Tương tự, hàng trăm bạn đọc đã gửi phản hồi về Tuổi Trẻ Online và cho rằng lý giải của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc giá một số bộ sách giáo khoa mới cao hơn sách cũ là chưa chính xác.
Dùng một lần rồi bán ve chai, đâu cần tốt
"Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký nêu rõ một số bộ sách giáo khoa mới có giá cao hơn so với bộ sách giáo khoa theo chương trình cũ do khổ giấy, màu in... chất lượng hơn". Xin thưa bộ trưởng, chúng tôi không cần chất lượng và màu sắc tốt cho một thứ dùng được một lần là bán ve chai", bạn đọc Coc nêu ý kiến.
Ở góc độ thị trường, bạn đọc Dương Văn Tuấn cũng đưa ra phân tích: Thưa bộ trưởng, cách giải thích này là không ổn. Bởi nhà xuất bản đã mua giấy cao hơn giá thị trường 70%. Nếu cắt khoản chênh lệch này thì giá sách giáo khoa sẽ giảm.
Không thể nói khổ giấy, giấy tốt, in đẹp mà nâng giá sách giáo khoa lên. Học sinh học sách đâu cần màu mè. Giấy trắng, mực đen là tốt rồi. Và theo cách lý giải của bộ trưởng: "Sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá". Và đây có phải là nguyên nhân giá sách cao vô tội vạ chăng?
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Đức hỏi thẳng: Sách giáo khoa mới có giấy chất lượng hơn sách cũ, vậy xin cho hỏi các cháu năm sau có dùng lại được sách của các cháu năm trước không hay chỉ học một năm rồi vứt, qua năm sau thì lại đổi sách?
"Sách giáo khoa bây giờ chỉ sử dụng đúng một lần, mắc mớ gì phải giấy tốt mực tốt. Còn việc ông bộ trưởng nói do khổ giấy to hơn nên giá cao hơn, vậy cho hỏi tại sao không tính toán để tiết kiệm cho dân cho nước, mà cứ phải khổ to rồi nói do khổ to nên giá cao. Ông bà xưa đã dạy "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", bạn đọc Nguyễn Linh nhắc nhở.
Xã hội hóa mang lợi cho ai?
"Mục tiêu xã hội hóa của Nhà nước là giảm giá, đằng này xã hội hóa gì mà giá sách giáo khoa tăng và lợi nhuận của công ty tăng đột biến. Vậy xã hội hóa cho dân được hay là cho các công ty hưởng? Cần xem lại mục đích và tiêu chí của xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa này cũng như tất cả các lĩnh vực khác", bạn đọc Bùi Nghĩa đưa ra gợi mở.
Nhắc lại chuyện xưa để thấy lý giải ngày nay của ông Sơn là chưa hợp lý, bạn đọc Đình Thắng viết: Ngày xưa sách giáo khoa làm bằng giấy đen thui, xấu xí nhưng nội dung thì hay và học là nhớ mãi.
Ba chị em tôi học chung một bộ sách giáo khoa, sau đó còn đưa cho mấy đứa em con hàng xóm học mà có hư đâu. Còn bây giờ, giấy tốt, chữ in rất đẹp nhưng cũng chỉ dùng được 9 tháng rồi mang đi bán giấy vụn chứ có dùng lại được đâu.
Bởi nội dung cứ thay đổi liên tục, mỗi trường dùng một loại sách giáo khoa khác nhau. Rất mong Thanh tra Chính phủ quan tâm và thanh tra thêm việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa này.
"Dù báo cáo có hay đến mấy đi nữa thì cái lỗ hổng về việc biên soạn, in ấn, phát hành, định giá sách giáo khoa thời gian qua đã bộc lộ những sai phạm", bạn đọc Đường Văn Lương nêu thêm thực trạng.
Nguồn Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên