Người Việt đã hình dung thế nào về “thế giới bên kia”?

Thứ sáu - 28/08/2020 10:58

Từ trước những năm 1880, khi lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, hai nhà nghiên cứu người Pháp Léon Riotor và Léofanti đã rất đỗi ngạc nhiên khi các ngôi Chùa ở xứ An Nam có những bức họa hình, điêu khắc miêu tả những tầng địa ngục và nhục hình dành cho kẻ bị trừng phạt. Từ đó, hai nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc điền dã, “phỏng vấn” các vị hòa thượng trụ trì và thực hiện tác phẩm “Các tầng địa ngục theo Phật Giáo”.

Vào 18h ngày 26/8/2020, tại Trung tâm Văn Hóa Pháp L’espace đã diễn ra buổi Tọa đàm “Địa ngục trong tâm thức người Việt”. Chương trình được tổ chức bởi Công ti Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam với sự tham dự của hai diễn giả PSG. TS Mai Anh Tuấn và TS. Trần Trọng Dương. Buổi thảo luận xoay quanh tác phẩm “Các tầng địa ngục theo Phật Giáo” của hai tác giả Léon Riotor và Léofanti , thu hút đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi tới dự hoặc theo dõi qua Video trực tuyến.

111
Không khí buổi tọa đàm “Địa ngục trong tâm thức người Việt”. Ảnh: Hạnh Nguyên

Về tác phẩm của hai tác giả người Pháp, đây là một trong những tư liệu hết sức quan trọng khi tìm hiểu thế giới tâm linh của người Việt trong quá khứ. Tác phẩm được khởi thảo từ cuối thể kỉ XIX là kết quả từ một chuyến du hành. Hai tác giả được các nhà sư đưa đi tham quan, dùng những kiến thức triết học, tôn giáo cùng những truyền thuyết của xứ sở để thuyết minh cặn kẽ các tranh vẽ địa ngục trên tường chùa, như làm sống dậy thế giới bên kia trong tâm thức người Việt vốn vẫn nhìn vào đó để tự nhắc nhở bản thân và con cháu về việc lựa chọn đạo đức sống trên cõi trần. Bản dịch của Phạm Văn Tuân do Công ti Văn hóa và truyền thông Nhã Nam ra mắt được in kèm với ba tiểu dẫn và lời tựa của Ernest Renan, Ledrain - Giáo sư École du Louvre, Foucaux - Giáo sư Collège de France, cùng các họa tiết, tranh đầu chương, tranh đầu sách và mười hai phụ bản in màu được các nghệ nhân người Nhật, Pha và Ly, vẽ bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân.

111
TS. Trần Trọng Dương (trái) và PGS.TS Mai Anh Tuấn (phải) trình bày những nghiên cứu cá nhân xung quanh chủ đề của cuốn sách. 
Ảnh: Hạnh Nguyên

TS Trần Trọng Dương nhận xét: “Nhiều người sẽ thấy rằng, từ góc độ lịch sử, đã có quá nhiều trầm tích phủ lên nhận thức của chúng ta. Tôi mường tượng đến hai người Pháp không biết tiếng Việt nhưng lại muốn tìm hiểu về Phật Giáo Việt, họ đã thông qua những người thông ngôn để phỏng vấn các trụ trì. Có lẽ họ đã hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên đặt chân đến các ngôi chùa ở Hà Nội, đặc biệt là Chùa Báo Ân, đã phát hiện ra những bức đồ họa miêu tả địa ngục - nơi trừng trị rất nghiêm khắc kẻ có tội. Ta có thể thấy dấu ấn rất rõ của sự dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng thông qua những hình dung về địa ngục của người Việt”.

“Ta có thể thấy các tầng địa ngục trong các bức đồ họa đều được vẽ với một cấu trúc. Mỗi tầng có một vị vua cai quản, được gọi là Diêm Vương, khác với các tôn giáo ở quốc gia khác địa ngục chỉ có một vị Vua chung. Diêm Vương được đặt ở vị trí cao, đang ngồi soạn án lệ, phía dưới là những đầu trâu mặt ngựa, hay các ngọa quỷ. Một cấu trúc điện được hình dung rất giống như một đơn vị hành chính”.

PGS. TS Mai Anh Tuấn đánh giá về vị trí của tác phẩm, so sánh với dòng sách Đông Dương đang thịnh hành: “Chúng ta đang tiến gần đến việc tìm hiểu ý niệm của người Việt Nam về địa ngục cổ trung đại và hiện đại khác nhau thế nào? Gần đây nhiều đơn vị xuất bản đã nỗ lực giới thiệu các tư liệu Pháp nghiên cứu về Đông Dương và về Việt Nam. Nhưng có lẽ đây là một tư liệu rất đặc biệt. Trước hết những tư liệu Pháp tiếp cận Đông Dương trên các khía cạnh lớn, về chính trị, địa lí hay xã hội, về cấu trúc làng xã - những khía cạnh có thể xác thực được. Tất nhiên, xen vào đó sẽ thấy số ít tư liệu nghiên cứu về tôn giáo, trong đó có Phật Giáo. Nhưng cơ bản những nghiên cứu đó - chẳng hạn của G. Dumoutier - nhìn Phật Giáo chủ yếu ở các nghi lễ, tức là các khía cạnh hiện hữu vật chất. Còn cuốn sách "Địa ngục trong tâm thức người Việt" đi tìm hiểu Phật giáo vào một khía cạnh theo tôi là siêu hình: hình dung của người Việt và những người tu hành về địa ngục. Khía cạnh này tưởng như nhỏ mà không nhỏ, vì nó lách được vào khía cạnh tâm linh của Việt Nam".

111
Bìa sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo”:

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi trong không khí trao đổi thẳng thắn về học thuật và quan điểm. Độc giả đặt câu hỏi với đại ý tại sao một nơi đề cao sự an tĩnh như Chùa lại có thể trưng ra những bức vẽ có hơi bạo lực, một chút ghê rợn như vậy? Điều đó có mâu thuẫn với giáo lí nhà Phật? TS. Trần Trọng Dương hồi đáp: “Giáo dục tâm tính của nhà Phật luôn luôn song hành hai khía cạnh khuyến thiện và trừng ác. Ở khía cạnh trừng ác, những bức vẽ này có tính cảnh tỉnh, trực tiếp hướng đến đối tượng những người dân bình thường, có thể xem và hiểu ngay”.

Qua Internet, một độc giả cũng đặt câu hỏi đến chương trình: “Vì những bức vẽ quá tỉ mỉ và thiếu sự tươi sáng, nên có phù hợp để giáo dục con trẻ hay không?”. PGS TS Mai Anh Tuấn cho biết: “Những bức hình này phù hợp với người lớn - những người bắt đầu có khả năng phạm tội”. Vì thế họ cần được cảnh tỉnh.

Hạnh Nguyên/VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây