Hướng đến kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: "Buổi lễ bế mạc này là buổi xuất phát cho trung đội 42 chiến sĩ xông ra mặt trận đọ bút với quân thù!.."

Thứ tư - 03/04/2019 09:25
Đó là lời tuyên bố cũng như là mệnh lệnh của nhà báo Đỗ Đức Dục-  Giám đốc đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đối với học viên của nhà trường khi ông đọc diễn văn bế mạc lớp học vào sáng ngày 6/7/1949.

Ngày 6/1/1946, tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Đỗ Đức Dục với tư cách Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ ra ứng cử tại Hà Đông và trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao, được Đảng Dân chủ giao trọng trách cùng Tôn Quang Phiệt lãnh đạo 46 đảng viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội. Riêng ông được Quốc hội cử vào Ủy ban dự thảo Hiến Pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc và được Tổng bộ Việt Minh bầu làm Phó Bí thư.

Năm 1949, với cương vị Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Đây là trường dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Xuân Thủy – Chủ nhiệm báo Cứu quốc – cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Minh được cử làm Phó Giám đốc, các ông Đồ Phồn, Tú Mỡ là các Ủy viên Thường trực phụ trách lớp học.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là ngôi trường đầu tiên giảng dạy và đào tạo các nhà báo của Việt Nam. Trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng khó khăn và ác liệt, nhìn nhận và đánh giá tư tưởng là một mặt trận quan trọng trong công cuộc đấu tranh. Tại ngôi trường này Đỗ Đức Dục không chỉ đảm nhận công tác quản lý, ông còn lên lớp giảng bài.
Nhà báo Đỗ Đức Dục-  Giám đốc đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh: Tư liệu)
Nhà báo Đỗ Đức Dục-  Giám đốc đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh: Tư liệu)
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà báo Đỗ Đức Dục đã có những cống hiến to lớn cho nền báo chí nói riêng và đất nước nói chung, ở lĩnh vực nào ông cũng đã thể hiện xuất sắc và toàn diện. Chính vì tính trách nhiệm rất cao với xã hội mà nhà báo Đỗ Đức Dục luôn thể hiện rất rõ bản lĩnh của người cầm bút đau đáu đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước và truyền đạt được bản lĩnh đó cũng như những kinh nghiệm làm báo như bám rất chắc thời cuộc, cập nhật sự kiện, thông tin tổng hợp, truyền bá tư tưởng, phổ biến kiến thức, phục vụ thiết thực sự nghiệp cách mạng đến các học viên.

Ông căn dặn: “Nghề viết báo đòi hỏi hơn hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời. Muộn một ngày là đã trở nên lạc hậu, chậm một bước là dễ dàng bị đào thải. Ở nghề nào còn có thể dấu diếm được phần nào sự vụng về, dung túng được phần nào sự thấp hèn chứ ở nghề báo thì vụng về thấp hèn nó bày ngay ra trước mắt mọi người. Và người viết báo phải luôn luôn chịu đựng mọi phê bình khe khắt của dư luận, của độc giả. Nếu không có một tấm lòng tha thiết yêu nghề thì nhất định không đủ can đảm để thu nhận những lời phê bình của đủ các hạng độc giả phức tạp ở bốn phương, không đủ nhẫn nại mà luôn luôn học tập cầu tiến được”.
Bút tích của Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng- Đỗ Đức Dục (ảnh: bảo tàng báo chí Việt Nam)
Bút tích của Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng- Đỗ Đức Dục
(ảnh: bảo tàng báo chí Việt Nam)
Một học trò của ông là nhà báo Mai Thanh Hải sau này vẫn ghi nhớ những ấn tượng: “Cho đến tận hôm nay, học viên chúng tôi vẫn kính trọng ông Đỗ Đức Dục như một nhà văn hóa, một nhà báo tiền bối và với chúng tôi, ông là một bậc thầy. Bài giảng của ông đã gây sóng gió ngay từ ngày đầu tiên của lớp học, dù có nhiều ý kiến đối lập, chúng tôi vẫn thấy quả là phải có dũng khí mới nêu những vấn đề gai góc như thế ra trước giảng đường các nhà báo chúng tôi (hầu hết học viên chúng tôi trước đó đều đã làm báo hoặc đã viết khá nhiều bài báo)...”.

Với tư cách là một nhà quản lý, Đỗ Đức Dục là người vui mừng hơn quả khi nhìn thấy lớp học viên có kết quả rõ rệt sau 3 tháng đào tạo. Trong buổi lễ bế giảng hôm đó, rất dõng dạc nhà báo nhắc lại: “Phải yêu nghề, tận tụy với nghề, luôn cầu tiến bộ”. Cuối cùng, ông trịnh trọng tuyên bố: “Buổi lễ bế mạc này cũng là buổi xuất phát cho trung đội 42 chiến sĩ xông ra mặt trận đọ bút với quân thù!”
 
Ngọc Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây