Gần 2 năm qua, chị Thảo và rất nhiều phụ huynh vẫn đau đáu câu hỏi vì sao các con ăn loại giò 65.000 đồng/kg. Đến nay, họ chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào.
Sự việc hàng trăm học sinh bị ngộ độc thực phẩm, trong đó một học sinh 6 tử vong xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) trở thành nỗi ám ảnh về an toàn thực phẩm trong trường học thời gian qua. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự, xảy ra tại trường iSchool Nha Trang.
Chỉ vài ngày sau sự việc trên, tại Tiền Giang, 16 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi, TP Mỹ Tho nhập viện vì có các biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy... sau khi ăn bánh, dưa hấu, uống sữa tại trường.
Không phải lề đường, vỉa hè mà học sinh có thể ảnh hưởng sức khỏe, ngộ độc vì thực phẩm kém chất lượng ngay trong trường học với đủ các quy trình, kiểm soát. Rất nhiều gia đình đang phải sống chung trong nỗi lo sợ về an toàn thực phẩm trường học ảnh hưởng hàng ngày đến sức khỏe của con trẻ.
Các con chúng ta đã và đang ăn gì vào người?
Đọc thông tin học sinh tử vong vì ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học, chị Lê Thanh Thảo (tên nhân vật đã được thay đổi) luôn trăn trở. Bởi, gần 2 qua, chị và nhiều phụ huynh đã đi tố cáo khắp nơi, hỏi khắp nơi nhưng vẫn không nhận được câu trả lời.
Chị Thảo là một trong nhiều phụ huynh tham gia đấu tranh về vấn đề an toàn thực phẩm xảy ra cuối năm 2020 tại Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, TP Thủ Đức, TPHCM, quận 9 cũ.
Với tiền ăn 30.000 đồng cho bữa trưa và bữa xế ở thời điểm đó, chưa kể phụ huynh phải đóng tiền phục vụ bán trú, phục vụ vệ sinh 230.000 đồng/tháng nhưng học sinh thường xuyên than đói. Bữa ăn lèo tèo chỉ một chút cơm, ít thức ăn hay vài cọng nui với chút thịt bằm.
Sau cái đói, phụ huynh còn ghi nhận nhiều điều đáng lo lắng hơn khi giám sát thực phẩm đưa vào nấu ăn trong trường. Đó là những củ cà rốt dập nát được đưa vào trường, những bó rau cải đã thối, những can tương ớt, nước tương không nhãn hiệu; bếp ăn cáu bẩn, đen thui...
Nhưng điều chị Thảo hoảng sợ nhất khi cầm trên tay hóa đơn mua hàng của nhà trường. Trước mắt chị là giò sống được cung cấp vào bếp ăn của trường với giá chỉ 64.000 đồng/kg, giò lụa chỉ 65.000 đồng/kg. Giá này rẻ hơn gần 1/3 so với thị trường.
Vị phụ huynh này không giải thích nổi một kg giò lụa được bán cho nhà trường với giá 65.000 đồng thì chi phí thực chất của ký giò đó là bao nhiêu nếu trừ chi phí bao bì, vận chuyển, tiền công, lãi...
Chị Thảo và nhiều phụ huynh đã gửi đơn khiếu nại đến 7 đơn vị chức năng nhưng chỉ nhận về được câu trả lời "không có hành vi vi phạm thực phẩm", còn nhà trường đổi nhà cung cấp... là xong.
Thời điểm đó, tại buổi làm việc với Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TPHCM, họ cũng đã đặt ra câu hỏi: "Anh chị nghĩ sao khi con chúng tôi ăn loại giò chả 65.000 đồng/kg?". Câu hỏi được phản hồi rằng sẽ tìm hiểu, kiểm tra... nhưng đến nay phụ huynh vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Chị Thảo cũng đã hỏi nhiều người quen làm bác sĩ, những người cung cấp thực phẩm nhưng ai cũng lắc đầu, không trả lời nổi.
"Các con chúng ta đã và đang ăn gì vào người?", chị Thảo đặt câu hỏi trên gửi tới hàng triệu phụ huynh khác có cùng chung mối quan tâm.
Sau sự việc trên, có nhiều phụ huynh đã chuyển trường cho con, những phụ huynh có con ở lại học tiếp thì đề nghị tham gia giám sát bữa ăn.
Suất cơm 25.000 đồng nhưng đến với học sinh chỉ 20.000 đồng
Theo tìm hiểu của phóng viên, bữa ăn học đường có hai hình thức tùy điều kiện của mỗi trường. Cụ thể, trường có bếp ăn tự nấu từ thực phẩm từ các đơn cung cấp và trường đặt suất ăn công nghiệp cho học sinh.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 1.834 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể và 487 trường sử dụng suất ăn công nghiệp từ các đơn vị bên ngoài.
Vậy nhưng, để một đơn vị cung cấp thực phẩm vào được trường học, phía sau đó đặt ra là vấn đề "hoa hồng". Vậy "hoa hồng" có ảnh hưởng thế nào đến suất ăn của học sinh.
Trong vai quản lý cần đặt suất ăn cho học sinh, chúng tôi liên hệ đến một số cơ sở để đặt bữa trưa và bữa xế cho học sinh là 30.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí, các cơ sở này đều sẵn sàng chi lại 3-5% trên tổng số doanh thu. Như vậy, mỗi suất ăn có thể có "hoa hồng" 1.000 - 1.500 đồng. Với số học sinh đông, có thể mức chiết khấu còn cao hơn.
Anh C., phụ trách một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp ở TPHCM cho biết, thị trường cung cấp suất ăn công nghiệp rất gay gắt, nhiều nơi làm ăn nghiêm túc sẽ bị đuối khi cạnh tranh để vào cung cấp cho các đơn vị. Trên thị trường, có nơi sẵn sàng chi "hoa hồng" đến 10% trên mỗi suất ăn để có thể vào được trường học, các khu công nghiệp.
Anh C. cảnh báo, nhiều công ty ban đầu sử dụng thực phẩm từ các nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng chỉ ISO... Nhưng sau khi đã có hợp đồng cung cấp suất ăn vào các đơn vị thì có thể họ sẽ lấy thực phẩm ngoài chợ, không xuất xứ để hạ giá thành nhập vào, tăng lợi nhuận và bù chi phí "hoa hồng".
Theo anh C., thực phẩm bẩn nếu đi vào trường học sẽ đi theo con đường này. Cơ sở cung cấp có thể qua mặt hoặc "ăn rơ" cùng bộ phận quản lý và giám sát ở trường học để đưa thực phẩm bẩn vào cho học sinh.
Anh C. khẳng định, trường học hoàn toàn có thể giám sát đầu vào của các cơ sở cung cấp thức ăn nếu họ làm việc nghiêm túc, không "ăn rơ" với các đơn vị cung cấp.
Đối với suất ăn của học sinh bữa chính và bữa xế hiện nay dao động 30.000 - 35.000 đồng, anh C. cho rằng đây là mức khá chứ không có chuyện "lèo tèo". Tuy nhiên, anh cho rằng, một suất ăn trưa của học sinh nếu 25.000 đồng, cùng lắm đến học sinh chỉ khoảng 20.000 đồng.
Vào tháng 7 vừa qua, kết luận của Thanh tra tại Trường tiểu học Hanh Thông của quận Gò Vấp, TPHCM làm nhiều người "sốc". Hiệu trưởng, bếp trưởng, kế toán trường này đều nhận quà từ các đơn vị cung cấp thực phẩm với số tiền 436 triệu đồng. Trong đó, hiệu trưởng nhà trường nhận hơn 100 triệu đồng, bếp trưởng nhận gần 312 triệu đồng.
Tuy vậy, Hiệu trưởng trường này vẫn lý giải, số tiền này là đơn vị cung cấp thực phẩm tự nguyện hỗ trợ trường thông qua tài khoản cá nhân chứ không liên quan gì đến... bữa ăn của học sinh!?
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, kinh phí tổ chức bữa ăn bán trú thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh sao cho đảm bảo nguyên tắc thu hộ chi hộ, tức là thu bao nhiêu thì chi hết bấy nhiêu. Các trường phải đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh đúng với mức đã thu theo thỏa thuận. Theo quy định, mức thu bán trú phải sử dụng phục vụ cho học sinh và nghiêm cấm các trường nhận "hoa hồng" từ việc tổ chức bữa ăn bán trú dưới mọi hình thức.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tham khảo bộ thực đơn chuẩn và các quy định liên quan để đảm bảo dinh dưỡng học đường theo độ tuổi, đảm bảo yêu cầu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng theo quy định của cơ quan chuyên môn.
Đối với cơ sở giáo dục sử dụng suất ăn công nghiệp, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn phải đảm bảo về an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng cho học sinh.
Ông Dương Trí Dũng cũng nhấn mạnh, các trường cần lưu ý việc thực hiện công tác thu chi trong quá trình tổ chức bữa ăn bán trú. Ngoài các cơ quan chức năng, Phòng GD&ĐT các quận, huyện thì Sở GD&ĐT sẽ thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý nghiêm những cơ sở giáo dục thực hiện sai quy định.
Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM cũng ra văn bản yêu cầu các trường sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm được sử dụng tại các bếp ăn, căng tin các trường học. Nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận quốc tế khác về an toàn thực phẩm.
Các cơ sở giáo dục kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu như chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Theo Hoài Nam/Dân trí
20/12/2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên