Những thói xấu của người Việt – Thói xấu 3: Vứt rác bừa bãi
Thứ bảy - 11/05/2019 00:44
Trong khoảng hai, ba chục năm trở lại đây, người Việt ta mắc tệ tiện tay vứt rác ra xung quanh. Mẩu thuốc hút xong thường được ném xuống nền nhà, thức ăn thừa tiện tay gạt xuống, túi nilon đựng đồ xong tiện tay vứt xuống. Thứ bé vứt được rồi thì vứt cả thứ to. Cả thùng rác đổ ra đường, cả bao rác ném xuống sông ao. Lại thêm nước phế thải các khu công nghiệp cùng lối chăn nuôi trong khu dân cư nên ô nhiễm càng nặng nề. Rác chất đống ở nhiều nơi, rác kín đen ở nhiều sông hồ ao suối. Rác chạy vòng quanh làng này đổ sang làng kia hoặc được chôn lấp gần khu dân cư là mấy. Một số gia đình sinh sống cạnh khu chôn lấp rác đã bỏ làng ra đi. Số khác quanh năm đóng cửa nhà mà vẫn không thoát khỏi mùi thối tha ngột ngạt. Trên phố phường chỗ này chỗ kia lại bốc mùi nước cống vệ sinh... Nói rằng dân ta ở khổ, ở bẩn và chịu bẩn vào loại nhất nhì thế giới chắc cũng không sai.
Cũng nhiều cách lắm rồi. Nào là tổ vệ sinh công cộng, nào là Sở, phòng Tài nguyên, nào là cảnh sát Môi trường, nào là chôn lấp, nào là vận chuyển rác đi chế biến, rồi tuyên truyền vận động, rồi đi học tập nước trong nước ngoài, rồi quy hoạch chăn nuôi làng nghề, rồi cũng phạt đây phạt đó mà xem ra tình hình lại tồi tệ hơn. Những con đường chất đống rác rưởi, những dòng kênh mương thậm chí là cả những dòng sông đen thối và lềnh bềnh cặn bã, những làng mạc ngột ngạt mùi từ bãi rác bay về hoặc từ những trại chăn nuôi của hàng xóm bốc sang... Ô nhiễm môi trường - Sống chung với rác - Sống cùng mùi phân vẫn là thảm cảnh của không ít người.
Nhưng đó là hậu quả của thói vứt rác bừa bãi của người Việt chúng ta, hay nói cách khác đó là do sự quản lý yếu kém của chính quyền các cấp. Và chúng ta cũng không thể lấy lý do phát triển kinh tế để đánh đổi lấy môi trường. Một khi môi trường ô nhiễm, một khi thức ăn nhiễm dư lượng thuốc sâu, ốm đau bệnh tật từ đó, thì giàu có để làm gì(!)
Cách nay vài chục năm thôi, người dân không ai vứt rác ra đường, không ai thải phân xuống sông xuống ao, nước sông nước ao, nước ngoài đồng cũng có thể uống. Sông nào, ao nào cũng mát trong, người tắm người giặt người ngồi tình tự với sông, coi sông coi ao như những người bạn người mẹ thiên nhiên bao dung mà hiền hòa. Sông ao mát trong, em giặt áo, anh thổi sáo, cha dạy con tập bơi, cá tôm tung tăng, xa xa dành dành trổ hoa trắng muốt mà thơm mà ngọt... Kỉ niệm về sông ao thì nhiều. Nơi ngồi chờ mẹ, chỗ câu cá tôm, bãi bơi cùng bạn, đoạn đón người yêu... Nhưng do thói vứt rác bừa bãi và do chính quyền quản lý không đến nơi đến chốn nên những dòng sông đang chết và những con đường thành nơi chứa rác... Ngay ở bên cạnh ta thôi, nước Singapor đã phạt một người đàn ông nhiều lần vứt thuốc ra đường bằng 5 giờ quét dọn đường phố và phạt 300 triệu đồng. Xin nhắc lại là 300 triệu chứ không phải là vài trăm nghìn như ta. Mà ta đã phạt ai vứt thuốc lá ra đường đâu mà so sánh. Những nước văn minh trên thế giới đều xử phạt rất nặng những ai vứt rác ra môi trường sống.
Rác đang là hiểm họa hủy hoại nguồn nước và cuộc sống của chúng ta. Đồng bào ta hãy chung tay bảo vệ môi trường, hãy đừng vứt rác ra sông ao. Còn chính quyền cần có những giải pháp căn cơ cứu lấy môi trường sống và trả lại môi trường sạch đẹp như thuở ban đầu. Chả lẽ ông cha chúng ta đã giữ được môi trường sạch trong là thế mà chúng ta lại vô trách nhiệm và nhẫn tâm làm bẩn bản làng, làm chết sông ao hay sao? Hãy tìm cách trả lại môi trường trong lành cho con cháu. Những ông bố bà mẹ, những người chị người anh không thể để lại rác rưởi cho con em. Người lớn chúng ta đừng nhẫn tâm và thiếu trách nhiệm nữa.
Nguyễn Công