Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Nhà văn phải đi vào đời sống, đi vào bộ đội để "hiểu đời và hiểu người"

Thứ bảy - 15/08/2020 22:28
Anh em nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội thường gọi ông một cách thân mật và gần gũi là “Bác Phiêu”. Theo ông, nhà văn phải đi vào đời sống, đi vào bộ đội để “hiểu đời và hiểu người”, để tác phẩm của mình hòa nhịp với những nguyện vọng sâu xa cháy bỏng của nhân dân và “để nâng mình lên ngang tầm với những gì mà Tổ quốc, sự nghiệp cách mạng và con người hôm nay đang đòi hỏi”.
111
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với anh em báo chí, văn nghệ của Quân đội. Ảnh: Tư liệu VNQĐ
Ông vốn là một thủ trưởng rất gần với bộ đội nói chung và các nhà văn Quân đội nói riêng, kể cả khi còn là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 ở chiến trường Trị -Thiên những năm chiến tranh chống Mĩ ác liệt, rồi đến những năm sau, khi ông đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị, Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Mặt trận 719) cũng vậy. Đặc biệt là sau này, khi có điều kiện và cả những duyên nợ nhất định, mà ông đã gần gũi hơn với các nhà văn của Văn nghệ Quân đội. Bởi thế mà các thế hệ nhà văn Nhà số 4 thường gọi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với cái tên thân mật và giản dị: Bác Phiêu.

Những nhà văn từng có mặt ở các chiến trường này như Hồ Phương, Hữu Mai, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh…(mặt trận Trị - Thiên); Nguyễn Chí Trung, Mai Ngữ, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Lựu, Thu Bồn, Nguyễn Quốc Trung, Sương Nguyệt Minh, Bùi Thanh Minh…(chiến trường K) ở “Nhà số 4” đều nói vậy. Từ cuối năm 1988, sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, ông được thăng hàm Trung tướng và được điều về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 9 năm 1991) và chuyển về ở “phố nhà binh” ( Lý Nam Đế ) thì ông càng có thêm điệu kiện để gần với anh em nhà văn - chiến sĩ hơn.

Tôi nhớ năm 1989 trong một lần trực ban Tạp chí, đã hết giờ làm việc, thấy ông đi bộ từ phía bốt gác cửa Đông đến và rẽ vào cổng tòa soạn…Tôi lo thủ trưởng Tổng cục đến có việc gì vội vàng gọi điện báo cáo Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, lúc này đang ở nhà riêng. Anh Huân bảo, chả có việc gì gấp với Tạp chí đâu, chắc bác ấy sang làm việc với anh Trung (nhà văn Nguyễn Chí Trung) về chuyện gì đó bên Campuchia thôi… Sau lần ấy, tôi thấy việc ông thường lui tới “Nhà số 4” ngoài giờ làm việc đã trở nên quen thuộc, có khi chỉ là để hỏi han tâm sự với anh em về tình hình báo chí, văn chương và đời sống của anh em cầm bút. Ông đặc biệt quan tâm đến tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội của chúng tôi. Hồi đó, ngoài tạp chí truyền thống chúng tôi còn có thêm một tờ báo (gọi là Phụ san Văn nghệ Quân đội) cũng có khá đông bạn đọc. Ông bảo, ông thích đọc tờ này vì nó có chất báo, hợp với tuổi trẻ, đến với người đọc nhanh, kịp thời. Ông cũng chỉ đạo Tạp chí phải tích cực phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội tuyên truyền cho cuộc thi “Thanh niên với cách mạng” bằng cách in nhiều bài về truyền thống cách mạng, về các tấm gương tốt của lớp trẻ. Ông còn trực tiếp viết bài, sau đó tham dự cũng như trực tiếp trao giải cao nhất trong lễ tổng kết cuộc thi.

Sau khi đảm nhận cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông vẫn luôn dành thời gian đến với anh em văn nghệ, qua lại Nhà số 4 như một địa chỉ tin cậy, thăm hỏi chuyện nghề, chuyện đời của các anh em nhà văn - chiến sĩ. Tết nào, ông cũng ra thăm nhà văn Nguyễn Chí Trung, lúc này đã làm trợ lí Tổng Bí thư nhưng vẫn thuộc biên chế của Văn nghệ Quân đội, người sống độc thân trong trụ sở Tạp chí, như một đồng đội thuở nào trên chiến trường Campuchia khốc liệt. Ông cũng không quên nhắc nhở anh em về tôn chỉ nhiệm vụ của Tạp chí. Tôi nhớ một lần ra thăm Tạp chí Văn nghệ Quân đội ông ân cần căn dặn, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng phải quan tâm nhiều hơn nữa về văn hóa dân tộc, đặc biệt là sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; những người làm văn học nghệ thuật phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ.

Lại nhớ Tết năm 1999, xuân Kỷ Mão, sắp sang thiên niên kỉ mới, ông đã có mấy lời trên tờ Văn nghệ Quân đội số Tết: “…Chúc các nhà văn, các nghệ sĩ có những tác phẩm hay viết cho đêm giao thừa thế kỉ. Một thế kỉ vĩ đại sắp đi qua. Một thế kỉ mới sắp bắt đầu”. Năm 2001, ông viết những dòng ghi nhận và động viên thật chân tình: “Văn nghệ Quân đội đã để lại những trang viết có giá trị nghệ thuật, ghi dấu một thời kì rực rỡ nhất của đất nước, của Quân đội và trường tồn với dân tộc”.

Tuy vậy, ông cũng yêu cầu văn nghệ sĩ phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh tháng 11 năm 2014, ông nói, trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ, những người sáng tạo nên tác phẩm, là hiển nhiên và cũng rất nặng nề. Theo ông, nhà văn phải đi vào đời sống, đi vào bộ đội để “hiểu đời và hiểu người”, để tác phẩm của mình hòa nhịp với những nguyện vọng sâu xa cháy bỏng của nhân dân và “để nâng mình lên ngang tầm với những gì mà Tổ quốc, sự nghiệp cách mạng và con người hôm nay đang đòi hỏi”.

Anh em nhà văn - chiến sĩ Nhà số 4 chúng tôi vẫn bảo nhau, chúng ta thật may mắn có một vị tướng, một người chỉ huy, một người bạn lớn như "Bác Phiêu".
Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây