Thời luận: Du xuân chọn đền chùa nào?

Thứ năm - 30/01/2020 17:39
Tháng Giêng của người Việt ta còn là tháng du xuân thăm viếng đền chùa. Những ngôi chùa cổ kính thấp thoáng trong mưa bụi và hoa đào, những pho tượng trầm mặc đã bao đời, tiếng tụng kinh cùng nhịp mõ lan xa... Ai ai đến đền chùa cũng cảm nhận được một khung cảnh thành kính và trang nghiêm. Và trước đền chùa, lòng người dân Việt thấy Tổ quốc Việt Nam ta đã được ngàn đời gìn giữ.
111
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) Ảnh: Quochoi.vn.
Nhưng có những chùa mới do doanh nghiệp xây dựng nhằm mục đích kinh doanh mà gần đây lại được nhiều người đến thăm và thích thú cùng ngạc nhiên về độ hoành tráng của những công trình gỗ đá tinh xảo... Những chùa này chiếm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất như chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình và chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đoàn Đà Nẵng đã chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà rằng căn cứ vào đâu để cấp nhiều đất xây chùa đến như vậy? Bộ trưởng cho biết chùa Bái Đính có quy mô 1005 ha, còn chùa Tam Chúc có quy mô 1205 ha trong tổng thể khu du lịch 4000 ha. Rõ ràng trong lúc đất cho trường học nhiều nơi còn thiếu và đất cho trồng cây cũng như trng rừng còn thiếu thì việc xây những ngôi chùa quá rộng gây lãng phí đất đai thì cần phải được xem xét lại. Phải chăng có lợi ích cá nhân ở chốn được coi là tâm linh? Chúng ta có cần xây chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất thế giới không? Nếu chúng ta cứ sa đà đầu tư vào những thứ mang danh tâm linh thì sẽ giảm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và cho khoa học. Mà đầu tư cho giáo dục và khoa học mới là con đường đưa đất nước phát triển để sánh vai với thiên hạ.
111
Chùa Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam nằm trong Khu du lịch có quy mô diện tích khoảng 4.000 ha. Ảnh: TTXVN.
Trở lại với việc du xuân viếng thăm đền chùa, chúng ta đến ngôi chùa do doanh nghiệp vừa mới xây hay chúng ta đến với những ngôi đền, chùa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi do tổ tiên ta xây dựng? Có thể đến đền Mẫu Lào Cai tọa lạc gần biên giới Việt Trung vùng cửa ải Lê Hoa để biết muôn dân Việt luôn nặng lòng với Mẹ - Tổ quốc, hay thăm đền Hùng để ta cúi đầu trước các vị vua Hùng đã có công dựng nước, hoặc thăm đền thờ các vua Trần trên đất thành Nam hoặc đất Thái Bình để nhớ về một vương triều ba lần đánh bại Nguyên Mông không phải vì đất hiểm mà do mình đức cao như anh hùng Trương Hán Siêu từng ca ngợi, hoặc thăm đền Kì Cùng xứ Lạng để nhớ vị quan đời Trần trấn thủ biên thùy, hoặc thăm đền Côn Sơn - Kiếp Bạc để học cách giữ nước thì phải khoan thư sức dân như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng căn dặn và nghe Nguyễn Trãi tiên sinh dạy việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Hoặc thăm chùa Trấn Quốc  còn gọi là chùa Khai Quốc ven Hồ Tây Hà Nội từng được dựng từ thời Tiền Lý cũng đáng thăm lắm chứ để thấy ông cha gìn giữ văn hiến quốc thể hoặc thăm chùa Thiên Mụ cạnh kinh thành Huế do chúa Nguyễn Hoàng xây năm 1601 để góp phần giáo hóa chúng sinh, hay thăm chùa Vĩnh Nghiêm trên đất Sài Gòn giống hệt một ngôi chùa nào đó trên đất Bắc. Suốt dải chữ S Việt Nam ta có nhiều đình, đền, chùa lưu dấu tích của ông cha ta. Đến đó ta cảm nhận được hồn thiêng sông núi, đến đó ta có được sự bồi đắp và giáo hóa, ta có  thêm sức mạnh và niềm tin trong những ngày du xuân đầy ý nghĩa này...
 
Nguyễn Công


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây