Vừa ra mắt cuốn sách Nghiêng trong bóng chiều (NXB Quân đội nhân dân), một tập hợp những chân dung - tiểu luận văn nghệ mà nhân vật trong đó hầu hết đều đã qua đời, nhà văn Ngô Thảo (ảnh nhỏ) lại bắt tay sửa soạn cho những dự án tiếp theo của mình ngay trong năm nay để chào đón tuổi 80. Ông trước sau vẫn nhất quán: Nặng lòng với quá khứ, luôn đau đáu cùng những số phận phải gánh chịu nhiều bất công, thiệt thòi… trong đường văn, đường đời…
Chúng ta đang hiểu sai về hiện thực và phản ánh hiện thực
- Nghiêng trong bóng chiều vừa ra mắt, nghe nói ông đã lại rục rịch cho sự chào đời của cuốn sách mới về các nhà văn quân đội?
- À, đấy là cuốn 4 nhà văn nhà số 4 về Thu Bồn, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu… Họ là bốn trụ cột trong lực lượng các nhà văn quân đội, những người đi trong đội hình nghiêm ngắn nhưng biết phá hàng rào, thỉnh thoảng ra khỏi hàng rào mà vẫn không lạc đội ngũ. Tôi cũng sẽ tiếp tục xuất bản cuốn Lặng lẽ đời văn cũng vào năm nay về những nhà văn có đóng góp nhất định nhưng chưa được nhìn nhận đúng vị thế của họ như Văn Lê, Trang Thế Hy - người tự nhận là cây kiểng còi của vườn văn Nam Bộ nhưng ông không còi tí nào, ông là một giọng văn Nam Bộ đặc sắc…, hay Nguyễn Hồ từng viết lời kêu gọi Đồng Khởi cho nữ tướng Nguyễn Thị Định… Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thế kỷ 20 là một thế kỷ đặc biệt: Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, trải qua nhiều năm tháng chiến tranh dữ dội nhưng vẫn phát triển nhanh. Lực lượng văn nghệ sĩ của chúng ta nhiều và tham gia tích cực vào công cuộc chuyển mình vĩ đại ấy.
- Thế kỷ 20 đã lùi lại phía sau cũng hai thập niên rồi. Chiến tranh cũng chỉ là một vùng của ký ức trong hiện tại đời sống vẫn còn quá nhiều biến động. Văn nghệ sĩ mãi nặng lòng với quá khứ chiến tranh thì liệu có sao lãng bổn phận của mình với công chúng đương thời?
- Thực tại hòa bình hôm nay chúng ta có được đã phải đánh đổi bằng một cái giá rất lớn, bằng máu xương mất mát của hàng triệu người, hàng triệu số phận. Chúng ta có một quá khứ huy hoàng. Ai cũng bảo đất nước mà không có quá khứ là khủng khiếp lắm, nó sẽ trở thành một đất nước vô đạo. Ngày xưa các nhà văn gửi tác phẩm từ chiến trường miền nam ra bắc, tạo nên sức công phá lớn, động viên khích lệ hiệu triệu người dân. Vì thế, văn học - nghệ thuật trong thời chiến tạo ra khí thế, đem lại giá trị lớn, làm nên sự thống nhất, chung tay tạo ra một đất nước có hào khí. Tôi viết lại chân dung các nhà văn đã mất, các tác phẩm của họ có thể chưa phải là hoàn chỉnh, ngày hôm nay chúng ta có thể không đọc nữa, nhưng thời điểm ấy, với hiện thực ngày ấy, các tác phẩm ấy đã có tác dụng không thể phủ nhận. Đấy là điều mà văn học - nghệ thuật ngày hôm nay chưa làm được, chưa làm cho con người hôm nay yêu cuộc sống hôm nay hơn, yêu đất nước hơn, có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân hơn, thậm chí lại đang phản tác dụng.
- Tức là theo ông, văn học - nghệ thuật trong thời hậu chiến đã không hoàn thành vai trò, trọng trách của mình?
- Có điều này tôi từng nói nhiều và cũng nhiều người đề cập tới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hình ảnh người lính đánh thuê Hàn Quốc hiện lên rất xấu xí. Nhưng từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc xuất hiện đồng loạt ở Việt Nam, tiếp cận nhanh chóng sâu rộng tới giới trẻ. Từ phim ảnh, ca nhạc, thời trang đến các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, điện thoại…, rất được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng. Cùng với văn hóa, hàng hóa…, thiện cảm của người dân Việt Nam với đất nước Hàn Quốc tăng lên rõ rệt. Không gì phản ánh sức mạnh chinh phục của văn hóa đầy đủ hơn qua câu chuyện làn sóng Hàn Quốc. Họ làm được điều đó vì hiện thực và văn hóa là hai khoảng cách xa vời. Có giai thoại vui là một cô gái trẻ du lịch Hàn Quốc hết lần này đến lần khác để tìm kiếm một chàng trai đẹp như trên phim truyền hình. Đi mãi cuối cùng ngộ ra tìm được người đẹp trai ở ngoài đời đã khó huống hồ còn đòi tử tế như trên phim. Những hình tượng đẹp ấy khó thấy trong đời thực, nhưng vẫn khiến người ta yêu mến mơ tưởng, duy trì cảm xúc lãng mạn. Trong khi ở mình,những diễn viên đẹp giai, xinh gái nhất của điện ảnh, truyền hình toàn đóng vai lừa đảo bịp bợm, cave nanh nọc…
- Nhưng nếu cứ xa rời, tô hồng hiện thực thì sẽ lại tiếp tục xuất hiện những tác phẩm không nói được tiếng nói của nhân dân, không đồng hành được cùng nhân dân?
- Chúng ta đang hiểu sai về hiện thực và phản ánh hiện thực. Chúng ta đơn giản nghĩ rằng như thế là đáp ứng nhu cầu thị hiếu của công chúng, nhưng không hẳn, đấy chỉ là sao chép hiện thực một cách thô vụng, máy móc. Chúng ta không có ý thức xây dựng thần tượng, không biến các nhân vật của văn học - nghệ thuật thành một biểu tượng lãng mạn, động viên thúc đẩy con người hướng thiện. Văn học - nghệ thuật, báo chí, truyền hình mô tả cái xấu nhiều quá, phản ánh cái xấu nhiều quá sẽ khiến con người quen với cái xấu, coi nó là bình thường. Trong chiến tranh những tác phẩm viết về người tốt nhiều hơn, thì phải nhớ rằng chính những tác phẩm ấy đã gìn giữ cho đường biên giữa cái tốt và cái xấu, giữ cho con người sự hướng thiện, con người quen tiếp xúc với những điều thiện, điều tốt sẽ khó vượt qua ranh giới, khó đi qua đường biên của cái xấu. Không coi việc xấu là việc bất thường, phim ảnh, văn chương tạo ra môi trường xấu như một điều bình thường sẽ rất nguy hiểm đến nhận thức của con người hôm nay.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
- Vậy thực trạng có phần chưa như kỳ vọng này do đâu, thưa ông?
- Văn học - nghệ thuật hiện nay đã bỏ quên yêu cầu là nâng đỡ tinh thần cho cả một thế hệ thanh niên như trong thời chiến tranh, mà ngược lại, đang bình thường hóa tội ác, bình thường hóa mặt xấu từ ngôn ngữ hình ảnh của nhân vật và tưởng đấy là bản sắc đời sống. Điều đó không đúng. Trong cuộc sống điều tốt vẫn phải nhiều hơn, người tốt, người đẹp vẫn rất nhiều, có như thế xã hội mới phát triển, vận động được. Như trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đất nước ta đã chung tay rất hiệu quả, người dân đồng lòng ủng hộ Chính phủ, bao câu chuyện nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ đồng bào khó khăn, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu hay tinh thần chiến đấu với dịch bệnh của nhân viên y tế quá đẹp, quá lý tưởng ngay trong thực tế. Vậy tại sao đi vào tác phẩm lại cứ phải là cái xấu, cái tiêu cực? Theo tôi nguyên nhân trước hết do chúng ta đang có tư duy văn nghệ một cách thực dụng, tầm nhìn văn hóa thiển cận, chưa hình dung ra đường hướng của văn nghệ. Bác Hồ đã nói: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhưng giờ hình như chúng ta chỉ đang khát vọng xây dựng một đất nước giàu mạnh hơn mà sao lãng việc phải có những con người tử tế hơn.
-Có phải ông đang bi quan quá không?
- Tôi không bi quan vì chúng ta đang có một lớp trẻ ý thức hơn về bản sắc dân tộc, bản sắc cá nhân. Lớp trẻ bắt đầu biết, khi hội nhập với thế giới “cái tôi” của mỗi người, mỗi quốc gia càng được tôn trọng. Tôi theo dõi và thấy nhiều người trẻ, có nền tảng giáo dục đã biết giữ lấy gốc văn hóa của đất nước mình. Tạo dựng cho thế hệ trẻ một môi trường văn hóa lành mạnh là cách giáo dục tốt nhất. Bây giờ kinh tế đã khá hơn, dân trí cũng cao lên, đời sống cao lên, chúng ta đã có trọn vẹn một đất nước thống nhất trong tay, có hòa bình, có độc lập, điều mà các thế hệ trước phải tranh đấu cả đời để giành lại cho chúng ta. Con người hôm nay cũng tư thế hơn, đầu óc mở mang hơn, nỗi lo cơm ăn áo mặc cho số đông người dân của đất nước cũng qua rồi, thì xây dựng văn hóa, tạo dựng một nền móng văn hóa vững chắc để tôn vinh giá trị đất nước chính là trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức… Nếu vị trí của giới văn hóa, trí thức thấp hẳn trong đời sống hôm nay, nhân dân không cần nữa, đội ngũ văn nghệ sĩ không chia sẻ được điều gì giá trị với dân, với nước nữa, văn học - nghệ thuật không tiến kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội thì là lỗi, thì phải tiên trách kỷ, hậu trách nhân chứ…
- Đúng vậy. Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Hương Sen (Thực hiện)
Theo NDCT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên