Đừng để Hà Nội chỉ còn một điểm ùn tắc là... toàn thành phố

Thứ hai - 05/12/2022 08:38
Trong năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xử lý được 8 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng lại dự báo có thêm 10 điểm ùn tắc thường xuyên mới phát sinh.
111
Đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) - một trong những điểm đen về ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Ảnh: Phạm Đông

Nỗ lực chỉ dẹp được 8 điểm, nhưng cuối cùng lại tăng thêm 2 điểm ùn tắc. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì không biết dẹp đến bao giờ mới hết được nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

Trong lúc đó, ngân sách chi cho giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội thời gian qua lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Tiền đổ ra cũng như muối bỏ bể, chỉ thấy kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn, bức xúc trong người dân ngày càng gay gắt hơn.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 30 điểm ùn tắc vào giờ cao điểm, chủ yếu trong khu vực nội thành. Nhưng vấn đề là ở chỗ, một điểm ùn tắc có phạm vi bao nhiêu mét vuông và từ một điểm ùn tắc đó sẽ gây ra ùn tắc cho bao nhiêu điểm khác. Giao thông là vậy, ùn tắc chỗ này thì chạy qua chỗ khác, gây hỗn loạn giao thông trên diện rộng.

Hà Nội xử lý được 8 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng lại dự báo có thêm 10 điểm ùn tắc thường xuyên mới phát sinh. Như vậy thì không còn 30 điểm kẹt xe mà lên 32 điểm và khả năng sẽ tăng. 

Tăng cho đến khi toàn thành phố chỉ còn một điểm kẹt xe duy nhất, đó là... Hà Nội.

Chuyện này nghe có vẻ sai sai, nhưng hiện thực cho thấy rõ nguy cơ đó. Cũng giống như ngập nước, càng chống ngập cho thành phố thì càng tăng điểm ngập, cho đến lúc ngập toàn thành phố. Đó là câu chuyện ở TPHCM nhưng Hà Nội cũng không khác gì.

Nguyên nhân gây kẹt xe là quá nhiều phương tiện cá nhân tham gia giao thông, mặt đường hiện hữu không đủ sức chứa cùng một lúc hàng vạn phương tiện.

Cách duy nhất để người dân không sử dụng xe riêng là cung cấp dịch vụ giao thông công cộng hiện đại và thuận tiện, nhưng điều này gần như quá xa vời. Bằng chứng là chỉ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng mất 10 năm qua 5 đời bộ trưởng. 

Còn các dự án BRT của Hà Nội sau gần 6 năm vẫn chưa thu hút người dân, chưa giảm được ùn tắc và thúc đẩy giao thông công cộng. Dự án này nói là phá sản e cũng không ngoa.

Còn hệ thống xe buýt, cho dù rất nhiều ý kiến góp ý, cũng không thay đổi được gì từ cái vẻ bên ngoài cũng như chất lượng phục vụ bên trong. Người dân không chọn lựa xe buýt làm phương tiện đi lại là có lý của dân.

Không xây dựng và tổ chức được hệ thống phương tiện giao thông công cộng thì ngày Hà Nội chỉ có một điểm kẹt xe là không xa.


Theo Lê Thanh Phong/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây