Giá xăng có khả năng tăng 750-790 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày mai 3.1.2023, sau khi đã tăng hơn 1.000 đồng từ 0h ngày 1.1. Tức là xăng 2 lần tăng giá trong chỉ 3 ngày. Trong khi mỗi số điện bán ra đang lỗ 150 đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12.2022 đã giảm 0,01% so với tháng trước đó. CPI vẫn giảm, trong khi có tới 9 nhóm hàng hoá dịch vụ vẫn tăng, là bởi trong hai nhóm hàng hoá giảm, có xăng dầu.
Với 3 lần điều chỉnh giảm trong tháng 12, giá xăng dầu giảm từ 7,29%- 10,64%. Và giá xăng dầu chính là yếu tố kéo CPI giảm tháng cuối cùng của năm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, điều đó cho thấy sự ảnh hưởng của xăng dầu tới CPI, tới giá cả thị trường, tới cả nền kinh tế nó ghê gớm đến như thế nào.
Ngay từ 0h ngày 1.1.2023, giá xăng dầu đã tăng hơn 1.000 đồng/lít do mức thuế bảo vệ môi trường mới cao hơn mức cũ hơn 1.000 đồng/lít.
Trong khi đó, kỳ điều hành giá xăng dầu ngày mai 3.1.2023 dự báo cho thấy giá xăng dầu có thể tăng từ 750-790 đồng/lít.
Câu chuyện một nửa là khách quan: Do diễn biến giá xăng dầu thế giới. Nhưng sự thật là giá xăng dầu có khả năng tăng 2 lần, với giá trị tuyệt đối đến gần 2.000 đồng/lít trong chỉ 3 ngày.
Một tỉ lệ, một mật độ tăng rất lớn.
Chỉ tiêu lạm phát 2023 theo nghị quyết của Quốc hội là 4,5%.
Trong khi đó, với việc công bố số lỗ lên tới 31.300 tỉ do áp lực chi phí đầu vào tăng quá cao, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã muốn tăng giá điện ngay trong năm 2022.
Với số lỗ quá lớn, không loại trừ khả năng giá điện sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2023. Sau khi đã không được điều chỉnh tăng suốt từ năm 2019.
Giá dịch vụ y tế nữa. Bộ Y tế đang khảo sát 3240 định mức kinh tế kỹ thuật để tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Nếu giá điện tăng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng... đó sẽ là áp lực rất lớn.
Nhìn lại thành tựu kiểm soát lạm phát năm 2022, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá- Tổng cục Thống kê cho rằng là vì giá cả một số mặt hàng do nhà nước điều hành như giá học phí, giá điện, giá dịch vụ y tế... được giữ ổn định. Trong khi giá thực phẩm, chẳng hạn giá thịt lợn, đã giảm tới 10,68% so với 2021.
Việc điều hành giá năm nay, nhất là đối với xăng dầu, điện... những mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, vì thế, thật sự là cần tính toán cẩn trọng.
Chưa kể việc tăng lương cơ bản nữa. Thứ trưởng Bộ KH và ĐT Trần Quốc Phương khi giải thích mục tiêu lạm phát 2023 tới 4,5% từng nói rồi: Chưa bao giờ tăng lương mà không tác động đến tăng giá”!
Theo Đào Tuấn/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên