Một người Ý về hưu mới bắt đầu cuộc sống mới ở Nha Trang hỏi một anh chàng người Pháp đã sinh sống ở thành phố biển này từ cách đây hai chục năm, nhân một buổi sáng tản mạn cafe tại Ana Marina… mọi người trầm tư ngẫm nghĩ…
Cũng là người sinh sống tại Nha Trang này được vài năm, tôi góp chuyện: Dịch vụ y tế là vấn đề nổi cộm. Ví dụ nhỡn tiền là vụ việc xảy ra gần đây tại thành phố, đúng vào dịp ngày nhà giáo Việt Nam, khi mà hơn 600 trẻ em trường Ischool bị ngộ độc thực phẩm và một cháu bé vừa mới bắt đầu năm học đầu tiên của mình đã không còn cùng với các bạn cắp sách tới trường… Câu chuyện chuyển dần sang đề tài về trường học, về giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học Việt Nam.
Lại nhớ đến câu chuyện nhiều năm trước đây, khi trò chuyện với cha tôi, một thày giáo, một người làm công tác giáo dục, nhân sự kiện ngành giáo dục Việt Nam có ông Nhạ là tân bộ trưởng. Ông Nhạ cũng tầm trang lứa với tôi. Khi ấy tôi kỳ vọng vào ông Nhạ lắm.
Tôi nói với cha; nếu tôi là ông Nhạ tôi sẽ có một chương trình cải cách nội dung của ngành giáo dục nước nhà mang tên 3000 ngày cải cách giáo dục Việt Nam. Sao lại 3000 ngày? Chúng ta có hai cuộc kháng chiến. Chống Pháp và chống Mỹ. Mỗi cuộc kháng chiến cũng tròm trèm 3000 ngày. Vậy có thêm một cuộc kháng chiến chống hủ lậu giáo dục 3000 ngày nữa cũng là xứng đáng.
Và cuộc kháng chiến đó nếu được bắt đầu từ thời ông Nhạ, mà đột phá khẩu bắt đầu từ mặt trận giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học… thì bây giờ đến thời ông bộ trưởng Sơn đã đi được hai phần ba chặng đường và đã có thể thấy đích lấp ló sau vạch 2024…
So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng không thể không nhớ lại thời chúng tôi đi học. Thủa ấy đã làm gì có bán trú. Chúng tôi đi sơ tán, về quê ở với bà con nông dân. Hoà bình rồi… chúng tôi vào học chuyên ngữ và ở nội trú. Thời ấy ăn uống kham khổ, thiếu thốn đủ đường mà sao tâm hồn thấy nhẹ tênh… học đường thời ấy có lẽ là thiên đường của học đường thời nay.
Trên các phương tiện truyền thông đã bắt đầu xuất hiện những bài viết về cháu bé đoản mệnh từ sự việc ở trường Ischool Nha Trang. Nhiều người viết gọi em là Thiên Thần. Em ra đi gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về thực trạng an toàn thực phẩm trong trường học, một phần rất quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam, để hàng triệu các em nhỏ khác đang cắp sách đến trường được hưởng những quyền được đến trường trong bình an.
Hai chữ bình an đấy không chỉ là tri thức, không chỉ là ba lô nặng trĩu trên vai với cơ man sách vở, mà còn là những điều kiện y tế học đường, bảo hiểm học đường, những bữa cơm bán trú, sự quan tâm không chỉ của cha mẹ phụ huynh, mà của toàn xã hội dành cho các em - tương lai của nước nhà.
Đã hơn 2000 ngày kể từ khi ông Nhạ nhậm chức, hơn 1000 ngày kể từ khi ông Sơn… Và sẽ nhiều nghìn ngày nữa… Đến giờ giáo dục Việt Nam vẫn quẩn quanh và càng ngày càng nhiều những vụ việc trầm trọng hơn như vụ việc ở trường Ischool… Mà kể cũng lạ. Chưa thấy bộ Giáo dục lên tiếng gì.
Sau những ngày cả xã hội tri ân thầy cô, là trách nhiệm. Và hơn cả trách nhiệm truyền thụ kiến thức, là trách nhiệm về sự an toàn cho cả thân, tâm, trí của con trẻ
Con trẻ an toàn thì xã hội mới bình an phát triển.
Theo Đặng Bảo Hiếu/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên