Thuốc bổ và… thuốc độc

Thứ năm - 29/12/2022 09:31
Người Việt chi tới 4 tỷ USD cho rượu, bia và 49.000 tỷ đồng cho thuốc lá. Song đáng buồn thay, trung bình mỗi người Việt Nam lại chỉ đọc khoảng… 1 cuốn sách/năm.

Báo cáo toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy: Mức tiêu thụ rượu, bia bình quân/người Việt Nam trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018. Đây là con số cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít. 

Cũng theo báo cáo này, có khoảng hơn 40.800 ca tử vong của người Việt liên quan đến rượu, bia - chưa kể gánh nặng xã hội do tai nạn, bệnh tật có nguyên nhân từ rượu, bia. Bên cạnh đó rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Và một con số kinh hoàng khác là: Người Việt đã chi tới 4 tỷ USD/năm để mua bia rượu. Số liệu này được công bố tại Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức tháng 7/2022.
 

Chưa dừng lại ở đó, tỉ lệ người Việt hút thuốc lá cũng đứng hàng thứ 15 thế giới. Ước tính mỗi năm, người Việt chi tới 49.000 tỷ đồng cho thuốc lá. Cùng với việc "tiền mất" thì mỗi năm cũng có tới hơn 40.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra (Số liệu công bố tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tháng 11/2022).

Ấy vậy mà: Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân… 1 cuốn sách. Và có tới 80% người trong độ 20 - 30 tuổi không đụng đến sách suốt một năm. (Số liệu công bố tại Tọa đàm "Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đại học Hoa Sen tổ chức tháng 5/2022).

Đến đây thì có thể thấy người Việt Nam… lười đọc sách đến mức nào - trong khi không ít người "Tiền mất, tật mang" vì sử dụng rượu, bia và thuốc lá một cách thái quá. Đặc biệt, nguồn lực vật chất và sức khỏe của chính người Việt đã bị rượu, bia và thuốc lá bào mòn ở mức độ nghiêm trọng. 

Vậy nhưng rượu, bia, thuốc lá thì liên quan gì đến sách?

Một ngày nọ, tôi cùng nhóm bạn về một vùng quê. Đón tiếp chúng tôi, người chủ nhà tỏ ra chu đáo sai vợ làm cơm. Và tất nhiên anh không quên mua chai rượu và thùng bia. Giữa chừng bữa ăn, anh lại sai đứa con chừng hơn 10 tuổi đi mua gói thuốc lá. Đứa trẻ dù nghe lời bố nhưng không quên phụng phịu: Bố còn chưa cho con tiền mua sách đấy. Câu nói này khiến cả ông bố và chúng tôi không khỏi suy nghĩ và có phần day dứt.

Có hai vấn đề từ câu chuyện này. 

 

Vấn đề thứ nhất là: Trong ý thức của nhiều bậc phụ huynh, việc chi tiền mua rượu, bia và thuốc lá nó như… cơm ăn nước uống. Trong khi việc mua và đọc sách không thuộc nhu cầu cần thiết.

Từ vấn đề thứ nhất dẫn đến vấn đề thứ hai là: Trong chi tiêu gia đình, kinh phí dành để mua rượu, bia và thuốc lá thì nằm trong hạng mục "chi thường xuyên". Còn kinh phí dành để mua sách thì thường… không có; hoặc nếu có thì cũng nằm ở hạng mục… chi đột xuất. 
 

Câu chuyện trên đây từ lâu đã là thực trạng phổ quát tại Việt Nam. Từ mối tương quan này, chúng ta hãy đặt phép tính xem rằng: Mua sách có đắt và nhiều tiền như rượu, bia và thuốc lá hay không? Câu trả lời là chi phí mua sách thấp hơn chi phí cho rượu, bia và thuốc lá rất nhiều - tất nhiên so sánh chỉ là tương đối song lại mang tính chất điển hình.

Hiện nay, giá sách tại thị trường Việt Nam trung bình ở mức 80.000 - 100.000 đồng/cuốn. Với mức giá này thì ngay cả khi 70 triệu người Việt Nam đọc sách, số lượng sách đọc trung bình tăng từ… 1 cuốn hiện nay lên đến 5 cuốn/năm thì số tiền này vẫn là quá nhỏ so với 4 tỷ USD cộng với 49.000 tỷ đồng chi cho rượu, bia và thuốc lá.

Tuy nhiên, việc đặt phép tính này không phải là mục tiêu. Thay vào đó, đích đến cuối cùng là cần giảm thiểu thiệt hại từ rượu, bia và thuốc lá; đồng thời gia tăng lợi ích từ đọc sách. Theo đó: Nếu người Việt Nam không sử dụng quá nhiều rượu, bia và thuốc lá thì nguồn lực vật chất này hoàn toàn có thể dành cho những mục đích tốt đẹp và hiệu quả hơn. Đồng thời, số người tử vong và số vụ bạo hành do rượu, bia và thuốc lá gây ra cũng sẽ giảm theo. Thêm nữa, nếu người Việt đọc sách nhiều hơn thì lợi ích từ văn hóa đọc được lan tỏa, người Việt Nam gia tăng trí tuệ và tri thức.

Lợi ích từ việc giảm sử dụng rượu, bia và thuốc lá thì rất dễ định lượng, còn ý nghĩa và giá trị từ việc đọc sách thì lớn hơn rất nhiều và mang tầm vóc của thành tựu.

 

 

Theo Phạm Xuân An/Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây