Nhà văn Nguyễn Khải: Bớt tham thì sẽ tốt lên thôi

Thứ sáu - 02/12/2022 16:37
“Theo mình nghĩ nôm na thì như thế này. Tuổi trẻ người ta có nhiều cái tham. Khi anh đã tham thì tính anh ta xấu. Chứ về già làm sao mà tham, anh sắp chết làm sao mà tham được. Khi đã bớt tham thì tốt lên thôi. Ai cũng thế, người trẻ nào mà lòng tham ít thì tự nhiên anh hóa người tính tốt. Người già mà lòng tham vẫn còn nhiều thì vẫn còn bị xấu nữa cơ, chứ không phải người già nào cũng tốt cả’, nhà văn Nguyễn Khải bày tỏ.
111
Sau tháng 4.1975, bố tôi trở về Hà Nội từ Trường Sơn. Và Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cấp cho bố tôi một căn hộ hai ba chục mét vuông gì đó ở khu tập thể K95 trên bãi Phúc Xá, sát cạnh sông Hồng (nơi đây năm nào cũng phải chạy lụt). Tôi hồi đó mới học lớp 6 lớp 7, đọc khá nhiều sách của Nguyễn Khải nhưng chưa một lần được nhìn thấy ông bằng xương bằng thịt.

Hồi nhỏ, tôi luôn nghĩ về các nhà văn, nhà thơ như nghĩ về những người thuộc hành tinh khác và dứt khoát không chịu công nhận là họ cũng giống như những người thường. Tôi còn nhớ, khi tôi học lớp 9, được thầy Phước cho vào danh sách những học sinh giỏi văn của Trường Việt – Đức trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội và cho dự một buổi ngồi nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện về thơ. Nói thực, tôi đã thất vọng cực độ khi được nhìn thấy nhà thơ Xuân Diệu, mắt nhắm nghiền nói về thơ, bởi lẽ khi đó, tôi không thể hình dung được “hoàng tử thơ tình” lại là một người đàn ông hơi béo bệu, bụng phệ như thế. Sau này, ở tuổi 20, tôi đã rất tâm đắc với câu thơ của thi sĩ Xôviết Evgueni Evtushenko: “Đừng tin những người làm thơ béo, thi sĩ không thể nào bụng phệ”… Giờ, ở tuổi 50, tôi rất muốn tin rằng, thi sĩ đôi khi vẫn có thể bụng phệ (!)…

Trở lại câu chuyện với nhà văn Nguyễn Khải, sống ở K95, tôi biết là nhà văn ở cạnh dãy nhà tôi nhưng chưa được một lần tận mục sở thị. Cho tới một lần, đi học về giữa trưa, trên đoạn dốc lên bờ đê, tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi, dắt xe đạp, đi cùng một người phụ nữ cao tuổi hơn, có dáng chị em và có vẻ như mới ở miền Nam ra (hồi ấy phong cách ứng xử giữa hai miền có những nét khác nhau không khó phân biệt). Khi thấy xe cộ đi loạn xạ quá, người đàn ông mới rất gượng nhẹ dồn người phụ nữ vào một bên như để che chở. Không hiểu vì sao mà một cậu bé mới 14-15 tuổi đầu là tôi lại nghĩ ngay, có lẽ đây là nhà văn Nguyễn Khải (trước đó, tôi đã được đọc một số tác phẩm của ông viết về những người họ hàng di cư vào Sài Gòn sau năm 1954)… Cứ nghĩ thế thôi chứ cũng không biểu lộ gì.

Lớn lên ở khu K95, tôi được gặp con gái nhà văn Nguyễn Khải, học cùng với cô em gái út của tôi, sinh năm 1970. Bọn trẻ con thân nhau nhưng hay cãi nhau. Tuy vậy, trong bất cứ tình huống nào, tôi vẫn rất có cảm tình với bạn của em gái tôi, đơn giản vì đó là con gái của một nhà văn mà tôi kính trọng từ khi 7-8 tuổi đọc Xung đột hay Mùa lạc… Sau này, ở tuổi dậy thì, tôi đã mê đắm nữ diễn viên Tuệ Minh khi chị đóng vai Phương trong vở kịch Cách mạng của Nguyễn Khải. Tôi rất thích cách Nguyễn Khải viết về Sài Gòn một thuở qua những tác phẩm như Gặp gỡ cuối năm…

Kính trọng nhà văn Nguyễn Khải, nhưng tôi cũng không tìm kiếm cơ hội gặp ông ở Hà Nội vì tôi rất hoài nghi nhận xét rằng “văn là người”. Mãi cho tới năm 2003, tôi mới có cơ hội cùng một bạn đồng nghiệp tới trò chuyện với ông trong ngôi nhà mới xây của người con trai ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy ông đã ở độ tuổi 73 (ông sinh năm 1930). Không biết có duyên gì với nhau không nhưng ông đã dốc cho chúng tôi nghe nhiều tâm sự mà tôi cho là rất gan ruột… Khi ấy, ông vừa thôi chân thành viên của Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, một chức danh phải nói là vẫn còn rất sang trọng ở thời đó… Và câu chuyện giữa chúng tôi với ông cũng mở ra từ sự việc này.

* Ông đã thôi là thành viên của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Có phải ông cảm thấy áy náy rằng vì mình không có ảnh hưởng cần thiết đến những quyết định mà lẽ ra mình phải có ảnh hưởng trên cương vị mình giữ nên mới thôi không?

– Nhà văn Nguyễn Khải: Không, đừng nói thế, nói thế người ta mắng cho. Tôi lớn tuổi rồi, 73 rồi, sức đọc của tôi cũng yếu đi, cái nhận xét của mình mất cái bén nhạy nên mình xin thôi.

* Tự ông cảm giác như thế?

– Ừ, tự mình thôi. Mỗi một lần vào xét chung khảo, người ta đưa cho mỗi một thành viên Hội đồng đọc khoảng từ 10 đến 12 cuốn, mà dày lắm. Thế thì nhiều lắm mình cũng chỉ đọc được 3- 4 cuốn thôi, mà đọc lại không phải là với tư cách người giám định mà với tư cách người thưởng thức. Cái anh già buồn cười thế này: gặp sách hay thì đọc, còn thấy chán quá là bỏ luôn. Cái đó là không được phép vì anh là người giám định mà. Hay dở anh đều phải đọc hết. Mình không làm được thế thì mình không nên nằm trong Hội đồng. Bởi vì nếu mình ở trong Hội đồng, đôi khi anh em hỏi tại sao cuốn này được, cuốn kia lại không được, thì mình không thể trả lời được là mình không đọc hết. Thứ hai là, bây giờ tôi cũng lớn tuổi nên mình không giao tiếp được nhiều với các cây bút trẻ là với lực lượng chủ lực hiện nay. Suốt ngày ngồi một chỗ thế này mình gặp ai được? Đến họp mình cũng không đi. Thế nên tôi thấy, ở lại như thế trong Hội đồng thành ra lại mang tiếng. Thôi thì mình xin rút ra để cho Hội đồng bổ sung những vị khác trẻ hơn. Người ta có sức đọc, giao tiếp nhiều, đi nhiều nên minh mẫn được, chính xác được. Chứ mình ngồi lù lù một chỗ thì ai biết mình, mình biết ai.

– Mới đây có một phát minh khoa học nói rằng con người ta càng lớn tuổi, càng về chiều thì càng trở nên tốt bụng và tử tế hơn là do có một cái chất hóa học gì đấy xuất hiện. Thực ra, con người cần phải có tính tốt ngay từ trẻ thì khi về già, người ta càng ngày càng biết mình hơn, giữ mình hơn. Chứ còn lúc trẻ tính không hay thì lúc già có lẽ tính vẫn thế.

– Theo mình nghĩ nôm na thì như thế này. Tuổi trẻ người ta có nhiều cái tham. Khi anh đã tham thì tính anh ta xấu. Chứ về già làm sao mà tham, anh sắp chết làm sao mà tham được. Khi đã bớt tham thì tốt lên thôi. Ai cũng thế, người trẻ nào mà lòng tham ít thì tự nhiên anh hóa người tính tốt. Người già mà lòng tham vẫn còn nhiều thì vẫn còn bị xấu nữa cơ, chứ không phải người già nào cũng tốt cả. Anh già mà anh còn tham, ai mà nói xấu anh một cái là anh sửng cồ lên anh mắng lại. Ai mà anh cảm thấy là tranh chức tước hay định giành của anh một cái gì là anh nổi cáu lên thì anh đâu có tốt. Thế nên không phải là người già nào cũng tốt. Người già nói chung là người biết điều do quá trình anh cũng lên bổng xuống trầm nhiều rồi, lên voi xuống chó nhiều rồi, anh cũng có nhiều cái vất vả. Và tự nhiên anh cảm thấy rằng anh biết thế nào là đủ. Đến cái tuổi đó anh biết thế nào là sống. Anh muốn cũng không được. Đời anh bao nhiêu chục năm, anh muốn bao thứ mà đâu có được. Thế nên bây giờ anh còn có vài năm cuối thì anh muốn cũng không được. Thế còn có những anh già, về già mà anh còn muốn nhiều nữa thì hơn quái rồi. Anh mà như thế thì không thể là người tử tế được, chứ đã tử tế thì phải ít tham đi. Anh phải nghĩ tới việc khác, phải nghĩ tới thực tế.

* Thông thường con người ta, khi trẻ bắt đầu từ những cuộc xung đột giữa cá nhân với thực tại, giữa ham muốn với năng lực của mình. Theo cảm nhận của ông, khi về già, những cuộc xung đột ấy diễn ra thế nào trong từng con người?

– Tuổi trẻ nó có nhiều ham muốn, mong muốn, nhiều cái tham lam. Cái đó không phải là xấu. Nếu người nào mà cũng như tu sĩ cả thì xã hội này không phát triển được. Nó phải có ganh đua, phải có ảo tưởng về mình thì mới làm được. Thí dụ anh đã làm thơ thì phải làm thơ hay nhất, tất cả các thằng nhà thơ khác phải dìm nó xuống. Về già anh không thể là nhà thơ bình thường được thì đấy là lúc về già, phải làm việc khác. Như vậy, khi anh làm thơ mới tý tuổi đầu mà đã thấy mình không bằng ông này ông kia thì anh còn làm thơ làm quái gì! Thế cho nên tuổi trẻ phải có ảo tưởng, đôi khi có cái ảo tưởng, đôi khi phi thực tế, nhưng chính những cái đó mới giúp cho người ta làm được những việc vượt khỏi tầm tay của người ta. Chính những cái đó mới tạo được nhiều cái sáng tạo.

* Khi ông mới viết văn, ông có ảo tưởng không?

– Cũng có, nhưng không lớn. Chuyện là thế này, từ nhỏ tới giờ, lúc nào mình cũng vất vả. Mình đâu có được như anh Đỗ Chu, anh Phạm Tiến Duật… Đỗ Chu viết khi 17 – 18 tuổi, còn học trung học, nhưng đã được người ta để ý rồi. Thế còn mình viết vất vả lắm, tức là mình làm báo bắt đầu từ năm 19 tuổi mà mãi tới 26 tuổi mới được người ta công nhận là viết được. Cho nên nó có cả một thời gian không thuận buồm xuôi gió. Anh biết được cái tài của anh tới mức độ nào. Cho nên anh không có cái gì vượt quá. Thế còn có những anh y như thần đồng, như anh Phạm Tiến Duật hăm mấy tuổi mà thơ đã khắp nước đọc rồi. Hoặc như Đỗ Chu hay có nhiều tay như thế. Hoặc Vàng Anh (nhà văn Phan Thị Vàng Anh – HTQ) ấy, ngay từ tuổi trẻ cô ấy có cái “duyên” dễ tạo cho người ta có một cái nhìn cảm thấy như mình có một cái gì, cái hơn, cái đặc biệt mà ông trời ông ấy cho mình, có thể lấn lướt được người khác. Thế còn sau đó nó không thành cái gì lại là chuyện khác. Thế thôi, còn riêng tôi thì tôi cũng vất vả lắm. Vất vả là anh biết lần mò thế, nên những cái đó nó không thể khiến cho mình phải có một cái gì nghĩ vượt quá tương lai.

* Phải chăng ngay từ khi mới bắt đầu văn nghiệp, ông đã là con người biết nhìn cuộc đời một cách trầm tĩnh và ở mức độ nào đó, trung dung?

– Thì cũng là do bản thân anh không được xuôi chèo mát mái lắm. Anh vừa vào viết lách đã về ngay tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mà anh viết lại không bằng ai, phải mất ba bốn năm rồi mới thành cái này cái khác. Thế chính những sự đó phải làm cho anh tự nghĩ rằng, anh đúng là loại phải dùng lao động, phải dùng học tập, phải dùng nhiều cái, thì mới trụ được, vì như người ta nói, trời cho anh ít lắm.

* Có thể rất tự tin mà thành công, nhưng cũng thể không tự tin lắm nhưng nếu bằng lao động, bằng tự tu dưỡng vẫn có thể đạt được mục đích?

– Mình cũng có tự tin chứ, cũng đắm đuối với nghề lắm chứ, có điều là anh không bốc phét, không nói khoác lên nhiều thôi. Cũng là tự tin nhưng anh tin là anh có thể đi theo được nghề này và cũng phải mạnh mẽ thì mới được là vì anh nếu mà viết không được thì bạn bè anh họ buồn lắm. Nếu viết không được thì cái chuyện đó dễ làm cho người ta chán nản lắm. Vì cái nghề này là cái nghề mà nếu anh nào vào cái nghề này ở mức độ kém thì nó sẽ có nhiều chuyện làm buồn phiền lắm. Ba bốn người đứng lên mà chỉ biết tên có một người. Ba người trừ mình ra là mình đã thấy chán rồi. Bởi anh không phải là tay viên chức bình thường. Thế nên cái này có lúc anh phải mặt dày, kệ người ta không biết, người ta coi thường chửi mắng, anh vẫn cứ phải làm.

* Thường người ta lúc có tuổi hay nhìn lại con đường đã qua và đôi khi có một sự ân hận nào đó về những việc mình làm chưa đúng với ai đó, có thể không phải do ác ý mà do nhận thức khi đó của mình chưa đúng thôi. Nhưng một khi cuộc đời con người ta ai cũng chỉ sống có độc một lần và nó đã trôi qua rồi, thì cái sự ân hận liệu có ích gì chăng đối với những người mà mình đã từng làm việc không phải với họ?

– Theo mình, nói chung là những số phận tuỳ thuộc vào từng tính cách. Nếu anh có sống lại trẻ thế thì anh vẫn phải làm đúng thế chứ anh không thể rút kinh nghiệm. Khi rút kinh nghiệm là nó phải qua những thất bại. Anh vẫn phải có những lời nói ngu ngơ ấy, có những hành động dại dột ấy và có những mối quan hệ vớ vẩn ấy. Cái đó từ cái cách sống của anh. Mà nếu anh có trẻ lại thì anh vẫn phải theo con đường đó thôi. Anh chả có cách gì khôn hơn tuổi trẻ được. Thế nên cái điều đó tất nhiên có thật nhưng anh không nên bận tâm quá. Thí dụ có thời kỳ anh rất tin vào một cái điều này thì cái điều tin vào điều ấy anh cũng đừng nói là tin một cách bố láo. Anh suy như thế tức là sẽ làm một số việc không thành. Đấy ví dụ như thế. Anh tin vào như thế, đến lúc anh cảm thấy không phải khi niềm tin hoàn toàn mất đi. Anh lại cảm thấy như hụt hẫng. Thế nhưng năm tháng đó không phải là mất đi đối với anh. Thế con người ta cứ trèo lên trèo lên mãi, tức là nhận thức là một quá trình. Cho nên cũng không nên có gì đáng phải ân hận quá nhiều. Ví dụ như tuổi trẻ trong tình yêu, tình bạn, các mối quan hệ nó có nhiều cái rầy rà. Nhưng phải như thế, anh không thể làm khác được. Một người trẻ khôn ngoan như ông cụ non thì có chỗ lại khó chịu.

* Tức là mình phải có một cái nhìn biện chứng, mọi kinh nghiệm đều phải có giá của nó? Tất nhiên không phải vì thế mà mình không ân hận, đúng không ạ?

– Thí dụ một người già nghĩ lại như tuổi trẻ bây giờ thì tự nhiên lại có cái lố lăng. Nhưng trẻ mà khôn ngoan thế thì không ai dám chơi. Khôn quá không được, khôn quá tuổi thì không được đâu. Thế cho nên tuổi nào anh sống đúng cái tuổi ấy. Một người già cảm thấy ham hố quá thì ai cũng cảm thấy buồn cười; hăng hái quá, ham hố quá cũng buồn cười. Cái anh trẻ khôn ngoan quá cũng buồn cười. Cứ tuổi nào sống đúng tuổi ấy. Cũng chẳng có gì phải đáng ân hận nhiều.

* Đối với bản thân ông cũng là như thế đúng không?

– Cũng thế thôi.

* Ở một số người lớn tuổi thường lại có hội chứng gọi là hội chứng sợ bị mang tiếng là không giúp tuổi trẻ. Và vì điều đó xảy ra một số hành động gọi là dân tuý với cả thanh niên. Và điều đó như là xui dại tuổi trẻ ấy. Ông nghĩ như thế nào về việc này trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay? Theo ông thì có hay không chuyện đó, mà nếu có thì có như thế nào theo cảm nhận của ông? Tức là cứ thấy người trẻ mới một tý không biết thế nào là cứ khen vống lên, hay là tung ra những lời lẽ mù mịt tụng ca nào đấy.

– Có hiện tượng như thế. Nhưng mà trong cái điều ấy nếu nói không đúng giá trị thì nó chẳng có giá trị gì cả. Ví dụ như anh em tôi có một thời cứ nói cái lão Khải gặp ai cũng khen ầm lên. Khen ầm là do ngày xưa mình cũng chẳng chèn ai. Nhưng có thể mình bằng tuổi họ ngày xưa mình viết kém hơn, tự nhiên mình đọc, chẳng hạn như Phan Thị Vàng Anh hay Nguyễn Huy Thiệp thì mình khen ầm lên. Nhưng bây giờ mình thấy khen thế là đúng thật. Đó là vì khi mình bằng tuổi họ thì mình đâu có viết được như thế. Lúc đó mình viết còn ngây ngô lắm, viết còn trần trụi lắm. Hay có thời kỳ cách đây dăm bảy năm, tôi có đọc chung khảo một cuộc thi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long họ thi thố, có tay tên là Tường. Cậu ấy viết cái chuyện này ghê lắm về một cô vợ ở nhà có một con rồi lại ngủ với một thằng lái máy kéo. Thế rồi chồng về nó biết, nó quyết tâm bỏ. Mà rồi nó lại không bỏ, cuối cùng đã ra toà ly dị xong rồi nhưng nó về nó thương thế nào lại thôi. Thì cái đoạn viết đó cực kỳ giỏi. Cậu Tường ấy viết thoải mái mà nó viết chỉ mỗi cái là nhìn thấy vợ nó sau khi bị nó hất hàm bảo đi đi. Và vợ nó đã đi bộ một đoạn rồi. Sau đó nó quay lại nhìn thấy vợ nó, tự nhiên nó thấy có cái điều gì trong người, nó thương hại. Nó nghĩ rằng phụ nữ có những lúc người ta có những cái không thể tự chủ, không thể kìm hãm được, nhất là đàn ông lại đến trong đêm hôm như thế làm sao nó có thể tự chủ được. Thế tự nhiên nó tha thứ… Phải nói cái đoạn đó cực hay. Thì đoạn viết tự nhiên đó tôi khen. Hay thời kỳ Nguyễn Huy Thiệp viết về cảnh bố chồng với con dâu mà thằng con bắt gặp, thì viết giỏi quá. Tôi quá phục. Mình đọc đoạn này mình cũng thấy sợ. Hôm đó tôi mới kéo ông bạn đến, tôi nói: “Mày cứ đọc cái đoạn này đi, tao đố mày viết được như thế đấy”. Thiệp nó viết thế quá tài rồi. Đến truyện Muối của rừng, tôi bảo đọc cái này rất hay, truyện ngắn hơn nửa trang báo Văn Nghệ. Tức là anh vào trang bị đầy khí thế con người: súng ống. Cuối cùng ra mất hết sức khoẻ, cởi trần trùng trục. Mà nó viết thế quá giỏi rồi còn gì. Thế thì cái điều đó là khen thật, chứ đâu có phải là khen giả. Ngày xưa chúng tôi đâu có biết viết buồn là thế nào. Khen cô Vàng Anh biết thế nào là cái buồn. Mà cả chuyện của cô ấy, tôi biết chuyện đời của cô ấy… Mà Vàng Anh buồn là phải, đàn ông không thích người yêu thông minh. Bao giờ đàn ông cũng muốn đàn bà phải là hoàn toàn đàn bà. Đàn bà mà lại vừa nghệ sĩ vừa triết học thì đàn ông nó bỏ thôi. Ai mà chả thế, đúng không nào?

* Thế ngày xưa, thế hệ như ông viết văn không có nỗi buồn trong ấy?

– Không, anh không được phép viết như thế. Đất nước đang có chiến tranh. Hơn nữa, chủ nghĩa xã hội sao lại buồn, phải vui chứ? Chính những như thế đã hạn chế tầm với lên, rộng ra của mình. Nhưng mà trong cái bình thường thì anh cứ là tha hồ viết rồi. Viết về nỗi buồn à? Ngày xưa những cái đó đâu có được viết. Viết không ai hoan nghênh.

* Ông trưởng thành từ ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Ông có ấn tượng như thế nào với bạn viết cùng thời?

– Nói cho cùng đối với tôi, tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhiều ân huệ lắm. Nếu không có nó, có lẽ mình không trở thành nhà văn. Ngày xưa ở các cơ quan Nhà nước, cơ quan nào cũng lắm sự rắc rối lắm. Riêng hồi đó ở bên Văn nghệ Quân đội đối với tôi và những anh em khác cứ về đấy là viết được thôi. Vì ở đó cư xử với nhau đặc biệt lắm, có tính chất bạn bè anh em. Ví dụ như có những thủ trưởng phụ trách như ông Vũ Cao, ông Thanh Tịnh… thì nó gần như là hội nghề nghiệp rồi. Chẳng hạn có thời gian tôi sống với ông Vũ Cao rất lâu, ngay trong bình thường là quan hệ anh em rồi. Ông ấy là đàn anh mình trong nền văn chương rồi, đi trước mình rồi. Cho nên lời bảo ban của ông ấy không có gì mà mình không nghe cả. Hay ông Thanh Tịnh cũng thế. Các ông ấy khen mình cảm thấy vui, chê cảm thấy buồn thật chứ không phải do áp lực gì trong quân đội hay do chỉ huy với thằng lính, không phải thế. Thứ hai là trong mối quan hệ với nhau cũng tử tế, rất tử tế. Anh em nói đùa với nhau này nọ rằng tử tế hơn nhiều cơ quan ngoài. Và đặc biệt họ không tranh giành, ghen tị hay đố kị với ai cả. Văn nghệ Quân đội nó như thế.

* Mới rồi tôi có xem ở trên VTV3 có làm một phim về ông. Trong đó ông có trả lời, tôi ở một thế hệ nhà văn trải qua chiến tranh thì lương Nhà nước cấp, con cái thì vào trong các trường của Nhà nước, tất cả mọi thứ đều được Nhà nước chu cấp hết cho nên cái hiện thực của chúng tôi cũng cần những hiện thực do những cán bộ, một nhà văn cán bộ ngồi ở trong phòng làm chưa thấu đáo hết được nhân tình. Thực sự ông nghĩ như thế chứ?

– Có cái người ta gọi là thương vay khóc mướn ấy mà. Bây giờ anh đi xuống nông thôn người ta đói, chứ anh đâu có đói. Thực ra là từ khi bắt đầu dưới chế độ mới, tình hình mới mình mới có. Ngày xưa nhà văn đâu có chuyện đi thực tế. Họ sống lang bạt kỳ hồ. Bạn bè nuôi, có khi bồ bịch nuôi, kiểu như ông Nguyễn Bính ấy, cô đầu cô đít nuôi cả. Người ta tự lực chứ người ta đâu có đi chơi, người ta đến đâu thích viết thì anh viết thế thôi. Hoặc ông Nam Cao, mỗi ông làm một nghề và lấy cái nghề đó mà viết. Cái vui buồn nhân thế của mọi người là từ bản thân họ. Cái đó tự nhiên nó vào văn của người ta nó thật. Của mình là cái thế giới viên chức Nhà nước, thì tự nhiên mình viết trong thế giới đảm bảo được nhiều về cuộc sống. Thì cái đó chính là cái hạn chế, tước đoạt đi nhiều cảm xúc chân thật. Có nhiều điều, nhiều cái mình không cảm thấy, nhìn thấy. Nhưng được cái anh ngồi viết nhiều năm về chủ nghĩa anh hùng, viết về cái to lớn thì được chứ đời thường ít ai viết lắm.

* Tức là anh viết những tráng ca thì thành công, còn viết về những nỗi đau đời thường thì không được.

– Tức là nếu viết về nông thôn, thì chỉ viết về các cuộc đấu tranh giữa hai con đường vào hợp tác hay không vào hợp tác, đề tài của anh bị thu hẹp lại. Nỗi đau của người dân thực sự chưa được chạm đến, chưa thực sự cảm động. Tất nhiên có chạm tới lòng yêu nước, chạm tới cái này cái khác. Nhưng ngay trong cái lòng yêu nước thì anh có chạm nhưng cũng chưa tới hết. Anh nói cũng chưa được. Ngay cả cái chuyện đưa con đi bộ đội ấy. Đâu phải ai ai cũng tưng bừng vui vẻ đưa con đi được. Mình nuôi con rồi mình biết chứ. Nuôi con đến 17-18 tuổi mình đưa đi chiến trường thì đâu có phải dễ. Cứ nói ngay như Hoàng Nhuận Cầm, thời kỳ cậu ấy đi bộ đội, tôi đến khổ với Hoàng Giác (nhạc sĩ Hoàng Giác là thân phụ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – HTQ). Ông ấy lo lắm, không thể tưởng tượng được, mà đúng như thế thật. Suốt ngày đến cơ quan lo cho con không biết hiện nay ở đơn vị nào, đi đâu. Người ta lo lắm vì đó là cả sinh mạng con người. Cái đó thì mình nói chưa ra được hết.

* Nhìn lại các tác phẩm của mình, ông có muốn thay đổi một chút gì không?

– Xưa nay trong các tác phẩm tôi viết thường có nhiều mặt. Tất nhiên không nói đến cùng, tức là vẫn có sự nhân nhượng, có người tốt, người xấu rồi dần dà thành tốt. Nhưng trong cuộc sống cũng có cái nó xấu mãi, không tốt được. Có những bi kịch anh giải quyết được, nhưng trái lại, có những bi kịch anh phải chịu mãi. Cái đó ngày xưa tự tôi cũng nhìn thấy như thế.

* Ông có cảm giác rằng trong sách, đôi khi ông tự muốn vượt qua khỏi giới hạn thiên định của mình không?

– Có chứ. Nhưng thực ra đối với người viết, quan trọng nhất là nói thế nào để người ta đỡ hiểu lầm. Khi viết, anh phải vượt khỏi rất nhiều quan niệm đang rất được trân trọng đương thời. Anh phải vượt qua rất nhiều thứ trói buộc. Tất nhiên, người nào cũng bị buộc trong một cái nhất định, đâu có thể vượt hết được. Nhưng dù sao mình vẫn muốn tìm ra một chân trời nào đó cho thoả sức mơ mộng. Nhưng bảo đạt tới mức độ để thành ra được một hình tượng gì đó thì mình cũng chưa có gan làm. Tôi sợ mình làm thất bại hoặc làm như thế có thể phải dỡ bỏ thứ này thứ khác, có khi lại gây sự hiểu lầm. Tôi vẫn biết cái mặt hạn chế của tôi và tôi cũng biết những cái vùng biên, những ràng buộc mà tôi không thể vượt qua được.

* Ông từng viết rằng có những tác giả thường viết những điều mà mình không làm được trong đời thực. Ông định nói tới ai vậy?

– Không, tự tôi nói về tôi đấy.

* Đôi khi để tiếp tục làm việc thì cần phải không nghe những người bậc đàn anh?

– Vẫn nghe nhưng không để cho họ quyết định được của mình, miễn là báo ấy và nhà xuất bản ấy đồng ý in là được rồi. Thế thôi. Thế còn có thể bảo đó là thơ, có thể bảo đó là tiểu thuyết, thì tuỳ họ. Họ cũng không thể nào là một ông quan, ông quan to; cũng không phải là cái bậc giám sát, ông quy định được. Ngay tác phẩm của họ rồi sau này là cái gì thì người ta đâu có biết được. Cho nên mình không nên khoe ai cả, cứ lẳng lặng mà làm. Thế rồi bạn đọc, rồi thời gian cũng thẩm định đúng hết. Được cái là tôi cũng thấy người viết cũng hay ở chỗ là nó còn có thời gian, chữ nghĩa nó còn đấy mà chữ nó có đi đâu mất đâu. Thời gian, rồi còn có bạn đọc, bạn đọc hôm nay, bạn đọc mai sau. Thế có khi còn có những người, người ta thông cảm được thì sao. Thế nên cái việc đó không cần nghe ai, tức là cứ viết cái gì mình cảm thấy mình thích. Nó đúng là của mình thật chứ không phải là của ai khác. Của mình thật có khi là đồ rởm, là vì mình đúng là đồ rởm thật thì mình chịu vậy thôi. Còn nếu nó là cái mình chưa biết cách nói thì sẽ có lúc mình biết cách…

***

Nhà văn Nguyễn Khải sinh ngày 3.12.1930 tại Hà Nội. Quê nội ở phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định. Vào bộ đội năm 16 tuổi, làm y tá rồi làm báo ở Tỉnh đội Hưng Yên. Bắt đầu viết văn từ những năm 50, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I in năm 1959, phần II năm 1962). Sau năm 1975, Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và rời khỏi quân đội năm 1988 với quân hàm đại tá…

Nhà văn Nguyễn Khải mất ngày 15.1.2008 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23.11.2012

Tác giả: Hồng Thanh Quang
Nguồn Vanvn.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây