Thời luận: Những cảnh này trên VTV không làm khán giả tốt hơn
Thứ năm - 12/03/2020 20:38
VTV1 đang chiếu phim “Đừng bắt em phải quên”, mới được 1,2 tập đầu nhưng nội dung có vẻ gây cấn thể hiện sự hư hỏng không đúng mực khi một cô gái tên Linh được chồng của bạn ra đón tại sân bay, và cô bạn “góa chồng” đã buông lời “thả thính” tán tỉnh chồng của bạn. Có người phê bình cô gái Linh trong phim là hạng người dưới mức tầm thường khi cứ toe toét kể chuyện chồng chết trước mặt bạn trai cũ. Rồi người chồng có tên Luân sống sượng và vô liêm sỷ thể hiện kỹ năng tán gái khi thừa nhận “luôn đầu hàng vô điều kiện” khi đứng trước bạn gái của vợ đã góa chồng. Thật ra, những cảnh này khá sống sượng và phi thực tế khi anh chàng tên Luân đi đón bạn gái tên Linh đã góa chồng tại sân bay, rồi lại về nhà “xin phép vợ” cho mình quan tâm cô gái đã góa chồng kia. Mở đầu phim đã lộ vẻ hư hỏng của cô gái góa chồng tán chồng của bạn cùng người chồng đậm chất “Mã Giám Sinh” dám trắng trợn và không kém phần đểu cáng khi “xin phép vợ” cho mình được quan tâm cô bạn gái đã có chồng chết... Rồi phim cũng xuất hiện một thầy giáo đẹp trai được nhiều nữ sinh để ý và không kém phần thèm muốn. Chắc là sẽ có nhiều cảnh tán tỉnh hư hỏng trong phim dài 42 tập này. Qua một hai tập đầu, nào đã thấy đâu những hình ảnh cao đẹp có văn hóa của những nhân vật trong phim. Đòi hỏi những tấm lòng cao cả, đòi hỏi những nét đẹp văn hóa của phim Việt nói chung và phim Việt được chiếu trên VTV có phải là quá cao siêu không thực tế trong thời buổi hiện nay? Những phim rẻ tiền tình tay ba, những cảnh hở hang, hôn hít, tắm táp của “chân dài”, và những cảnh bạo lực là không thiếu...
Cách đây hơn 2 năm, VTV trình chiếu “Sống chung với mẹ chồng”. Chẳng biết các nhà biên tập, các nhà quản lý của VTV có quan tâm đến tình cảm của hàng chục triệu bà mẹ đang làm mẹ chồng cùng hàng triệu người có lương tri khi đã để bộ phim xúc phạm tới các bà mẹ một cách sống sượng khó chấp nhận lên sóng. “Sống chung với mẹ chồng” như tên của phim, đã thật sự mỉa mai xúc phạm các bà mẹ. “ Sống chung với mẹ chồng” như tên phim khác nào nói “sống chung với lũ”. Đành rằng cũng có những bà mẹ khắt khe, thậm chí đối xử không tốt với con dâu. Nhưng số đông các bà mẹ cũng đã quan tâm, đã tạo điều kiện cho con dâu và con trai. Hơn nữa, văn hóa chung của nhân loại là tôn trọng các bà mẹ từng chịu nhiều vất vả mang nặng đẻ đau. Văn hóa chung của nhân loại là con cái phải hiếu kính với cha mẹ. Đằng này, trên sóng của VTV, con dâu thường cãi tay đôi với mẹ chồng, và rồi con dâu phải ly hôn vì không thể sống chung với mẹ chồng. Trong thực tế, tỷ lệ con dâu phải chia tay vì mẹ chồng khắc nghiệt là vô cùng ít ỏi, mà thường vì các lý do khác. Nhưng trong phim chiếu trên VTV, cô con dâu dứt khoát ly hôn vì mẹ chồng khó tính. Trở lại với một phim khác thể hiện được văn hóa của người Ấn Độ. Đó là phim “Cô dâu 8 tuổi” với trên 2000 tập phim chiếu trong vòng 8 năm trời của kênh VTC. Phim “Cô dâu 8 tuổi” cũng có một bà mẹ chồng nhưng các con trai và con dâu của bà không hề dám cãi bà một câu trong suốt 2000 tập phim, mặc dù bà mẹ vô cùng bảo thủ khắt khe với con cháu. Mặt khác, tình yêu trong phim được thể hiện trong sáng và tài tình. Hơn 2000 tập phim mà không thấy một cảnh hở hang và dường như cũng không bắt gặp một cảnh hôn nhau. Đây thật sự là tài năng của các đạo diễn và diễn viên cùng vẻ đẹp của văn hóa Ấn Độ. Còn những cảnh tán tỉnh hở hang trên sóng VTV thể hiện tầm nhìn chạy theo thị hiếu tầm thường của khán giả. Những cảnh này không làm cho khán giả tốt hơn, và ngược lại.