"Tín dụng đen" bủa vây công nhân khó khăn

Thứ sáu - 23/12/2022 16:28
111
"Tín dụng đen" bủa vây công nhân khó khăn

Không chỉ dán quảng cáo ở khắp các khu công nghiệp, xóm trọ, các đối tượng xăm trổ chuyên cho vay nặng lãi còn tìm đến tận phòng trọ để "câu mồi", thậm chí là ép khách vay cho đủ chỉ tiêu.

Vay tiền dễ như đi chợ

Dạo quanh những khu vực tập trung đông nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ công nhân tại các quận Tân Bình, quận Tân Phú… có thể thấy nhan nhản những tờ rơi quảng cáo "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiền góp", "vay tiền đứng" được dán khắp các cột điện, tường nhà. Trong một con hẻm chỉ dài 50m trên đường Tân Lập, quận Tân Phú đã có hơn 100 tờ rao vặt được dán chồng chất lên nhau.

"Không thế chấp", "Không khủng bố người thân", "Không cần giấy tờ", "Lãi suất thấp nhất thị trường", "Giải ngân sau 5 phút"... là những lời đường mật mà các nhóm cho vay nặng lãi viết trên các tờ rơi quảng cáo để chiêu dụ "con mồi".

Không ít công nhân, lao động nghèo đã tin vào những lời tưởng "ngon xơi" đó để rồi ôm hận, phải bán nhà, bán đất trả nợ, thậm chí rơi vào trầm cảm, bỏ đi biệt xứ.

111
Tờ rơi quảng cáo vay nợ dán kín tường các con hẻm nhỏ có đông nhà trọ công nhân (Ảnh: CTV).

Chúng tôi thử gọi cho một số điện thoại trên tờ rơi, một giọng nam cho biết thuộc công ty tài chính X.2 và nói lớn: "Vay bao nhiêu tiền, vay làm gì, đang ở đâu, ở trọ hay ở nhà, làm công việc gì?".

Khi nghe giới thiệu là công nhân, lương 8 triệu đồng/tháng, đang ở trọ, người này chốt luôn: "Ở trọ thì chỉ vay được 5 triệu thôi, không được 10 triệu đâu. Giấy tờ bao gồm căn cước hoặc giấy phép lái xe, công ty giữ. Lãi suất 15 ngàn đồng 1 triệu mỗi ngày, đóng hàng ngày hoặc 5 ngày 1 lần. Trong vòng 1 tháng phải trả hết cả gốc lẫn lãi…".

Tiếp tục gọi tới số điện thoại trên một tờ rơi khác ở quận Bình Tân, cũng là một giọng nam nghe máy và hỏi những câu hỏi y hệt như người ban đầu. Người này yêu cầu cho biết tên công ty đang làm và nơi ở để đến tận nơi làm việc xác minh, đồng thời hứa sẽ mang tiền tới tận phòng trọ cho người cần vay.

"Em cung cấp bảng lương cho anh, anh sẽ cho người đợi em ở trước cổng công ty, em ký hợp đồng xong sẽ đưa tiền luôn. Lãi suất khi đó mình bàn, nói qua điện thoại tốn tiền, em muốn vay bao nhiêu cũng được", người đàn ông giới thiệu.

Khi khách hàng nói không muốn vay ở trên công ty vì ngại, người này tiếp tục yêu cầu cung cấp địa chỉ phòng trọ để cho người xuống làm thủ tục, hướng dẫn tận tình, giao tiền tận tay.

"Anh cho người mang tiền đến phòng cho em luôn, em và vợ cùng ký hợp đồng sẽ giải ngân nhanh hơn. Mình em ký thì vay được 5 triệu đồng nhưng hai vợ chồng cùng ký thì vay được 8 triệu đồng", người này nói.
111

Theo người này, nơi cung cấp tín dụng áp dụng 2 hình thức vay cho công nhân. Thứ nhất là vay trả góp, tức là trả tiền lãi cùng vốn theo từng ngày. Thứ hai là vay "đứng", tức người vay chỉ đóng tiền lãi, số tiền gốc sẽ hoàn trả một lần khi chấm dứt khoản vay.

Lãi suất công ty này áp dụng cũng là 15.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Tức là, nếu vay 5.000.000 đồng thì phải đóng lãi 75.000 đồng/ngày, trong một tháng đóng 2.250.000 đồng, tương đương lãi suất 45%/tháng.

Người đàn ông này cho biết thêm: "Tùy theo mức độ xác minh mà mức lãi suất này có thể tăng hoặc bớt. Nếu khoản vay được cầm cố bằng giấy tờ, có nhà cửa rõ ràng hoặc vợ con, người thân cùng viết giấy nợ thì mức lãi suất có thể xem xét giảm xuống. Qua lần 2, lần 3 vay quen rồi, bên cung cấp tín dụng sẽ hỗ trợ vay ở mức cao hơn và lãi suất thấp hơn nếu trả đúng hẹn, thường là 20%".

Trả nợ khó hơn làm giàu

Không chỉ dán tờ rơi, gọi điện thoại mời gọi, nhiều nhóm cho vay nặng lãi, công ty tài chính còn đến tận các khu trọ để tư vấn, mời chào công nhân vay tiền.

Chị Thu Hoài (tên nhân vật đã được thay đổi, ngụ tại một khu trọ ở quận Tân Phú) cho hay: "Ở đây nhiều dịch vụ vậy lắm, có lúc 4 - 5 chỗ cho vay cùng tới khu trọ. Đầu tháng thì họ tới thu tiền lãi, còn thỉnh thoảng các buổi chiều họ lại tới hỏi ai cần tiền thì cho vay. Họ cứ vô thẳng xóm trọ rồi nói chuyện làm quen, sau đó giới thiệu bên công ty cho vay. Ai vay tiền thì làm hợp đồng luôn, ký tại chỗ rồi xuất tiền ngay cho công nhân".

Chị Hoài cho biết, xóm trọ của chị có khoảng 30 công nhân, quá nửa đang vay tiền của các "hãng tín dụng đen" với lãi suất cao.

111
Không có tích lũy, công nhân rất dễ dàng mắc vào "tín dụng đen" khi khó khăn, mất việc (Ảnh minh họa: Hải Long).
 

"Ban đầu nghe họ nói lãi suất thấp lắm, có hơn chục ngàn đồng lãi trên một triệu mỗi ngày nhưng khi vay rồi mới biết lãi này rất cao, trả hoài không hết. Có khi vay 5 triệu nhưng phải trả thành mấy chục triệu, có người vay nợ 5 triệu mà trả mấy năm chưa xong", chị Hoài lắc đầu ngao ngán.

Theo chị Hoài, dù biết lãi cao, nhiều công nhân vẫn phải vay khi gặp khó khăn vì các nhóm này thường cho vay rất dễ, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp mà giải ngân nhanh.

"Vay xong là trở thành con nợ triền miên luôn. Có người nợ lâu quá, bị ép vay gói mới để trả gói cũ, nửa đêm họ mang hợp đồng đến gõ cửa phòng trọ kêu ký vào để hợp thức hóa", nữ công nhân nói thêm.

Từng trót vay 12 triệu đồng khi được người mang tiền đến tận cửa phòng trọ năn nỉ "vay dùm", anh Trần Huy Hùng (38 tuổi) đến nay vẫn còn kinh hãi mỗi khi nhớ lại.

Anh kể: "Vay 12 triệu đồng, tôi đã trả gần 30 triệu nhưng họ thông báo vẫn còn nợ 15 triệu. Tôi phản ứng, kêu họ lừa đảo, không trả nữa thì họ tìm tới công ty nói xấu đủ thứ, còn đưa hình lên mạng và khủng bố điện thoại cả gia đình. Người nhà tôi hoang mang, mất ngủ gần nửa tháng nên tôi đành phải đi vay tiền nơi khác để trả cho xong".

"Lúc vay thì họ đến tận nơi nói ngon ngọt lắm, đến lúc trả thì… Mà lúc nghe họ tư vấn, thực sự không nghĩ lãi suất cao như vậy", anh công nhân quê Thái Bình trải lòng.

111
 

Phản ánh tại các diễn đàn doanh nghiệp, đại diện nhiều công ty ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng than phiền về hoạt động này. Quản lý các công ty liên tục nhận được những cuộc điện thoại xưng là người của công ty mua bán nợ, yêu cầu nhà máy hợp tác đưa công nhân vay tiền ra gặp, trả tiền cho họ. Khi công ty không phối hợp, bên đòi nợ sẽ đăng thông tin vu khống nhà máy, chủ doanh nghiệp lên mạng xã hội, cho người đến quấy phá…

Tình trạng này diễn ra công khai, rầm rộ đến nỗi nhiều doanh nghiệp phải báo công an vì ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Nhiều công ty khi thấy số điện thoại lạ gọi đến không dám bắt máy vì sợ gặp những nhóm đòi nợ như vậy.

Công nhân không có tích lũy, dễ dính "tín dụng đen"

Khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) tại TPHCM cho thấy, 60,5% người lao động không có tiền tiết kiệm. Trong số những người có tiền tiết kiệm thì 34% chỉ tiết kiệm được 1 - 2 triệu đồng/tháng; 9,5% tiết kiệm được dưới 1 triệu đồng/tháng. Do vậy, khi những biến cố, khó khăn đột xuất xảy ra như bệnh tật, sinh con, mất việc... công nhân dễ dàng mất khả năng chi trả cho cuộc sống hàng ngày, buộc phải vay nợ để chi dùng.

Tháng 11 vừa qua, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng thực hiện khảo sát với hơn 6.200 công nhân trên khắp cả nước, kết quả: 38% công nhân cho biết đang vay nợ; 14% trong số đó khó trả đúng hạn.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, thu nhập của công nhân chỉ đáp ứng được 83% nhu cầu cơ bản nên đa số công nhân không có tích lũy, hoặc có tích lũy rất thấp, nếu mất việc thì chỉ cầm cự được 1 - 3 tháng.

111
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM Trần Thiên Long tặng quà cho người lao động và tuyên truyền phòng ngừa "tín dụng đen" (Ảnh: CTV).

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM cho biết: "Nhiều năm nay, do điều kiện sống thiếu thốn, công nhân phải vay nợ qua các công ty tài chính với mức lãi cao".

Vì mức lãi cao mà thu nhập thấp, công nhân vay "tín dụng đen" dễ dàng rơi vào vòng xoáy lãi dồn gốc khi không có tiền trả lãi khiến khoản tiền gốc ngày càng tăng cao và mất khả năng chi trả. Nhiều người buộc lòng phải bỏ công việc, bỏ nhà trọ trốn đi nơi khác, doanh nghiệp mất lao động.

Ông Long cho biết: "Người lao động bị khủng bố bằng những cuộc điện thoại nã liên tục, người đòi nợ đến tận nơi tìm kiếm, đe dọa, bêu xấu... nên phải bỏ trốn hoặc về quê. Có trường hợp, các đối tượng còn về tận quê để truy lùng. Doanh nghiệp thì bị quấy phá, cản trở công việc làm ăn, buộc lòng phải báo công an".

Theo ông Trần Thiên Long, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp khó khăn vì giảm đơn hàng, công nhân bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu của công nhân tăng cao trong thời điểm năm hết Tết đến, về quê thăm thân, đón Tết thì nguy cơ rơi vào "tín dụng đen" càng cao hơn.

Do đó, ông Long kêu gọi người lao động, doanh nghiệp, các hiệp hội phải đồng lòng và cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt để "dẹp" vấn nạn này. Nếu không, thời gian tới "tín dụng đen" sẽ càng hoành hành và gây hệ lụy đến ổn định nhân lực trên địa bàn, an ninh trật tự tại địa phương.

111
 

Là đơn vị quản lý nhiều doanh nghiệp có hàng trăm ngàn công nhân, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM đề nghị nhóm giải pháp gồm 5 vấn đề.

Thứ nhất, công nhân cần tự trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ nơi mình vay, biết để tránh các trò lừa đảo qua mạng xã hội.

Thứ 2, công nhân cần tìm đến cơ sở uy tín để được hướng dẫn thủ tục vay tiền khi gặp khó khăn; có thể hỏi tổ chức công đoàn cơ sở của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhằm kết nối những địa chỉ cho vay tín dụng mang tính chất hỗ trợ.

Thứ 3, những công nhân đang vướng vào vay nợ lãi suất cao cần kịp thời thông tin để cơ quan chức năng, doanh nghiệp và công đoàn tư vấn, tìm cách tháo gỡ.

Thứ 4, tới đây, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM phối hợp cùng ngân hàng triển khai dự án hỗ trợ lương linh hoạt với lãi suất thấp để doanh nghiệp bớt khó khăn, có tài chính duy trì công việc, đáp ứng nhu cầu đời sống của công nhân.

Cuối cùng, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Công an TPHCM quyết liệt triệt phá, giải quyết tận gốc tệ nạn cho vay nặng lãi để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân, trong đó có doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố.

Nguồn Dân trí
23/12/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây