Nhân Hội nghị Hội Nhà báo toàn quốc: Ba cái khó của Hội Nhà báo cấp tỉnh: Cán bộ thiếu tầm, người ít tiền ít, hội viên hững hờ

Thứ năm - 18/04/2019 09:22
Thực tế là bên cạnh một số Hội Nhà báo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả thì không ít hội cấp tỉnh hoạt động xuân thu nhị kì”: mờ nhạt, hình thức.  Đến nỗi tại một vài địa phương, Hội có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Đánh giá về hoạt động của Hội Nhà báo cấp tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng Hội khó nhiều mặt. Một số Hội rơi vào “hai  không”: không trụ sở, không biên chế. Có Hội còn không có tiền hoạt động. Như vậy đòi hỏi nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo  dường như là không tưởng. Từ hoạt động của HNB cấp tỉnh, thấy nổi lên 3 cái khó chủ yếu: Cái khó thứ nhất, cán bộ hội thiếu Tầm, tức là không đủ năng lực tổ chức các hoạt động của hội. Ai cũng biết HNB cấp tỉnh cần góp phần làm tốt 3 nhiệm vụ chính là rèn luyện kĩ năng làm báo, giáo dục đạo đức nhà báo và bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Cán bộ hội cần đề ra được các hoạt động nhằm phục vụ 3 nhiệm vụ đó. Đây là điều không dễ dàng vì ngoài cái Tầm hạn chế thì có cán bộ hội lại thiếu cả cái Tâm nên tham gia vào Ban chấp hành cho có, do đó không góp phần thúc đẩy công tác Hội. Làm cán bộ hội ngoài cái Tâm thì cũng rất cần chú ý cái Tầm. (Cái Tầm ở đây là năng lực viết báo và năng lực tổ chức hoạt động cho hội viên). Nếu năng động sáng tạo và trách nhiệm thì cán bộ sẽ nghĩ ra được các biện pháp để tham gia cùng các cơ quan báo chí trong việc rèn luyện kĩ năng làm báo cho hội viên. Ví dụ như một khi cán bộ có Tầm sẽ tổ chức cho hội viên đi tham quan học tập trao đổi tại một cơ quan báo chí tỉnh bạn một cách thực chất để học cách tổ chức một t báo có nhiều thông tin thiết thực, giảm tin hội nghị và lễ tân, bằng một văn phong ngắn gọn, bằng những hình ảnh sinh động; hoặc tìm hiểu về việc đào tạo làm sao để có những phóng viên giỏi, làm sao để có được những phóng sự được cả vạn người xem, làm sao để nhuận bút được cao hơn… thay vì đi giao lưu dăm ba câu xã giao rồi mải đi thăm thú nơi này nơi kia rồi ăn uống như đã thường diễn ra mà xem nhẹ phần trao đổi học tập những kinh nghiệm tốt của nhau. Những cán bộ thiếu Tâm thiếu Tầm thường ngại khó khăn mà để cho công tác Hội sa vào hành chính hình thức không thu hút được hội viên. Họ thường đưa lý do không có kinh phí để không hoạt động. Hoặc có kinh phí thì cũng tổ chức cho xong. Như thế hoạt động của HNB cấp tỉnh không thể có chất lượng. Vấn đề là chọn được cán bộ có Tầm và có Tâm vào lãnh đạo HNB cấp tỉnh. HNB cấp tỉnh và cấp trên chủ quản là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh có thể chọn đúng được cán bộ lãnh đạo Hội. Nhưng cũng có thể đã có sự lựa chọn không trúng. Bằng chứng là có những hội cấp tỉnh có cũng như không. Vậy nên cần xem xét một cơ chế mới chẳng hạn như sự hiệp y của Ban Thường vụ HNB Việt Nam đối với lãnh đạo HNB cấp tỉnh. Vì rằng bằng thực tế của suốt một đời làm công tác Hội, vì rằng có các ban chuyên môn theo dõi và chỉ đạo các Hội địa phương và với kinh nghiệm từng trải của cả đời làm báo, Ban Thường vụ HNB Việt Nam sẽ có cách đánh giá và thẩm định chính xác về những cán bộ sẽ tham gia lãnh đạo HNB cấp tỉnh. Nhờ đó mà việc lựa chọn cán bộ Hội cho các địa phương sẽ không tái diễn cảnh cán bộ “làm vì”, “được chăng hay chớ hoặc  Cán bộ có cho xong” như đã  từng xảy ra.
111
Hội thảo báo chí cụm thi đua các tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc Bộ tổ chức tại Hưng Yên

Cái khó thứ hai của HNB cấp tỉnh là người ít tiền ít nên không thể tổ chức các hoạt động cho hiệu quả. Đây là thực tế đang tồn tại. HNB nhiều tỉnh chỉ có hai ba biên chế với vài trăm triệu tiền chi thường xuyên mà không có tiền tổ chức các hoạt động khác. Cá biệt như HNB tỉnh Hà Nam lại không có cả biên chế lẫn không có trụ sở, các chức danh chỉ là kiêm nhiệm. Tiền ít người ít thì không thể đòi hỏi gì nhiều, việc tập hợp hội viên đương nhiên càng khó, vai trò vị trí của Hội cũng tóp teo theo.

       Cái khó thứ ba của HNB cấp tỉnh là nhiều hội viên không nhiệt tình tham gia công việc hội, họ hững hờ với hội. Khi Hội tổ chức giao lưu hoặc hội thảo, hội viên thường đến nhận tài liệu lúc đầu rồi cuối buổi bỏ về. Họ nối nhau bỏ về khi khách vẫn còn ngồi lại đến những phút cuối cùng. HNB Hưng Yên từng chứng kiến đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bùi Quang Huy phê bình khi chỉ còn có 15 hội viên ngồi lại trong lần lãnh đạo tỉnh gặp mặt với HNB và các cơ quan báo chí. Việc vắng mặt hoặc bỏ ra về phần nhiều nói lên ý thức đáng trách của hội viên mặc dù họ có nói lý do “Hội làm chẳng ra gì nên họ về”… Đối với HNB cấp tỉnh, nếu Giám đốc Đài hoặc Tổng biên tập Báo lạnh nhạt với công tác hội thì rất có thể sẽ kéo theo nhiều nhân viên trong cơ quan cũng nhạt lạnh theo. Các hội viên đưa ra nhiều lý do để bỏ hoặc vắng họp. Nào là phải làm tin bài, nào là mệt mỏi, nào là con ốm, nào là mẹ chồng nhức đầu, nào là giỗ bên ngoại rồi cưới bên nội, nào là quên béng họp, nào là chuẩn bị đi thì có khách tới chơi, nào là không ai trông nhà, nào là đang trên đường về… Có tới hàng trăm lý do khác nhau. Họ nghỉ họp mà chẳng bận tâm khi một năm Hội  cũng chỉ họp hoặc toạ đàm có dăm ba lần. Họ coi việc Hội là việc của nhà khác chứ không phải việc của nhà mình nên thường vắng và bỏ họp. Rất có thể kỉ luật của Hội không nghiêm nên đã dẫn đến tình trạng bỏ họp nêu trên.

Cần nhìn rõ 3 cái khó của công tác Hội để từ đó tìm ra các biện pháp khắc phục. 3 cái khó đó phải lùi bước khi có cán bộ có Tầm và có Tâm tham gia lãnh đạo Hội. Kì sau xin có đôi điều bàn về cách vượt 3 khó của Hội Nhà báo cấp tỉnh.
 
Chủ tịch HNB Hưng Yên
Nguyễn Công Đán


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây