Thời luận: Giọng lưỡi bỉ ổi và đê tiện của kẻ cướp…

Thứ hai - 06/04/2020 20:33
Cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lê Thị Thu Hằng tuyên bố phản đối tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá có 8 ngư dân của Quảng Ngãi tại vùng biển Hoàng Sa vào đêm 2/4, thì tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 3/4, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói đại ý: Khi tàu Hải cảnh của Trung Quốc tuần tra, thấy tàu cá Việt Nam đánh cá trái phép và kêu gọi con tàu rời đi. Nhưng tàu cá Việt Nam bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm...
111
Tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc - thủ phạm đâm chìm tàu QNg 90617 TS của ngư dân Quảng Ngãi
Đây thật sự là giọng lưỡi bỉ ổi và đê tiện của bọn kẻ cướp - Bọn chuyên đi giết người nhưng lại lu loa bị nạn nhân tấn công. Năm 1979, khi 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt tấn công đánh phá hủy diệt vào toàn bộ tuyến biên giới của nước ta với chiều dài 1200 km và gây ra cảnh đốt phá thành phố, giết hại dân lành, thì Trung Quốc cũng tuyên bố là để “tự vệ” trước  cuộc  “xâm lược của Việt Nam”.

Liệu có ai tin rằng một đất nước Việt Nam nhỏ bé chưa bằng một phần mười Trung Quốc và đang mang nhiều vết thương chiến tranh lại  xâm lược - Tấn công Trung Quốc năm 1979?!
111
Tàu Hải cảnh Trung Quốc dùng "vòi rồng" tấn công tàu cá Việt Nam
Liệu có ai tin rằng một tàu đánh cá nhỏ bé của Việt Nam với 8 ngư dân lại dám đâm vào tàu hải cảnh - tàu cảnh sát biển của Trung Quốc to như một tàu chiến!

Đây thật sự là những bằng chứng tố cáo người Trung Quốc đã xâm lăng bạo tàn nhưng lại có một giọng điệu bỉ ổi và đê hèn đến khó tưởng tượng nổi.

Thật là khó tưởng tượng nổi cách hành xử dã man vô nhân tính của người Trung Quốc giữa lúc dịch Covid-19 đang gây thảm họa cho toàn nhân loại.

Trước đó hơn 2 tuần, vào ngày 20/3, Trung Quốc còn đưa tin khánh thành một số trạm nghiên cứu tại các đảo do Trung Quốc chiếm và bồi đắp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đối với người dân Việt thì quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc. Mấy trăm năm các đời chúa và vua triều Nguyễn từng cai quản Hoàng Sa. Các châu bản triều Nguyễn cũng như một số bản đồ của một số nước phương Tây và trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, bắn chìm tàu chiến và bắt sống một số nhân viên của chính quyền Việt Nam cộng hòa đang hành nghề trên đảo Hoàng Sa vẫn đang là những bằng chứng không thể phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Hoàng Sa là vùng biển lắm tôm nhiều cá từng là ngư trường thân thuộc của đồng bào Quảng Ngãi và miền Trung. Nhưng Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, hoặc tịch thu ngư cụ của bà con không ít lần...

Trước hành động kẻ cướp vô nhân đạo của Trung Quốc, ngày 3/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao ta đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Chúng ta chia sẻ với đồng bào đánh cá miền Trung, nhất là ngư dân Quảng Ngãi - Những người kiên cường bám biển khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Cần có những biện pháp hiệu quả bảo vệ ngư dân. Chúng ta lên án hành động vô nhân tính của người Trung Quốc.
 
                                    Công Đán
      
    
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây