NHÀ HÁT KỊCH VIỆT NAM DỰNG LẠI VỞ "NGƯỜI TỐT NHÀ SỐ 5" CỦA LƯU QUANG VŨ Làm người tốt thời nào cũng khó!

Thứ năm - 27/08/2020 10:12

Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam vừa tái hiện lại vở diễn “Người tốt Nhà số 5” của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Không phải là kịch bản nổi bật đã làm nên các vở diễn đình đám mang lại hiệu ứng xã hội khác của nhà viết kịch, nhưng “Người tốt Nhà số 5” vẫn là một vở diễn nhiều suy tư xã hội, mang đậm màu sắc kịch Lưu Quang Vũ. NSƯT Tạ Tuấn Minh giữ vai trò đạo diễn vở kịch này.

Đây là vở diễn được NSƯT Tạ Tuấn Minh (thuộc Nhà hát kịch Việt Nam) chọn dựng làm bài tập tốt nghiệp đạo diễn sân khấu hai năm trước. Năm 2020, vở đã được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng lại để đưa vào kịch mục biểu diễn của Nhà hát. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh tỏ ra chắc tay và phân bố đất diễn cho các nhân vật đều, để ai cũng có thể phát sáng, ai cũng được phát ngôn bày tỏ quan điểm cũng như những day dứt của mình. Vì thế các nhân vật đều có màu sắc. Ngoài diễn viên chính Thế Nguyên trong vai Hiệp là gương mặt trẻ phải đảm đương vai vai diễn khá nặng thì các vai còn lại đều do các nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm của Nhà hát kịch Việt Nam đảm nhận. NSƯT Dũng Nam trong vai kĩ sư Bình, NSND Việt Thắng trong vai ông Kỉnh, NS Khuất Quỳnh Hoa trong vai Yến... Vở diễn cũng được hỗ trợ tốt về mặt âm thanh, ánh sáng, cũng như thiết kế sân khấu hiện đại, góp phần tích cực vào việc chuyển tải thông điệp và ý đồ của đạo diễn.

111
Hiệp (Thế Nguyên) và Bình (NSƯT Dũng Nam) trong vở "Người tốt Nhà số 5". 

Hiệp mang lí tưởng sống của mình, khát khao “điều chỉnh xã hội” theo khát vọng và nhận thức của mình, mong muốn dựng xây một xã hội hoàn thiện, nhưng càng nhúng vào thực tế, càng va vấp anh lại càng nhận ra nhiều vấn đề đặt trong những quan hệ xã hội khác không hề đơn giản. Có những việc tưởng như tốt nhưng lại mang đến những phiền muộn cho người khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác, như việc anh không chịu đi "cửa sau" để được sửa chữa kịp thời căn phòng bạn anh đang cho mượn để ở khiến nó dột nát, thấm xuống tầng dưới, làm đảo lộn sinh hoạt của những hộ khác trong Nhà số 5, hay như việc anh không chịu "bồi dưỡng" cho bên điện để căn nhà khỏi bị cắt điện luân phiên theo thông báo. Tất cả các hộ dân cùng cộng sinh trong một căn nhà dẫn đến hệ quả của một thứ “lợi ích nhóm” cố kết, mọi thứ xảy ra với Nhà số 5 được giải quyết trên cơ sở lấy cái lợi chung ấy làm gốc. Nhưng có những việc lợi ích cá nhân lại mâu thuẫn với lợi ích của căn nhà, lợi ích của căn nhà lại mâu thuẫn với lợi ích của cả khu phố và xã hội làm cho các nhân vật trong những đụng chạm, tranh đấu, tự vấn, bị xoay mòng mòng khiến chính họ cũng không biết cư xử thế nào cho phải, từ những người làm khoa học như Bình, như Hiệp, Yến đến giáo viên như Chất, và những lao động phổ thông như ông Kỉnh, Khôi, bà Ngoạt.

Hiệp trong sự kiên định làm trong sạch thế giới, không thỏa hiệp vì cái xấu đã được những người trong Nhà số 5 mà tiên phong phát động là bà Ngoạt liên tục “mở mắt” cho anh, chứng minh những điều anh làm là gàn dở, chẳng giống ai, là chống lại những lợi ích của các thành viên trong ngôi nhà trong đó có cả lợi ích của anh. Ban đầu Hiệp cương quyết bảo lưu quan điểm sống của mình, nhưng rồi chính anh cũng bị lung lay khi những trải nghiệm Hiệp va vấp ngày càng gia tăng, ngày càng mở rộng khiến anh nhận về muôn vàn cay đắng và vỡ mộng. Từ hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, chống lại quan điểm trồng và nhân rộng cây sắn làm nguồn lương thực chính cho người dân đến việc thất bại của dự án làm đậu tương, sản phẩm theo anh là tối ưu hơn để làm lương thực cho đến những đối xử xã hội và sinh hoạt đời thường, giải quyết các vấn đề của bản thân và người thân, như việc để cứu sống mẹ của người yêu, anh đã phải chấp nhận sự giúp đỡ "không trong sạch" từ Khôi để có được lọ thuốc hiếm từ chợ đen. Nhưng ngay cả khi làm được việc ấy từ sự giúp đỡ của Khôi rồi thì anh còn gặp bi kịch lớn hơn khi nhận ra “may mắn người này có được từ sự bất hạnh của kẻ khác”, cơ hội cho người này lại là sự mất đi hi vọng cuối cùng của người kia. Và dù chủ trương sẽ chỉ làm một người tốt, anh cũng không thể không dự phần vào chuỗi quan hệ rắc rối đó. Chính anh đã đối diện với những bất lực từ lựa chọn sống của mình. Như việc mơ căn phòng hết dột để đón người yêu là Mây về sống chung, nhưng với lối cương cường cứng nhắc trong làm việc với phòng nhà cửa thì có đợi đến mùa quýt căn phòng dột vẫn là căn phòng dột.

Tiếp tục kiên định với lí tưởng sống hay buông xuôi? Khi mà càng nỗ lực làm người tốt thì càng va phải những trở lực từ tứ phía, để rồi sững sờ trước sự khẳng quyết của ông Kỉnh: Một xã hội mà khiến cho người tốt bị thiệt thì không cần phải tốt nữa. Hiệp cuối cùng cũng phải cay đắng thừa nhận, “tôi không phải là người tốt, tôi chỉ mơ mộng về những điều tốt đẹp mà thôi”.

111
Lối sống của Hiệp đã đi ngược lại cách hành xử vì quyền lợi của những người trong Nhà số 5,
dẫn đến những tranh đấu, xô xát giữa họ và anh.

Mỗi gia đình, mỗi nhân vật trong Nhà số 5 đều trong tổ kén của mình, bị giằng xé, trói buộc bởi những quẩn quanh của đời sống, nhàm tẻ mà không biết thoát ra bằng cách nào. Ai cũng có một con đường mưu sinh và những lựa chọn được cho là khôn ngoan, nhưng rồi cuộc sống vẫn dẫn tới những bất ổn. Vợ chồng Thủy - Chất nhạt phai tình cảm, nguy cơ tan vỡ vì thiếu những quan tâm chia sẻ. Thủy mơ mộng và mong muốn hướng đến những giá trị tinh thần, trong khi chồng cô thì cả ngày mờ mắt vì đánh máy kiếm thêm trang trải cuộc sống ngoài công việc dạy học. Chất thì nghĩ mình đã hết lòng vì gia đình, vậy mà vẫn không đem lại hạnh phúc cho vợ. Vợ chồng kĩ sư Bình - Yến tưởng như có sự đồng điệu và yên ổn, không phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, có sự nghiệp, nhưng rồi từ những khác nhau về quan điểm sống, quan điểm làm chuyên môn mà từ trong tư tưởng họ dần xa nhau, giữa họ có một hố ngăn cách vô hình trong sự bình ổn giả tạo. Yến mâu thuẫn giữa quan điểm làm khoa học và bổn phận làm vợ, khi người theo đuổi nhận thức khoa học khác cô lại là chồng cô, còn quan điểm làm nghề mà cô đồng cảm lại là của Hiệp, bạn thân của chồng. Bình vướng vào băn khoăn tự vấn, không làm điều gì không phải với vợ mà vẫn không làm vợ vui. Mối quan hệ mẹ - con của bà Ngoạt và Khôi cũng bị đẩy ra xa nhau với những mâu thuẫn lớn. Bình và Hiệp vốn là hai kĩ sư thân thiết, coi nhau như anh em, đến mức mời nhau về ở cùng nhưng rồi mỗi người trôi về một phía chân trời của lựa chọn khoa học và của đời sống. Điều gì đã xảy đến với những cư dân bé nhỏ của Nhà số 5?

Các nhân vật đều từng bước bị thít chặt trong những bi kịch cá nhân, mọi chuyện tưởng như bế tắc, cuối cùng hé mở những hi vọng. Ở cuối vở diễn, Mây trong những vỡ vụn, thất vọng và khó hiểu về Hiệp, người yêu cô, khi được nhà văn Cẩm Nguyên khai mở trong sự hiểu lầm của những cư dân Nhà số 5 đã nhận ra những giá trị của người yêu, nhận ra căn nguyên lối hành xử khó hiểu của Hiệp để cùng anh đi tiếp trên con đường kiến tạo những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Những cư dân Nhà số 5 cũng ngộ ra những hành xử của mình để có nhìn nhận công bằng hơn. Mỗi cá nhân đều có những phản tỉnh của riêng mình. Yến đã thốt lên với chồng: Chúng ta vẫn nghĩ mình là người tốt, nhưng liệu chúng ta có thật sự tốt không? Còn Bình thì như mới ngộ ra: Mọi chuyện hỏng từ đâu, tại sao chúng ta lại ra nông nỗi này?

111
Trong khi Hiệp đổ vỡ và thất vọng về mọi thứ thì mọi người xung quanh anh dần nhận ra,
cần có sự thay đổi gì đó cho cuộc sống của mọi người và của chính họ.

Họ đều có chung một khao khát về những cái tốt sẽ mang lại quyền lợi và niềm tin cho tất thảy mọi người. Họ cũng nhận ra mọi thứ đâu thể thay đổi chỉ vì sự ra đi của Hiệp khỏi Nhà số 5: “Anh ấy đi hay ở thì có khác gì nếu mọi sự không thay đổi”, như Yến cảm thán. Cùng khát khao, cùng có nhu cầu về một cuộc sống tốt đẹp hơn, có chỗ cho tất cả mọi người là điều tất cả đều hướng đến. Những nhân vật phát ngôn khác như bác sĩ Trinh cũng góp phần mang lại những suy tư xã hội. “Cứ tưởng nỗi đau tinh thần là ghê, nhưng nỗi đau thể xác còn đau đớn hơn nhiều”. Nhưng đau đến mức chỉ có cái chết mới giải thoát được thì cũng đừng tưởng muốn chết mà dễ. Không thể tiêm một mũi mà ra đi cho nhẹ nhàng. Vì nền tảng tinh thần của ngành y là hi vọng. Xã hội cũng vậy, dù còn nhiều vấn đề phải đối mặt, phải mổ xẻ, giải quyết cả ở phương diện cả nhân và những giải pháp ở tầm vĩ mô, nhưng cần hi vọng về những điều tốt đẹp.

Những vấn đề thời sự của bốn mươi năm trước có thể đã trôi qua, nhưng những suy tư trăn trở của tác giả thông qua các nhân vật, làm sao để làm người tốt, làm người tốt như thế nào, băn khoăn về một cách sống cân bằng giữa “tôi” và “chúng ta” vẫn là những vấn đề không bao giờ cũ. Bởi vậy, những thông điệp từ quá khứ ấy vẫn cần thiết cho hiện tại.

Một số hình ảnh vở diễn "Người tốt Nhà số 5":

111

Bình và Hiệp là hai kĩ sư, cũng là hai người bạn thân, nhưng rồi do nhận thức nghề nghiệp và
con đường khác nhau họ theo đuổi đã khiến đôi bạn dần xa nhau.
111
Cũng từ những khác biệt trong lựa chọn sự nghiệp, Bình muốn yên ổn và theo đuổi làm khoa học phục vụ chính trị mà giữa anh và
Yến, người vợ, người đồng nghiệp dần xa cách. 
111
NSND Việt Thắng trong vai ông Kỉnh, người thu hẹp bản thân trước mọi sự phức tạp của xã hội bằng cách không thèm lấy vợ.
111
Dù có tình yêu, sự khích lệ động viên của Mây (Thu Thuận) nhưng Hiệp vẫn cứu vãn được sự đổ vỡ 
khi anh nhận ra sự không đơn giản của cuộc đời lớn ngoài ô cửa.
111
Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam sau đêm diễn.

Theo VNQĐ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây