Phần “người” thời dịch bệnh

Thứ ba - 17/03/2020 09:19
Trong lịch sử nhân loại, con người luôn bị ám ảnh bởi 3 điều tồi tệ: Đói khát, chiến tranh và dịch bệnh. Và thế giới đang oằn mình mỗi ngày để chống lại cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử - đại dịch covid 19. Cứ mỗi ngày cầm tờ báo, lướt mạng xã hội là tràn ngập thông tin về dịch bệnh: có bao nhiêu người mắc mới, bao nhiêu người tử vong, F1,F2, Fn... là ai? Dịch bệnh cũng là câu chuyện chính của nhiều người, nhiều gia đình. Mọi hoạt động bị đình chệ, kinh tế giảm sút, nhiều con đường, tòa chung cư bị cách ly, nhiều thành phố bị phong tỏa đến nỗi thê lương, u ám. Chiếc khẩu trang là vật bất ly thân của con người.
111
Đoạn phố Trúc Bạch, quận Ba Đình - nơi có nhà riêng của đối tượng mắc COVID-19 được phong toả từ tối 6/3
để lực lượng chức năng tiến hành công tác chuyển những người tiếp xúc gần với đối tượng đến nơi cách ly

Nhưng còn một con virus còn đáng sợ hơn con Corona, mà không một kính hiển vi nào hay một bác sĩ nào dù tay nghề giỏi tới đâu có thể nhìn thấy con virus này - đó là sự vô trách nhiệm, ý thức tồi từ những người khôn lỏi thờ ơ trước dịch bệnh. Khi cái “tôi” được đặt cao hơn tính dân tộc, tính cộng đồng thì đó là hiểm họa về nhân cách làm người. Đó còn là thước đo đánh giá một phần nào đó về văn hóa, phẩm giá… Chúng ta thấy buồn khi số ca mắc và tử vong từ dịch bệnh cứ tăng, nhưng sẽ là phẫn  nộ và thậm chí nhiều người không kiềm chế sẽ buông ra những lời cay độc trước cách ứng xử vô trách nhiệm, khôn lỏi của một lớp người. Vì một cô gái (BN17) cơ quan chính trị phải họp trong đêm, nhiều bác sĩ, chiến sĩ phải thức đêm dập dịch. Dùng 2 hộ chiếu, khai man vào tờ khai báo y tế để qua mặt hải quan và cơ quan y tế sân bay. Cứ ngỡ vài ngày nữa là Việt Nam công bố chiến thắng dịch, vậy mà vì một người ý thức tồi khiến cả dân tộc phải bắt tay chống dịch lần 2… Sự việc của cô gái ở Bình Dương, nghĩ cách để trốn cách ly, khai gian những nơi từng đi qua ở Hàn Quốc. Đã vậy còn livetream khoe với cộng đồng mạng cho rằng mình “thông minh”, tự hào như kiểu vừa phát minh được một công trình khoa học vĩ đại cho đất nước. Rồi cả ông giám đốc của một doanh nghiệp đánh tráo một nhân viên đi cách ly cho mình… Rồi còn nhiều trường hợp khai báo không trung thực, trốn tránh cách ly của một lớp người. Dẫu biết cuộc sống ở khu cách ly là buồn chán - không được thoải mái như ở ngoài, nhưng đó là nơi bảo vệ sức khỏe của mọi người xung quanh và cả chính người được cách ly. Thể hiện sự trách nhiệm của mỗi công dân với cộng đồng, với dân tộc. Thử hỏi nếu dịch bệnh diễn biến xấu như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước phương Tây thì việc được cách ly, kiểm tra sức khỏe là một diễm phúc, là đặc ân của chính phủ. Khi chiếc giường bệnh, bệnh viện bị quá tải không đủ kham cho số lượng bệnh nhân lớn. Nhiều tội phạm ở Trung Quốc đã ra đầu thú với cảnh sát với mong muốn là được khám bệnh. Mỗi một con người ý thức tồi, không khác gì một quả bom hẹn giờ được đặt giữa quảng trường có nhiều người và có thể phát nổ bất cứ lúc nào để lại những hiểm họa, oan nghiệt lớn…

 
Rồi cả những sự việc tin giả, Fake news tràn ngập trên mạng xã hội gây hoang mang, ảnh hưởng xấu đến tâm lý xã hội. Tôi thấy buồn khi công ty công nghệ lớn của Mỹ - Mircosoft khảo sát và đánh giá - Việt Nam nằm trong top 5 nước kém nhất thế giới về văn minh Internet. Tam sao thất bản nhờ trí tưởng tượng phong phú và ý thức kém của những kẻ muốn câu like, câu view. Những chuyện gây hoảng sợ, được thêu dệt và được chia sẻ cả chục ngàn like và chia sẻ. Sự dễ tin, dễ bị kích động của mỗi người dùng mạng xã hội chính là cơ hội tốt cho bọn hacker, bọn phản động chống phá chính phủ và nhà nước… Rồi dẫn tới nhiều sự việc dở khóc dở cười, người dẫm đau nhau đi mua đồ tích trữ lớn. Và sinh ra những kẻ vụ lợi, tái chế khẩu trang bẩn, nhiều loại nước rửa tay không đảm bảo chất lượng. Mọi thứ bị đảo lộn, nhiều kẻ cơ hội coi đó là dịp để nghĩ ra nhiều thứ bỉ ổi, đê tiện khác
Nhưng vẫn còn có những hành động đẹp và nhân văn mà con người trao cho nhau trước mùa dịch. Nhiều nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng đã quyên góp số tiền lớn để phục vụ công cuộc chống dịch. Nhiều bác sĩ, y tá điều dưỡng gồng mình để làm việc cật lực quên bản thân. Những chiến sĩ bộ đội, công an luôn thức trực mọi nơi có thể lây lan dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó kịp thời trước mọi tình huống. Tôi thấy ấm lòng, khi xem những lời hát được vang lên từ ban công, cửa sổ ở Italy vào lúc 6 giờ chiều. 6 giờ chiều là lúc các cơ quan chức trách sẽ công bố có bao nhiêu người nhiễm, bao nhiêu người tử vong trong ngày. Thay vì sợ hãi, hoang mang  Fratelli  D'Italia (quốc ca Italia). Họ dùng tiếng hát để át đi nỗi bất an trong lòng họ và trao cho nhau sự lạc quan, niềm tin yêu, sự lãng mạn về cuộc đời. Trong những thời khắc khó khăn u tối, mà con người vẫn tìm thấy sự lãng mạn. Đó là nét văn hóa, sự nhân văn và tình cảm mà con người có thể dành cho nhau trước hiểm họa dịch bệnh. 
111
Một phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh phát khẩu trang y tế miễn phí cho người đi đường
Dù dịch bệnh đang thiên biến vạn hóa khôn lường, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn làm chặt chẽ và kiểm soát tốt được dịch bệnh. Chúng ta đang cảm thấy may mắn khi dịch bệnh không bùng phát lớn như nhiều nước trên thế giới. Nhưng dù chính phủ có nỗ lực đến mấy mà vẫn còn nhiều kẻ vô trách nhiệm, vô ý thức - thì cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất gian nan và khó khăn… Mỗi công dân cần phải có tính dân tộc, tính cộng đồng và đặt lên trên cái “tôi” của bản thân. Vì chống dịch bệnh không phải của riêng ai…
 
Phố Hiến, Mùa dịch covid
Đức Cầm
 

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây