Thời luận: Đắk Lắk tuyển chọn Bí thư Huyện ủy và Giám đốc Sở - một cách làm hợp lòng dân...
Thứ năm - 19/03/2020 10:01
Hôm nay ngày 19/3, Tỉnh ủy Đắc Lắk chính thức tổ chức hội nghị nghe 9 ứng viên báo cáo chương trình hành động, triển khai tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Huyện ủy Buôn Đôn. Trước đó để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, từ cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc đã ban hành Kế hoạch thí điểm tuyển chọn Bí thư huyện ủy của 2 huyện: huyện Lắk và huyện Buôn Đôn. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủyĐắk Lắk sẽ ngồi chấm điểm công khai các ứng cử viên, trên cơ sở các ứng viên phải trình bày “Chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện” để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế văn hóa xã hội của huyện. Đồng thời, các ứng cử viên phải trả lời tại chỗ các câu hỏi của các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu ra.
Trả lời phỏng vấn của PV báo Tiền Phong ngày 27/2/2020, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắk Bùi Văn Cường khẳng định đây là biện pháp mới trong cách tuyển chọn người đứng đầu cấp huyện, nhằm chống chạy chức chạy quyền. Ông còn cho biết thêm: Việc thí điểm tuyển chọn sẽ làm vào tháng 3/2020. Sau khi làm điểm tại 2 huyện thì sẽ mở rộng ra các huyện còn lại và sẽ thi tuyển các chức danh Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Giám đốc Sở Công Thương và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Được biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắk đã duyệt 9 ứng cử viên đủ tiêu chuẩn: Có 5 ứng viên dự tuyển Bí thư Huyện ủy Lắk, 4 ứng viên cho Huyện ủy Buôn Đôn. Trong số 9 ứng viên, có 2 người không nằm trong quy hoạch Bí thư huyện ủy, nhưng họ là những cán bộ xuất sắc trong thực tiễn, đủ diều kiện để được quy hoạch.
Với cách tuyển chọn công khai, rộng rãi, dân chủ như vậy, Đắc Lak là địa phương đi đầu 63 tỉnh, thành của cả nước trong lựa chọn cán bộ. Thời gian trước, cũng đã có một vài địa phương thi tuyển cán bộ, nhưng dường như chưa tạo được cách làm triệt để, tức là cũng có thi tuyển một hai chức danh của sở, ngành. Nhưng cách làm thường nhỏ giọt và đứt quãng. Còn tình hình chung là vẫn bổ nhiệm đề bạt theo hình thức cũ, theo quy hoạch cũ, bầu Bí thư thường vẫn là 1 bầu 1 mà dường như không có sự lựa chọn. Một số người được đề bạt, bổ nhiệm, thường là những người biết luồn cúi hơn là những người có năng lực. Việc bổ nhiệm người nhà, người thân, người cùng cánh kíp tuy không phổ biến nhưng cũng đã xảy ra. Dư luận dị nghị cán bộ được đề bạt phải quà cáp, cảm ơn dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ năng lực yếu kém không hoàn thành được nhiệm vụ.
Với cách làm có bài bản, dân chủ rộng rãi lần này, hy vọng Đắc Lắk sẽ chọn được cán bộ hợp lòng dân và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.