Kinh tế báo chí nhìn từ Đại dịch Covid-19: Bài 2: Gỡ hướng nào cũng vướng...

Thứ tư - 08/04/2020 10:14

Như đã nói đại dịch Covid-19 như “Giọt nước tràn ly” khiến các tòa soạn đang phải tính đến bài toán “cắt giảm”, nếu không muốn cả con tàu “chết đuối”. Trong vòng xoáy của cơn lốc tài chính đã “cài giờ” cạn kiệt, họ buộc phải đưa ra quyết sách “thắt hầu bao” với chính mình và người lao động của mình.
111
Đã có những cơ quan hoạt động “cầm cự” qua ngày bằng “lương khô”,
có nhiều cơ quan đã phải tính đến phương án cắt giảm thu nhập.
Lúc nào… trời sẽ nắng?

Tôi có cơ duyên được phỏng vấn rất nhiều các tổng biên tập, nhưng chưa lần nào lại thấy bản thân tâm trạng như lần này. Dù rằng cuộc trò chuyện hoàn toàn trên điện thoại để thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội nhưng tiếng thở dài, tâm tư nghẹn đắng của những người thủ lĩnh báo chí, tôi vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được.

Tất cả con đường đều phải dẫn đến bài toán “Làm thế nào để sống trong lúc này? Nếu tiếp tục khó khăn sẽ ra sao”? Điều ấy đè nặng lên vai những người đứng đầu cơ quan báo chí. Những người mà đã có lúc tôi từng nghĩ rằng, họ có một “tinh thần thép” khó điều gì lay chuyển được. Nhưng “xuống tinh thần” là điều có thể cảm nhận được trong lúc này với các Tổng biên tập. Bởi những quyết định được đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến những cộng sự trung thành, những người phóng viên vẫn phải lăn xả trên từng cây số mỗi ngày qua. Đã có những cơ quan hoạt động “cầm cự” qua ngày bằng “lương khô”, có nhiều cơ quan đã phải tính đến phương án cắt giảm thu nhập.

Tôi bắt đầu câu chuyện “gỡ vướng” bằng cuộc trò chuyện với thủ lĩnh của báo Đầu tư – một tờ báo tôi trộm nghĩ có lẽ sẽ đỡ phần khó khăn trong bối cảnh này khi Đầu tư – là một tờ báo thuộc diện có “của ăn của để”, sẽ có “lương khô” tích lũy. Thêm nữa, người đứng đầu tờ báo là một người vô cùng năng động, luôn tìm ra được những “lối rẽ”, bắt mạch thị trường rất nhanh, và tất nhiên đón xu hướng thế giới cũng không tệ.

Tuy nhiên, cuộc trò chuyện kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ với ý đồ “gỡ vướng” vẫn có rất nhiều trăn trở.
111
Tổng biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh
Giải bài toán khó khăn, Tổng biên tập Lê Trọng Minh cũng thành thật rằng, câu chuyện tồn tại, ổn định của tòa soạn vài tháng đầu năm còn nhờ vào nguồn dự trữ được sử dụng trong quyền hạn nhưng đến nay cũng đã “cạn dần”. Ông phân tích thêm: “Không có cơ quan báo chí nào dự trữ quá nhiều “lương khô” vì mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là cải thiện thu nhập. Nếu năm nào có thu nhập tốt hơn chút thì lại tăng lương, tăng nhuận bút cho anh em. Một phần trong khoản thu nhập chung của tòa soạn hàng năm đều được trích vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định nhưng không được sử dụng vào mục đích trả lương, trả nhuận bút nên khó lại càng khó”.

Quả thực, thời điểm này đặt ra cho người tổng biên tập là cân đối tài chính như thế nào để tiếp tục đứng vững, để vừa ổn định cuộc sống của người lao động vừa hoàn thành nhiệm vụ và điều ấy thực sự khó. Bởi thực tế dù doanh nghiệp được cứu và giả như 6 tháng cuối năm hết dịch thì chắc chắn cũng khó trở lại được giai đoạn cũ, khó chờ đợi ở doanh nghiệp điều gì… khi bản thân họ còn không biết đến khi nào mới “thoát hiểm”.

“Khủng hoảng hiện giờ thực sự trầm trọng, báo chí lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn. Chúng ta đã từng trải qua những khó khăn nhưng đều le lói chút ánh sáng cuối đường hầm, nhưng thực sự thời điểm này rất bế tắc vì không biết chúng ta sẽ trông đợi vào điều gì. Vẫn biết rằng “hết mưa trời lại nắng”, khó khăn rồi cũng qua đi nhưng đó chỉ là lý thuyết thôi bởi câu hỏi luôn ở trong đầu chúng tôi là: Lúc nào… trời sẽ nắng?” – nhà báo Lê Trọng Minh tâm sự.

Cắt giảm, cắt giảm và cắt giảm

Cũng bởi vì không biết lúc nào trời sẽ sáng nên các Tổng biên tập buộc phải đưa ra những phương án giải quyết mang tính dự liêu. Một trong những điều phải tính đến chính là việc phải cắt giảm nhiều thứ. Trước khi gặp phải đại dịch Covid-19, làm kinh tế báo chí đã chẳng dễ dàng gì nhưng giờ lại “cực chẳng đã” phải đưa ra những quyết định mà những người đứng đầu cho rằng, với họ là những quyết định đau đớn.

Thực lòng mà nói, bối cảnh này, nói đến chuyện cắt giảm đối với người làm báo đúng là như nhát dao “xuyên tim”. Mà thực chất, câu chuyện “cắt giảm” cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Rất nhiều lãnh đạo báo rơi vào cảm giác “bị sốc”. Họ cũng phải nâng lên đặt xuống trước khi đưa ra quyết định cắt giảm. Cơ quan nào cũng đặt mục tiêu phải đi lên cả, thế mà đùng một cái, chẳng khác nào “rơi từ trên ngọn núi rơi xuống”. Thậm chí, trong góc độ quản lý vẫn phải tiên liệu rằng, có thể một ngày không xa sẽ tiếp tục có chuyện “chảy máu chất xám”. Nhưng đã đến lúc không thể khác nữa rồi.
111
Tổng biên tập báo Thanh niên Nguyễn Quang Thông
Như tờ báo Thanh niên chẳng hạn, năm 2019 doanh thu rất tốt thì đến năm 2020 mọi sự khác. Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông đã phải đưa ra quyết định: Trước khó khăn hiện tại, bắt đầu từ tháng 3 chúng tôi đã giảm 10% phụ cấp ngoài lương, 50% thu nhập chi phí thưởng. Nếu tình trạng này kéo dài có lẽ phải giảm tiếp. Sắp tới từ 1/7 lại tăng lương cơ bản, chắc sẽ còn đau đầu hơn nữa… Song song với đó ông cũng đã có một công văn đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính hỗ trợ một số vấn đề khắc phục khó khăn, nhằm giúp báo sớm vượt qua giai đoạn trước mắt như giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 qua năm 2021. Được phép sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi cho các hoạt động nhằm bảo vệ và pòng chống dịch bệnh trong cơ quan…
111
Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn
Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn, một trong những Tổng biên tập tôi đặc biệt ngưỡng mộ về khả năng nhìn xa trông rộng, điều hành và quản lý tòa soạn. Ông cũng là một tiến sĩ kinh tế có tên tuổi đã từng có công rất lớn trong thời điểm báo chí gặp khó khăn về thuế giai đoạn trước. Ý kiến của ông đưa ra đã góp phần giảm thuế cho báo chí từ 27% xuống 10%. Trong bối cảnh này, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Về giải pháp trước mắt tôi đã phải thực hiện trong tòa soạn thời điểm này đó là bắt đầu từ tháng 4 sẽ giảm khoảng 10% thu nhập của nhân viên, phóng viên. Đồng thời tiếp tục nâng cao năng suất lao động bằng cách sàng lọc đội ngũ cán bộ phóng viên. Thậm chí, dự kiến có thể cũng phải giảm 10% biên chế. Trước tình hình phức tạp như hiện nay, để đảm bảo cân đối và tính toán dài cho cả năm nên bắt buộc phải có giải pháp cắt giảm như vậy.

Trở lại câu chuyện của báo Đầu tư, ngay từ khi có những khó khăn, báo đã đánh giá về tình hình sắp tới và dự báo những kịch bản xấu có thể xảy ra. Từ đó, Đảng ủy báo Đầu tư đã ra Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp cấp bách ổn định sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an toàn tài chính cơ quan. Theo đó, thực hiện lộ trình giảm thu nhập CBNV đến khi tình hình kinh doanh phục hồi. Trước hết giảm 15% thu nhập các cấp lãnh đạo từ trợ lý phòng, ban trở lên trong tháng 4/2020. Trong giai đoạn tiếp tục sẽ giảm thu nhập chung toàn thể CBNV. Đồng thời tiếp tục phải đảm bảo chất lượng, để giữ chân được độc giả, đến khi khủng hoảng qua đi công chúng vẫn ở lại với tờ báo. Vì thế, đến nay, báo Đầu tư chưa thực hiện việc giảm nhuận bút.

Tất nhiên đưa ra giải pháp này, Tổng biên tập Lê Trọng Minh cũng trăn trở: Có thể chúng tôi chưa ban hành ngay các giải pháp trong toàn bộ tòa soạn nhưng chắc chắn là phải làm sắp tới. Đó là một quyết định khiến hiều đêm tôi không ngủ được. Tôi đã suy nghĩ “vắt óc” xem có còn cách nào khác không? Nhưng thực sự không có tiền thì chẳng thể làm khác. Cái khó nhất ở đây là bài toán tư tưởng cho phóng viên. Chúng ta sẽ nói với phóng viên rằng chuyện này sẽ kéo dài bao lâu? Tôi có thể nói với phóng viên của mình rằng, tháng này chúng ta giảm nhé, có khi tháng sau lại ổn. Nhưng mà nếu tháng sau không ổn thì chắc hẳn sự thất vọng sẽ tăng lên gấp đôi. Còn nếu như nói thẳng ra là 6 tháng đến 1 năm nữa phải giảm thì không thể không tránh khỏi tác động tâm lý rất lớn. Và lúc đó trường hợp xấu nhất có thể xảy cũng buộc phải chấp nhận. Đó là ngồi nhìn những “chiến sĩ trung kiên của chúng ta rời bỏ mặt trận”… Câu chuyện “chảy máu chất xám” rất có thể lại tiếp tục bắt đầu từ đây.

Trên thực tế, có thể câu chuyện này sẽ không dừng lại ở bài toán tài chính mà đau đáu hơn nữa còn là chuyện “con người”. Trong câu chuyện của những người đứng đầu, tôi thấy điều mà họ bận tâm nhiều nhất vẫn là giá trị con người, những nhân lực sản xuất nội dung thông tin. Đó là “hồn cốt” của một tòa soạn báo, nguồn nhân lực rất khó thay thế ở cơ quan báo chí. Họ đều có chung một tâm tư, bài toán “thay máu” sợ nhất là những nhà báo giỏi, biên tập giỏi rời đi. Đó không còn dừng lại ở chuyện “đáng tiếc” nữa mà là chuyện đau đớn.

“Bởi thực lòng, những người quản lý như chúng tôi, suốt một quá trình, cố gắng làm mọi cách cũng là muốn giữ chân được người tài, để họ có sự yên tâm, tin tưởng gắn bó hơn vào cơ quan. Tất nhiên, không phải ai đi làm cũng hoàn toàn vì tiền nhưng đó là điều kiện cần để họ cống hiến, đam mê, tiếp tục nỗ lực trên hành trình vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam” – Tổng Biên tập Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Câu chuyện “con người: sẽ tiếp tục được mở ra trong kỳ sau của loạt bài này với những nhọc nhằn của phóng viên trong bối cảnh hiện nay. Họ nghĩ gì, lo lắng ra sao khi “nồi cơm” của họ đang bị ảnh hưởng trước quyết định “cắt giảm” thu nhập của các Tổng biên tập.
Hà Vân
(Báo Nhà báo & Công luận)

Bài 3: Phóng viên – khi “cơm áo không đùa với khách thơ”

Nguồn tin: Báo Nhà báo & Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây