. Trong khi các em phần đông đã học từ tháng 8 cả rồi, thì mồng 5/9 chúng ta mới có cái gọi là “khai giảng”. Được biết ông Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã có ý định trả lại cho các em ngày khai trường cho đúng là ngày đầu tiên của năm học mới. Nhưng cũng còn phải chờ xem có thực không. Nếu được như thế thì ngành Giáo dục cũng đã biết sửa sai chăng(?).
Dù gì đi chăng nữa thì hôm nay các trường cũng tưng bừng cờ hoa, các em cũng hân hoan náo nức. Còn người lớn chúng ta? Trong tôi da diết niềm nhớ trường xưa thầy cũ cùng bạn bè một thuở và trong tôi cũng trăn trở những nỗi lo về cách dạy trò thời nay.
Xin gửi tới các thầy cô giáo của mái trường Phan Sào Nam, mái trường Phù Cừ, cùng các thầy cô giáo của hàng trăm ngàn mái trường trên Tổ quốc Việt Nam yêu dấu lòng biết ơn của thế hệ học trò chúng tôi- Một thế hệ từng đội mũ rơm đến trường, bởi các thầy cô giáo ngày ấy trong khó khăn thiếu thốn trăm bề vẫn thi đua dạy tốt và hết lòng vì đàn em thân yêu- là lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi. Thời học trường xã, chúng tôi phần nhiều đi chân đất và sách vở thường mỏng tang. Thầy giáo dạy tôi năm đầu tiên là một nông dân thực thụ, tên là bác Đính, sáu, bảy trò học nhờ nhà bà Toàn. Chúng tôi thường ngồi chờ bác Đính đến chiều, khi ấy bác vác cày sắt trên vai từ đồng về thẳng lớp, vội đặt cày xuống, vội bắt đầu giảng bài bằng điệu cười giòn tan... Chúng tôi có năm học đầu tiên như vậy đấy. Rồi lên lớp Một, lớp Hai... rồi lớp Sáu, lớp Bảy. Một số thầy cô dạy chúng tôi nay đã không còn. Nhưng chúng tôi vẫn nhớ thầy Kiếm, thầy Tỏ, thầy Thập, thầy Nhị, thầy Hàn, thầy Ninh, thầy Thinh, thầy Vơn, cô Tuyết, cô Nhàn, cô Chuyên, cô Giới, cô Mát, cô Chát... Chúng tôi cũng rất nhớ hiệu trưởng nhà trường những năm đó là thầy Hồ Văn Thẻ - Người thầy giáo thương binh từng là nhân vật của bộ phim tài liệu và thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Khiêm – Một nhà giáo giỏi chuyên môn và giỏi quản lý. Rồi chúng tôi học cấp 3- Trường huyện duy nhất ngày ấy. Chúng tôi đi bộ 5-7 cây là chuyện thường, để có thời gian học, chúng tôi ở trọ tại thôn Hạ Cát hoặc thôn Đình Cao. Cơm không đủ no, dầu không đủ thắp, được cái chúng tôi chăm học. Cũng là nhờ các thầy cô giảng dạy nhiệt tình. Tôi biết các thầy cô tôi cũng thiếu đói, các thầy cô thường xanh gầy, vậy mà đến tiết 5, tiếng các thầy cô vẫn sang sảng trong veo. Cũng có lúc chúng tôi mải nói chuyện, nét mặt các thầy cô đượm buồn, các thầy cô chẳng nỡ nặng lời với chúng tôi. Gần đây, tức là sau hơn 40 năm xa mái trường Phù Cừ, chúng tôi mới nhận ra và bảo nhau: Các thầy cô dạy chúng mình ngày ấy là những thầy cô giỏi nhất miền Bắc. Các thầy giảng dễ hiểu, khó mà thành dễ bởi sự lập luận và trình bày khoa học. Đó là thầy hiệu trưởng- Phan Chưởng, thầy Hoàng Anh, thầy Luân, thầy Trù, thầy Quỳ, cô Phượng, cô Mậu, thầy Tập dạy toán, thầy Tài, thầy Đức, cô Thanh dạy Vật lý, thầy Đồng, thầy Lệ, thầy Nồng, thầy Trao, thầy Quyết dạy văn, cô Phượng, cô Nghi, thầy Bích dạy Hóa học, cô Én dạy Lịch sử, thầy Quỳnh dạy Địa lý, thầy Xuân dạy Sinh học, thầy Mẫn, cô Mỹ dạy Ngoại ngữ...Hồi đó chúng tôi học có nửa ngày, chẳng phải học thêm trừ vài buổi phụ đạo trước khi thi toán. Hồi đó thầy Hoàng Anh thắp đèn măng xông dạy chúng tôi. Chúng tôi dành nửa ngày tự học, cũng có khi học thâu đêm. Dường như tự học làm chúng tôi nhớ bài lâu hơn. Và cũng có khi nửa ngày chúng tôi mới làm xong một bài toán hoặc hóa, có được kết quả, chúng tôi reo lên...Mọi người thi đua học tập. Và được các thầy cô mở mang, niềm vui và ước mơ của chúng tôi như được chắp thêm đôi cánh. Ngày ấy cấp 3 Phù Cừ có học sinh giỏi toán, văn miền Bắc như: Trần Trọng Là, Hữu Ước, Trần Thị Thúy, Trần Đình Đạc, Dương Đình Nhuận...Khóa tôi có Nguyễn Hữu Tành, Hoàng Văn Tạo, riêng Nguyễn Thị Ngắm giỏi cả văn lẫn toán...Từ tình thầy trò trường làng, trường huyện, chúng tôi trưởng thành và đi khắp mọi miền Tổ quốc, nay hầu hết đã nghỉ hưu. Hàng ngàn con người ngẫm lại, điều mừng là không có ai sai phạm kiểu bội tình bạc nghĩa, mà cơ bản giữ được lễ thầy trò và nghĩa đồng môn. Niềm nhớ trường xưa thực chất là nhớ về những ngày vui, vui vì được học vừa sức, sự vui chính là sự tự học, vui vì được thầy cô luôn ân cần và chẳng bao giờ trách mắng chúng tôi. Chúng tôi đã cơ bản hoàn thành nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc. Điều thiêng liêng to lớn đó gắn liền với công cha sinh mẹ dưỡng cùng với những ước mơ và kiến thức mà các thầy cô giáo đã tạo dựng rèn giữa cho chúng tôi. Niềm nhớ trường xưa, trong chúng tôi có cả nỗi lo trường nay. Các em các cháu bây giờ phải học lý thuyết và phải học thêm nhiều quá, có cháu ngày học 4 ca, học sinh tiểu học có cháu ngày học 3 ca. Học thêm nhiều làm cho các cháu mất dần khả năng độc lập sáng tạo vốn là cái cần có để sau này các cháu vào đời. Học nhiều, học để đi thi đã biến nhiều cháu như là cái máy, quanh năm suốt tháng vùi đầu vào học. Học nhiều làm cho các cháu không cảm thụ được thiên nhên nên không lạc quan yêu đời và phần nhiều thường còi cọc suy dinh dưỡng hoặc cận thị. Thật buồn là có những lớp cấp 2, cấp 3 đã có ba phần tư học sinh bị cận, tức là các em chưa thành tài đã thành tật. Điều này tuổi chúng tôi là không xảy ra. Cả trường Phù Cừ hơn một ngàn học sinh thời chúng tôi không một người cận thị. Bệnh cận thị hiện tại cũng còn là do môi trường máy tính với điện thoại, nhưng thử hỏi, các bậc cha mẹ, các nhà quản lý, các nhà giáo dục và đội ngũ thầy thuốc đã làm những gì để phòng tránh cận thị cho các cháu. Người lớn đã quá vô trách nhiệm khi chẳng mấy ai trong đội ngũ các nhà quản lý thử tìm biện pháp ngăn chặn bệnh cận thị kiểu yêu cầu nhà trường phải mở của sổ, phải lắp thêm bóng đèn đỏ, phải hạ thấp bàn học đang quá cao so với học sinh tiểu học, hoặc phạt những thầy cô giáo dạy thêm tại nhà vì để căn phòng quá chật và quá thiếu ánh sáng... Thử hỏi người lớn chúng ta mấy ai quan tâm đôi mắt cho các cháu? Mấy ai quan tâm sự học nhồi nhét quá tải cho các cháu? Và mấy ai biết nhà vệ sinh trường học bẩn tới mức nhiều cháu nhịn ở trường và chỉ đến khi về nhà mới dám vào nhà vệ sinh? Và còn nhiều lắm nỗi lo trường học. Thời chúng tôi dường như không có khái niệm bạo lực học đường. Còn bây giờ, các em mang hung khí đến trường, rồi cùng nhau đánh hội đồng, rồi có cả chuyện trò đánh thầy, rồi chuyện thầy bán điểm, chuyện gian dối trong thi cử, chuyện chạy trường chạy lớp, chuyện cả lớp khá giỏi nhưng lớp hai lớp ba vẫn có em không biết cộng trừ…
Niềm nhớ trường xưa, nỗi lo trường nay là thế! Trong nỗi lo trường nay, chúng tôi cũng vẫn thấy nhiều điểm sáng. Đó là những thầy cô giáo miền núi cõng chữ lên non, đó là các thầy cô giáo miền xuôi vẫn tận tụy với nghề, vẫn thương yêu học sinh, vẫn chăm chút từng nét bút cho các cháu. Đạo đức người thầy là thế! Trong một xã hội còn nhiều chuyện đáng lo, thì người thầy vẫn giữ đạo trồng người.Đó là vẻ đẹp và sự cần thiết của ngày khai trường- ngày đầu tiên học trò mang sách bút đến lớp.