Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm năm nay 77 tuổi, đang hưởng thú thong dong hưu trí tại quê nhà Huế. Thế nhưng, một thống kê từ các giám khảo đang chấm thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2020 cho biết: khi phân tích đoạn trích “Đất nước” từ trường ca “Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, rất nhiều bài văn của học sinh kết thúc bằng câu “tuy nhà thơ đã đi xa, nhưng những vần thơ của ông còn sống mãi với đất nước”!
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không những chưa “đi xa” mà ông còn đang miệt mài sáng tác, để bù lại thời gian cống hiến trên quan trường. Từ năm 1996 đến năm 2006, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin rồi Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là con trai của nhà văn hóa cách mạng Hải Triều (1901-1954). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và trở lại chiến trường Trị Thiên, thì Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu cầm bút. Khởi động muộn, nhưng với hai tác phẩm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” và “Mặt đường khát vọng” thì Nguyễn Khoa Điềm đã định vị danh phận một nhà thơ ở tuổi 30.
Sau năm 1975, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chỉ có mỗi tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” vì ông dành toàn bộ tâm sức cho hoạt động chính trị. Khi rời quan trường, ông mới quay lại với thi ca bằng tập thơ “Cõi lặng” nhiều suy tư: “Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình/ Với nỗi buồn trong sạch/ Cõi lặng. Không tiếng động nào khác/ Tiếng đập trái tim anh/ Người ơi, tôi yêu người tha thiết/ Tôi sống với người, chết vì người/ Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác/ Đến những miền trong xanh”.
Thơ Nguyễn Khoa Điềm có ưu điểm ở sự nghĩ ngợi. Lúc trẻ, ông khác biệt với đồng nghiệp cùng trang lứa, nhờ sự nghĩ ngợi. Lúc già, ông càng khác biệt với đồng nghiệp cùng trang lứa, nhờ sự nghĩ ngợi. Mời độc giả thưởng thức những vần điệu thao thức của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về đất nước những năm gần đây, để so sánh với đoạn trích “Đất Nước” vừa đưa vào đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2020.
Lê Thiếu Nhơn (chọn và giới thiệu)
BÂY GIỜ LÀ LÚC…
Bây giờ là lúc
có thể chia tay điện thoại để bàn, cạc vidit, nắm đấm micrô
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình
Anh gọi đó là chuyến về không hạn định
Để là một người trong mọi người
Anh tham dự trận tấn công cuối cùng
Vào cái chết.
Hãy lộn ngược da anh
Và ghi lên đó mật khẩu:
- Không lùi bước!
2-5-2006
NGHE TIN HAI NHÀ KHOA HỌC BỊ TAI NẠN XE MÁY
Đúng rồi, đây là thời không ai muốn chậm chân
Nhà khoa học chậm chân thì cũng lãnh đủ
Sự hung bạo?
Không thể nói khác, chính là sự hung bạo!
Nó lừng lững đi ra từ tiền sử
Trải qua chiến tranh
Và bây giờ nhập cuộc hiện đại
Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học
Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố
Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh
Lạng lách thời thượng và sành điệu
Tôi thương xót những nhà khoa học không đủ sức chống lại ngọn roi hung bạo
Tôi thương xót nhiều hơn cho chính nước tôi.
13-12-2006
ĐẤT NƯỚC NHỮNG NĂM THÁNG THẬT BUỒN
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …
22.4.2013
Nguyễn Khoa Điềm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên