2.
Cũng như dân tộc, đất nước chúng ta, Truyện Kiều của Nguyễn Du trong quan hệ với Mỹ, từ “cựu thù” đã trở thành người bạn. Trong những năm chống Mỹ, Truyện Kiều cùng cả dân tộc ta ra trận. Không ngẫu nhiên, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Tiên Điền, Chế Lan Viên xúc động viết Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ và Tố Hữu, trong phần kết bài thơ Kính gửi Cụ Nguyễn Du, đã viết: “Sông Lam nước chảy bên đồi/ Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân…”. Còn phía Mỹ? Theo Phan Tử Phùng, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, chủ biên tập Truyện Kiều khảo – chú - bình, năm 1968 sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, nhân sự kiện lính Mỹ tìm thấy một cuốn Truyện Kiều cũ kỹ và xơ xác trong hành trang ra trận, ở túi áo một chiến sỹ trẻ của ta vừa ngã xuống, tạp chí The Washingtonian số 4 có đăng bài viết về Truyện Kiều dài 2 trang với dòng tít hấp dẫn Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được tiết lộ tinh thần của địch. Trong bài viết có minh họa Tổng thống Johnson với lời chú thích: Giá như Tổng thống Johnson đã đọc Truyện Kiều thì chắc chắn đã không phải lâm vào tình trạng rắc rối như ngày nay”. Cũng theo tác giả, “từ năm 1973 ở Mỹ Truyện Kiều cũng bắt đầu được đưa vào chương trình giảng dạy của một số trường đại học (…) Dạy Truyện Kiều ở Đại học De Anza bang California, giáo sư John Swensson (thời chiến tranh là đại tá đóng quân ở Củ Chi năm 1966, ở Sài Gòn năm 1968, 1969) nói “Muốn tìm hiểu con người Việt Nam thì hãy tìm hiểu Truyện Kiều…”.
Trở lại vấn đề Truyện Kiều trong diễn văn của các Tổng thống Mỹ, đến nay những người đứng đầu nước Mỹ đã ba lần sử dụng tác phẩm vĩ đại này trong những bối cảnh trân trọng đặc biệt. Lần thứ nhất, trong diễn văn đáp từ của Tổng thống Bill Clinton tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tối ngày 17 tháng 11 năm 2000. Lần thứ hai, trong diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden, thay mặt Tổng thống Barack Obama chủ trì, tại buổi tiệc trưa ngày 7 tháng 7 năm 2015 chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam tại Nhà Trắng. Và, lần thứ ba, Tổng thống Barack Obama trích dẫn Truyện Kiều trong bài phát biểu trước 2000 người Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 25 tháng 5 năm 2016.
Các bài diễn văn nói trên thể hiện sự am tường lịch sử, văn hóa Việt Nam và sự chuẩn bị công phu, tinh tế của những người đứng đầu nước Mỹ, vai trò quan trọng của đội ngũ cố vấn, chuyên gia và cả những người phiên dịch Việt Nam. Họ đã vận dụng, đưa văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn chương Việt Nam, vào ngoại giao, chính trị. Những diện mạo văn hóa tiêu biểu nhất của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực Chính trị, Quân sự, Tôn giáo, Ngoại giao, Khoa học, Văn học nghệ thuật như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, cây lúa, tà áo dài, các phố cổ Hà Nội, các món ăn truyền thống,v.v… đều được ngợi ca, trích dẫn rất đích đáng. Riêng với Truyện Kiều, họ đã hiểu vai trò, vị trí, ý nghĩa thẳm sâu của tác phẩm này trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Họ đã đọc những câu Kiều trong bản dịch Truyện Kiều – The Tale of Kiều của học giả Huỳnh Sanh Thông, Đại học Yale xuất bản năm 1983, bản dịch với nhiều giải thích chi tiết các điển tích, mặc dù chưa lột tả hết được các lớp nghĩa của tác phẩm nhưng nhìn chung đã được các học giả quốc tế đánh giá cao, chuyển tải khá đầy đủ ý tình của đại thi hào Nguyễn Du và năm 1987 đã được trao tặng giải MacArtthur Prize - giải thưởng cao quý nhất về khảo cứu, biên khảo của Mỹ. Các Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ cũng đều “Lẩy Kiều” ở phần kết của diễn văn, phần quan trọng nhất, gói lại những điều đã nói và mở ra những điều muốn nói. Họ đã thể hiện cái nhìn sâu sắc tới tận bản chất của những câu thơ Kiều và của bối cảnh để tìm ra những góc cạnh, ý nghĩa liên tưởng có thể vận dụng thơ Kiều, để “Lẩy Kiều câu nào cũng hay, cũng trúng và giàu cảm xúc, ý nghĩa” (Nguyễn Minh Thuyết, Câu Kiều tặng Tổng thống Obama, http://giaoduc.net.vn/). Một vị Tổng thống (hoặc Phó Tổng thống Mỹ) lẩy Kiều “cho thấy rõ một thực tế: Truyện Kiều đã được thế giới mặc định là tác phẩm tiêu biểu tại Việt Nam, gắn với văn hóa Việt Nam” (Cúc Đường, Khi người Mỹ lẩy Kiều, http://thethaovanhoa.vn).
3.
Chuyến thăm Việt Nam năm 2000 của vị Tổng thống thứ 42 của Mỹ, Williiam. J. Clinton theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nước Mỹ tới nước ta. Cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia đã lùi xa 25 năm. Chiến tranh lạnh cũng đã kết thúc. Đã 5 năm, hai nước bình thường hóa quan hệ. Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình gia nhập WTO. Trong diễn văn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Bill Clinton đã thông tin những sự kiện văn hóa, kinh tế thú vị: “Hai thế kỷ trước đây, trong thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ, chúng tôi đã vượt đại dương tìm đối tác thương mại, và một trong những quốc gia đầu tiên mà chúng tôi gặp được là Việt Nam...”. Tại buổi chiêu đãi do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì, trước nghĩa cử, chính kiến nhất quán của Việt Nam với các nước trên thế giới và nước Mỹ, Tổng thống Bill Clinton khẳng định niềm tin, niềm vui, mong muốn của Hoa Kỳ: “Khi chúng ta mở rộng cánh cửa, chúng ta không chỉ tiếp nhận những tư tưởng mới. Chúng ta còn giới thiệu được với bên ngoài tài năng và tính sáng tạo cùng tiềm năng của dân tộc. Chỉ sau một ngày ở thăm đất nước các bạn, tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ không có gì có thể ngăn cản người dân Việt Nam giành lấy cơ hội nhận biết tiềm năng tràn đầy của mình. Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác”. Và Bill Clinton đã “Lẩy Kiều”:
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
“Just as the lotus wilts, the mums bloom forth,
Time softens grief, and the winter turns to spring”.
Đây là câu thơ số 1795 và 1796 của Truyện Kiều, ý nói một năm đã trôi qua bằng cách miêu tả sự chuyển động của thời gian, của thiên nhiên, đất trời với những hình ảnh, đặc điểm nổi bật nhất của bốn mùa. Bill Clinton đã “lẩy”, “vận”câu thơ vào quan hệ bang giao Việt - Mỹ, và chính ông giải mã ý nghĩa muốn nói từ hai câu thơ, khẳng định và hy vọng về sự phát triển của quan hệ giữa hai nước: “Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau, chúng ta hãy tận hưởng mùa xuân mới này” (14)
Trong cách “Lẩy Kiều” của Bill Clinton, ý nghĩa của câu thơ Kiều đã có khác. Không chỉ là sự miêu tả bước đi của thời gian một năm, mà chủ yếu là sự vận động của thời gian, vũ trụ, của sự chuyển mùa theo hướng tốt đẹp hơn. Chuyến thăm của Bill Clinton, như chính ý nghĩa ông muốn nói từ câu Kiều, đánh dấu khởi đầu mới trong quan hệ Việt- Mỹ: thời cuộc đã thay đổi, chiến tranh đã đi qua, những chương buồn trong quan hệ giữa hai nước cũng đã qua, trước vận hội mới đang đến, hai quốc gia cùng hướng tới, cùng xây dựng và cùng tận hưởng một tương lai tươi sáng. Một sự chia sẻ, cam kết gắn bó, thân tình, dù rằng trong mong ước nhiều hơn là hiện thực.
“Trích dẫn hai câu Kiều này, hẳn Bill Clinton cũng không ngờ: 13 năm sau, phát biểu của ông đã trở thành một phần trong hồ sơ đề nghị vinh danh Nguyễn Du, được Việt Nam gửi lên UNESCO… Ban soạn thảo hồ sơ dẫn lại lần “lẩy Kiều” của nguyên Tổng thống Mỹ như một minh chứng tiêu biểu cho tầm ảnh hưởng Đông Tây của tác phẩm này”.
5.
Chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Barack Obama cũng rất đặc biệt. Đặc biệt từ mục tiêu: “Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Mối quan hệ lâu dài của hai đất nước chúng ta, bắt đầu từ Thomas Jefferson từ hơn hai thế kỷ trước, bây giờ bắt đầu một chu kỳ mới”. Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước hơn hai nghìn người, Barak Obama với sự gần gũi, thân thiện của mình, đã trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam, nhiều lần khẳng định chủ quyền độc lập và sức mạnh, vẻ đẹp bền bỉ, sâu sắc, tinh tế của văn hóa Việt Nam - cơ sở nền tảng vững chắc của chủ quyền độc lập ấy. Bài phát biểu dài 30 phút và 30 lần Barak Obama nhắc đến hoặc viện dẫn văn hóa Việt Nam. Từ các địa danh văn hóa: Đông Sơn, sông Hồng, phố cổ Hà Nội, cố đô Huế, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long đến các sản vật như lúa gạo, trống đồng, các món ăn nổi tiếng. Từ những anh hùng, danh nhân, nhân vật lịch sử: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đến các nhà thơ, nhà văn, họa sỹ, nhà khoa học và tác phẩm của họ như bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, triết học Phan Châu Trinh, ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn, Toán của Giáo sư Ngô Bảo Châu… Riêng với Nguyễn Du, Tổng thống Obama nhắc tới hai lần trong bài phát biểu này. Lần thứ nhất, Barak Obama thông tin: thơ Nguyễn Du được các trường đại học Mỹ tập trung nghiên cứu. Lần thứ hai, từ cảm hứng về thực tại và viễn cảnh quan hệ của hai nước, “cả hai bên đều mong muốn thay đổi”,“có nhiều người Mỹ và Việt học tập cùng nhau, làm việc cùng nhau, sát cánh với nhau”, ông đã “lẩy” thơ Kiều:
Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi.
(Henceforth I’m bound to you for life, he said
Call these small gifts a token of my love)
Câu thơ 355 và 356 của Truyện Kiều, đoạn Kim – Kiều gặp gỡ, đoạn đẹp nhất, trong sáng nhất, nên thơ nhất của Thúy Kiều và Kim Trọng! Đã qua những thời khắc “giữ ý rụt rè”, “Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay”. Đã qua những suy tư: “Thiệt đây mà có ích gì đến ai”. Để rồi “Trăm năm cũng từ đây” vừa là ghi trước trời đất thời khắc gắn bó này, vừa là duyên trời định đôi lứa gắn bó trọn đời từ đây. “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Kỷ vật nhỏ nhưng nguyện thề trong đó rất lớn, rất thiêng liêng!
6.
Truyện Kiều của Nguyễn Du từ một tác phẩm nghệ thuật đã bước vào vũ đài chính trị, “từ một bình diện cá nhân đã thành bình diện dân tộc trên mọi phương diện” (Lê Đình Tuấn, Khi Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ lẩy Kiều, http://www.nhandan.com.vn). Những câu thơ Kiều trong diễn văn của những người đứng đầu nước Mỹ tuy chưa phải là những câu thơ hay nhất của Truyện Kiều nhưng đã được các Tổng thống Mỹ sử dụng phụ hợp, sinh động, đắc địa trong các bối cảnh ngoại giao cụ thể của hai quốc gia ở các thời điểm khác nhau, “giống như viên ngọc lớn trên đỉnh vương miện” (Obama lẩy Kiều và bật mí bất ngờ của phiên dịch viên người Việt, https://tintuc.vn).
Truyện Kiều trong diễn văn của các Tổng thống Mỹ một lần nữa chứng tỏ sức mạnh, sự sâu sắc, tinh tế khi “chính trị ở trong văn hóa” và “văn hóa ở trong chính trị”! Từ đây, càng thấy rõ hơn vai trò của văn hóa, văn học trong ngoại giao, chính trị. Thực tế này, cha ông ta đã để lại rất nhiều kinh nghiệm cho hậu thế. Nổi tiếng nhất là những bài thơ đi sứ ở chốn quan phương, cung đình của các sứ thần Việt Nam, những người một lúc vừa là nhà chính trị, vừa là nhà ngoại giao, vừa là nhà thơ. Họ đã dùng thơ làm phương tiện môi giới, ngoại giao, đối thoại chính trị. Chẳng hạn, thời nhà Trần là thơ đi sứ của Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, v.v… với sứ tiết đấu tranh mềm dẻo, khôn khéo với “thiên triều”, tự hào về quốc thể, giữ vững quyền tự chủ, xác lập quan hệ bình đẳng giữa hai nước. Thơ đi sứ thời Lê - Tây Sơn của Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích, v.v… mang hơi thở hào hùng của thời đại Tây Sơn, thể hiện rõ lòng tự hào và thiện chí hòa bình của dân tộc. Thơ đi sứ thời kỳ đầu nhà Nguyễn của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Huy Chú dào dạt tấm lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khẳng khái ngẩng cao đầu trước trách nhiệm “sứ sự”được giao.
Ở thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực của thông tuệ sử dụng văn hóa, văn học vào công việc ngoại giao. Người không câu nệ “đối đẳng chức vụ”, luôn chủ động, sâu sắc, tự nhiên, tinh tế và hay dùng văn hóa, thơ ca gửi gắm ý tình. Năm 1960, tiếp Tổng thống Guinea Sekou Toure, Bác đã “lẩy Kiều”: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Khi sang Trung Quốc, Người thường làm thơ, viết đại tự trước mặt người Trung Quốc, khiến bạn càng nể phục và càng nhiều thiện cảm.
Nhắc lại truyền thống ấy của dân tộc để thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao, văn hóa, văn học và các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa trong việc tư vấn, chuẩn bị cho chuyến thăm các quốc gia và tiếp khách quốc tế của những người đứng đầu nhà nước. Nên chăng, cần khẩn trương có một chiến lược đưa văn hóa, văn học vào ngoại giao. Văn hóa, văn học luôn luôn là “sức mạnh mềm”, chiếc cầu kỳ diệu để đối thoại, và quan trọng hơn là để nối con người, nối các dân tộc với nhau. Xưa đã thế, và nay cũng thế, thậm chí càng hơn thế.
Tác giả: Bùi Mạnh Nhị
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên