Sao phải chờ đến 2025?

Thứ sáu - 02/12/2022 16:45

Bộ Tài chính đang giao Tổng cục Thuế rà soát, đánh giá toàn diện để đề xuất sửa đổi những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tin này khiến người nộp thuế vừa buồn vừa vui.

 

Vui vì cuối cùng luật cũng được sửa, nhưng buồn vì từ năm 2018, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số bất cập của luật thuế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế. Thế nhưng sau bốn năm, những bất cập của nó vẫn còn nguyên và bây giờ lại đề xuất sửa đổi.

Từ sau dịch COVID-19 đến nay đã trải qua bao nhiêu đợt bão giá hàng hóa, người dân đang phải "gồng" mình, thắt lưng buộc bụng. 

Nhưng bao hy vọng, mong chờ của người dân lại hóa thất vọng khi phải "gồng" thêm ba năm nữa (tức đến năm 2025) luật này mới được sửa đổi và rất có thể năm 2026 Luật thuế TNCN mới được áp dụng.

Mấu chốt trong Luật thuế TNCN mà người dân mong chờ sửa nhất đó là mức giảm trừ gia cảnh. Luật thuế TNCN quy định khi chỉ số CPI theo công bố của Tổng cục Thống kê tăng 20% thì mới đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Danh mục CPI hiện nay bao gồm 752 mặt hàng, nhưng đối với người lao động họ chỉ sử dụng vài chục mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, quần áo, xăng dầu, điện, nước, sữa, học phí... 

Những mặt hàng còn lại không hề tác động hay liên quan đến đời sống hằng ngày của họ. Do vậy sẽ rất bất hợp lý nếu phải chờ đợi chỉ số CPI chung này để làm căn cứ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Ngoài ra, cũng không nên quy định khi có biến động tới 20% mới điều chỉnh mà chỉ khi CPI nhích lên 5-10% là phải điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho người lao động.

Về lâu dài, không nên cột một mức cố định mà mức giảm trừ gia cảnh nên theo mức lương tối thiểu vùng, có thể bằng năm tháng lương tối thiểu vùng để khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo, theo nguyên tắc nước lên thì thuyền lên.

Kèm theo đó phải điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng gia tăng khoảng cách giữa các bậc cũng như giảm mức thuế suất. Doanh nghiệp nhỏ hiện nay chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 20% và được khấu trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ. 

Trong khi cá nhân nộp thuế TNCN bậc cao nhất lên đến 35% và dù người nộp thuế được giảm trừ gia cảnh nhưng mức giảm trừ đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đời sống.

Chưa kể mấy năm qua các doanh nghiệp đã được giảm thuế, gia hạn nộp thuế... nhưng cá nhân lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Như vậy là không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. 

Đồng thời, cơ quan thuế luôn tìm cách để loại trừ đối tượng được tính là người phụ thuộc như cha mẹ phải hết tuổi lao động, không có lương hưu, không có thu nhập quá 1 triệu đồng/tháng, dù với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng này không ai sống được kể cả ở nông thôn chứ đừng nói là thành thị vì chuẩn nghèo hiện nay ở TP.HCM là có thu nhập bình quân đầu người 3 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần mức quy định của cơ quan thuế.

Do vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần gấp rút đẩy nhanh việc sửa đổi Luật thuế TNCN để phù hợp với thực tế hiện nay, thay vì phải chờ đến năm 2025. 

Hơn thế, để người lao động khi đóng góp công sức của mình vào ngân sách đều cảm thấy tự hào được nộp thuế thay vì ấm ức vì cảm thấy bị "vắt kiệt".
 

Theo Ánh Hồng/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây