Học nhiều điều hay từ nhân vật

Thứ hai - 16/01/2023 16:29
Gần 20 năm làm báo, tôi đã đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người. Mỗi nhân vật trong tác phẩm báo chí của tôi phản ánh những góc nhìn khác nhau về muôn mặt của đời sống hàng ngày. Tôi luôn thầm cảm ơn nghề báo đã cho tôi có nhiều cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người. Những người tôi gặp già có, trẻ có, giàu có, nghèo có, thông minh, lanh lợi có mà đần đù, bệnh tật cũng có, có người thành đạt, có người thất bại. Tôi trân trọng tất cả những cuộc gặp gỡ ấy, bởi chính nó đã cho tôi nhiệt huyết, cho tôi động lực tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, cạm bẫy trong quá trình tác nghiệp. Có người cho tôi những trải nghiệm quý, có người cho tôi kinh nghiệm, bài học, có người tạo cho tôi động lực để tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn trong cuộc sống.

2 nhân vật gây cho tôi ấn tượng sâu sắc và học được nhiều điều hay từ cuộc đời và những trải nghiệm quý giá của họ. Người đầu tiên là bà Đỗ Thị Lưỡng, thôn Quần Ngọc, xã Trung Hoà (Yên Mỹ). Mặc dù tuổi đã cao nhưng tấm lòng và nhiệt huyết bà dành cho Đảng, cho đất nước, quê hương vẫn sục sôi. Những năm đất nước còn chiến tranh, vừa chăm sóc bố, mẹ già và đàn con nhỏ nhưng bà Lưỡng vẫn chu toàn mọi việc mà Đảng, Nhà nước giao phó. Các phong trào thi đua “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “nghiêng đồng đổ nước ra sông”… ở xã Trung Hoà thời kỳ bà làm Phó chủ tịch, bí thư đảng uỷ xã đều đạt được thành tích khá, giỏi.

Điều khiến tôi thú vị nhất là những chia sẻ của bà khi bà được gặp Bác Hồ. Những cảm xúc, tình cảm của bà đã lan toả sang tôi khiến tôi học được rất nhiều điều hay và bổ ích. Những lời Bác dạy, Bác dặn dò qua lời kể và những trải nghiệm của bà trở nên vô cùng “thấm” và “ngấm”.

Nhân vật thứ 2 đó là ông Bùi Xuân Tám, một người nông dân ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên). Là một người nông dân chất phác, ông Tám gắn bó và đam mê với cây nhãn quê hương. Không chỉ đam mê nghiên cứu tìm tòi ra cây nhãn có chất lượng tốt, “ngoan”, năng suất cao mà ông còn luôn luôn đổi mới, sáng tạo để đưa quả nhãn lồng đi xa hơn. Ông Tám, lão nông đất nhãn đã tạo ra giống nhãn cùi cổ có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần và cũng chính là người tiên phong livestreem bán nhãn trên sàn giao dịch điện tử. Dù mái tóc đã nhuộm màu sương gió nhưng nhiệt huyết của ông Tám vẫn sôi sục đã truyền lửa cho tôi để tôi cố gắng dấn thân, nỗ lực và ngày càng nâng cao chất lượng ngòi bút của mình…

Nghề báo là nghề vất vả, nguy hiểm nhưng cũng cho tôi nhiều điều bổ ích. Tôi trưởng thành hơn mỗi ngày và thấy yêu, gắn bó với nghề hơn.

 
Mai Nhung
Chi hội nhà báo Báo Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây